NĐT dự án cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2017 – 2020 phải đảm bảo 20% tổng vốn đầu tư
Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết về Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2017 – 2020.
Tại dự án xây dựng một số đoạn trên cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2017 – 2020, NĐT tham gia đấu thầu phải đảm bảo 20% tổng vốn dự án. (Ảnh minh họa) |
Dự án thực hiện theo hình thức đối tác công tư. Trong đó, phần vốn đầu tư của nhà nước chỉ để thực hiện các hạng mục công việc do cơ quan nhà nước tổ chức thực hiện.
Cụ thể, đó là các chi phí công tác tư vấn chuẩn bị dự án, thiết kế kỹ thuật, dự toán, tư vấn giao dịch, chi phí của Ban quản lý dự án thuộc Cơ quan nhà nước có thẩm quyền, chi phí rà phá bom mìn, chi phí giải phóng mặt bằng... (các chi phí thuộc trách nhiệm của Cơ quan nhà nước có thẩm quyền). Ngoài ra, nguồn vốn nhà nước còn có thể hỗ trợ một phần chi phí xây dựng công trình, mức độ hỗ trợ sẽ được tính toán cụ thể trên cơ sở phương án tài chính của từng dự án.
Phần vốn chủ sở hữu nhà đầu tư (NĐT) tham gia dự án tính toán trong báo cáo nghiên cứu khả thi và hồ sơ mời thầu với tỷ lệ 20% tổng vốn đầu tư.
Mức lợi nhuận trên phần vốn chủ sở hữu của NĐT khi tính toán phương án tài chính để phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi và hồ sơ mời thầu lựa chọn NĐT bằng mức lợi nhuận trung bình trên phần vốn chủ sở hữu của NĐT ở các dự án BOT đường bộ đã triển khai trong thời gian qua; mức lợi nhuận chính thức của NĐT được xác định thông qua đấu thầu cạnh tranh.
Việc lựa chọn NĐT phải qua đấu thầu. Trường hợp chỉ có một NĐT trúng sơ tuyển sẽ báo cáo Chính phủ xem xét, quyết định.
Nghị quyết còn yêu cầu Bộ Giao thông vận tải (GTVT) bổ sung vào dự thảo hợp đồng dự án trong hồ sơ mời thầu lựa chọn NĐT quy định: “NĐT vi phạm hợp đồng trong trường hợp sau 6 tháng không ký được hợp đồng tín dụng với ngân hàng, tổ chức tín dụng đủ phần vốn vay theo quy định để triển khai dự án; Cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ tịch thu bảo đảm thực hiện hợp đồng và hợp đồng hết hiệu lực”. Bộ cần báo cáo Thủ tướng và đề xuất giải pháp xử lý.
Sử dụng giá trị vốn góp của nhà nước thông qua đấu thầu là giá trị thanh toán cho nhà đầu tư. Trường hợp có điều chỉnh, bổ sung hạng mục do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định sẽ thanh toán theo quy định từ nguồn vốn đầu tư của nhà nước, nằm trong chi phí dự phòng khối lượng của dự án. Việc thay đổi giải pháp kỹ thuật, áp dụng khoa học công nghệ mới dẫn đến kinh phí tăng – giảm do NĐT tự chịu hoặc được hưởng.
Dự án đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông cần được bổ sung vào danh mục các công trình, dự án trọng điểm ngành GTVT. Thủ tướng kiện toàn Ban chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án trọng điểm ngành GTVT, bổ sung thành viên là lãnh đạo UBND các tỉnh, thành phố mà dự án đi qua...
Riêng đối với dự án Phan Thiết – Dầu Giây, Thủ tướng quyết định dừng triển khai Quyết định số 1597 đã ban hành hồi tháng 10/2012 về việc ban hành cơ chế quản lý, thực hiện dự án cao tốc Dầu Giây – Phan Thiết thí điểm theo hình thức PPP và chấm dứt việc chỉ định Công ty TNHH tập đoàn Bitexco (Công ty Bitexco) là NĐT thứ nhất thực hiện dự án.
Bộ GTVT được giao việc thông báo với Ngân hàng Thế giới. Tuy nhiên, Công ty Bitexco cần tiếp tục hoàn chỉnh, cập nhật báo cáo nghiên cứu khả thi theo nhiệm vụ được Thủ tướng giao trước đây. Bộ GTVT phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính tổ chức xác định chi phí chuẩn bị dự án và chi phí cơ hội cho Công ty Bitexco, đàm phán với Bitexco theo hai phương án để báo cáo Thủ tướng xem xét, quyết định.
Phương án 1 là Bitexco không tiếp tục tham gia đầu tư dự án, nhà nước sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ bố trí cho dự án để thanh toán chi phí chuẩn bị dự án và khoản chi phí cơ hội cho Bitexco ngay sau khi báo cáo nghiên cứu khả thi được phê duyệt.
Phương án 2 là Bitexco tham gia đấu thầu lựa chọn NĐT, công ty sẽ được hưởng ưu đãi theo quy định, kinh phí chuẩn bị dự án nằm trong chi phí đầu tư của dự án và được thanh toán bằng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ bố trí cho dự án ngay sau khi có kết quả đấu thầu lựa chọn NĐT.