|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

NĐT cá nhân mua ròng loạt cổ phiếu đầu cơ khi bị bán tháo trong tháng đầu năm, tâm điểm DIG, CII

11:39 | 03/02/2022
Chia sẻ
Thống kê từ kênh khớp lệnh cho thấy, các cá nhân trong nước có tháng đầu năm giao dịch không mấy tích cực khi họ bán ròng gần 2.950 tỷ đồng. Vị thế giao dịch của NĐT cá nhân đã thay đổi khi tháng 12 năm ngoái họ gom ròng hơn 4.200 tỷ đồng.

Đóng cửa phiên giao dịch cuối cùng của năm Âm lịch Tân Sửu, VN-Index giảm 19,32 điểm tương đương 1,29% so với thời điểm cuối năm 2021, từ mức 1.498,28 rơi xuống 1.478,96 điểm. Thanh khoản tháng cũng giảm 15,8% so với tháng trước đó và giảm 4% so với trung bình 5 tháng do ảnh hưởng bởi yếu tố mùa vụ.

Mặc dù mức giảm tuyệt đối chỉ hơn 19 điểm nhưng nhiều nhóm cổ phiếu đã lao dốc khá mạnh như thép, chứng khoán, đặc biệt là các mã bất động sản đầu cơ, khiến cho nhà đầu tư mất đi phần lớn thành quả giao dịch trong giai đoạn trước đó. Thậm chí với những nhà đầu tư lướt sóng vào cuối sóng cổ phiếu nóng, có thể âm vốn đến hàng chục phần trăm.

Dưới góc nhìn kỹ thuật, các nhà phân tích của Chứng khoán Bản Việt cho rằng tín hiệu kỹ thuật trung hạn của VN-Index và VN30-Index quay trở lại mức tích cực trong khi của các chỉ số còn lại duy trì ở mức trung tính. Trong khi đó, chỉ có duy nhất VN30 có tín hiệu ngắn hạn ở mức tích cực, tín hiệu VN-Index ở mức trung tính và của các chỉ số còn lại ở mức tiêu cực.

Thống kê từ kênh khớp lệnh cho thấy, các cá nhân trong nước có tháng đầu năm giao dịch không mấy tích cực khi họ bán ròng gần 2.950 tỷ đồng. Vị thế giao dịch của NĐT cá nhân đã thay đổi khi tháng 12 năm ngoái họ gom ròng hơn 4.200 tỷ đồng.

NĐT cá nhân mua ròng loạt cổ phiếu đầu cơ khi xuất hiện làn sóng bán tháo trong tháng đầu năm, tâm điểm DIG, CII - Ảnh 1.

Giá trị mua/bán ròng khớp lệnh của các nhóm NĐT. (Nguồn: Thu Thảo tổng hợp).

Cổ phiếu ngân hàng bị bán ròng mạnh nhất, dòng tiền cá nhân tiếp tục hướng vào nhóm thép

Theo thống kê từ Fiintrade, Hoạt động rút vốn của các cá nhân trong nước áp đảo với 13/18 ngành bị bán ròng. Trong đó, cổ phiếu "vua" là nhóm bị xả ròng nhiều nhất với giá trị lên tới 1.594 tỷ đồng, quy mô rút ròng gấp gần 4 lần so với giai đoạn tháng 12/2021.

Có thể thấy, hoạt động chốt lời mạnh mẽ diễn ra trong bối cảnh cổ phiếu ngân hàng lấy lại vị thế tâm điểm thu hút dòng tiền sau chuỗi điều chỉnh kéo dài. Thống kê cho thấy trong Top10 mã đóng góp lớn nhất cho VN-Index ở tháng đầu năm, có tới 7 đại diện của các nhà băng gồm BID, VCB, MBB, CTG, TCB, STB, VPB.

Bên cạnh đó, giao dịch bán ròng của nhà đầu tư cá nhân cũng được đẩy mạnh ở nhóm dịch vụ tài chính với 697 tỷ đồng. Báo cáo tài chính quý IV và cả năm 2021 chỉ ra các doanh nghiệp nhóm này hầu hết báo lãi đậm, phản ánh bức tranh thị trường chứng khoán đầy sôi động trong năm vừa qua.

Giai đoạn trung tuần tháng 1, cổ phiếu bất động sản bất ngờ bị bán tháo sau khi xuất hiện các thông tin tiêu cực liên quan đến việc phong tỏa tài khoản chủ tịch FLC và Tân Hoàng Minh bỏ cọc. Theo đó, dòng tiền cá nhân cũng rút khỏi nhóm này với giá trị 444 tỷ đồng. Tương tự, cổ phiếu của nhiều nhóm ngành cũng nằm trong danh mục bán ròng như bán lẻ (435 tỷ đồng), điện, nước & xăng dầu khí đốt (439 tỷ đồng), hóa chất (305 tỷ đồng),...

NĐT cá nhân mua ròng  - Ảnh 1.

Giao dịch khớp lệnh của nhà đầu tư cá nhân theo nhóm ngành. (Nguồn: Thu Thảo tổng hợp).

Ở chiều ngược lại, cổ phiếu nhóm tài nguyên cơ bản vẫn là tâm điểm thu hút dòng vốn cá nhân trong tháng đầu năm, dù vậy quy mô giải ngân đã giảm đáng kể từ 2.576 tỷ còn 870 tỷ đồng. Dường như NĐT cá nhân vẫn không ngần ngại "bắt đáy" cổ phiếu ngành thép khi nhiều mã đã rơi khỏi vùng đáy ngắn hạn và lùi sâu về các ngưỡng hỗ trợ thấp hơn.

Hoạt động rót tiền của cá nhân trong nước cũng được duy trì ở các một số nhóm cổ phiếu lớn gồm thực phẩm & đồ uống (425 tỷ đồng), xây dựng & vật liệu (281 tỷ đồng).

NĐT cá nhân gom ròng loạt cổ phiếu đầu cơ khi có làn sóng bán tháo

Giao dịch tại chiều mua của nhà đầu tu cá nhân tuần qua nổi bật nhất là hoạt động giải ngân vào cổ phiếu DIG của DIC Corp. Mã này dẫn đầu với giá trị mua ròng lớn nhất lên tới 1.293,5 tỷ đồng. Giao dịch của các cá nhân gần như đối ứng với các tổ chức trong nước khi nhóm này cũng bán ròng gần 1.326 tỷ đồng cổ phiếu DIG.

Nối tiếp, các cá nhân gom ròng 924,8 tỷ đồng cổ phiếu CII của Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP Hồ Chí Minh khi mã này có chuỗi giảm sàn 10 phiên trong tháng 1. Đây cũng là bên mua ròng duy nhất cổ phiếu CII trong tháng đầu năm.

Bên cạnh DIG, CII, nhà đầu tư cá nhân cũng thực hiện gom ròng hàng loạt cổ phiếu bất động sản - xây dựng trong tháng qua, điển hình là NVL (882,4 tỷ đồng), VIC (726,5 tỷ đồng), NBB (207,4 tỷ đồng).

Danh mục Top10 thu hút dòng vốn cá nhân trong nước còn có sự góp mặt của HPG (601,3 tỷ đồng), VNM (508,7 tỷ đồng), ACB (427,9 tỷ đồng), GEX (173,4 tỷ đồng) và HSG (169,5 tỷ đồng).

NĐT cá nhân mua ròng  - Ảnh 2.

Top 10 mã được NĐT cá nhân mua/bán ròng nhiều nhất qua kênh khớp lệnh tuần. (Nguồn: Thu Thảo tổng hợp).

Trở lại chiều bán ròng, dòng tiền cá nhân nội đồng loạt rút khỏi nhiều cổ phiếu trụ trong rổ VN30. Trong đó, VHM của Vinhomes là mã bị rút ròng nhiều nhất với 1.314,3 tỷ đồng.

Theo sau, nhóm này rút ròng khỏi hai cổ phiếu của các nhà băng, gồm CTG (667 tỷ đồng) và STB (616,5 tỷ đồng). Một số cổ phiếu cũng ghi nhận giao dịch cùng chiều như FLC (557,7 tỷ đồng), MWG (493 tỷ đồng), DXG (485,4 tỷ đồng), GAS (436,2 tỷ đồng), SSI (435,3 tỷ đồng),...

Thu Thảo

Quốc hội đề nghị làm rõ thu thuế sàn TMĐT, cơ sở thường trú 'ảo'  nước ngoài bằng cách nào?
Trước đề xuất thu thuế thu nhập doanh nghiệp với sàn thương mại điện tử, cơ sở thường trú 'ảo' của doanh nghiệp nước ngoài, Cơ quan thẩm tra đề nghị làm rõ tính khả thi về phương thức thu thuế và những Hiệp định pháp lý có liên quan.