|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Tự doanh mua ròng gần 800 tỷ đồng trong tháng 1, cổ phiếu bluechips là tâm điểm hút tiền

14:30 | 01/02/2022
Chia sẻ
Trong tháng thị trường giao dịch ảm đạm và biến động mạnh, dòng tiền từ bộ phận tự doanh công ty chứng khoán đóng vai trò nâng đỡ khi khối này mua ròng gần 800 tỷ đồng, trong đó giao dịch tập trung ở các cổ phiếu vốn hóa lớn trong rổ VN30.

Trong tuần giao dịch đầu tiên của năm 2022, thị trường chứng khoán tiếp tục chứng kiến VN-Index thiết lập đỉnh mới sau khi vượt mốc 1.500 điểm vào tháng 12/2021. "Niềm vui ngắn chẳng tày gang" khi chỉ số đã trải qua nhiều pha đổ đèo và liên tục rung lắc trong 3 tuần còn lại của tháng 1.

"Hiệu ứng tháng Giêng" đã không còn xuất hiện ở năm nay. Đóng cửa phiên giao dịch cuối tháng 1, VN-Index dừng chân tại mốc 1.478,96 điểm, tương ứng giảm 19,32 điểm (1,29%) so với cuối năm 2021.

Dòng tiền đầu tư cũng giảm đáng kể do chịu ảnh hưởng bởi yếu tố mùa vụ, nhà đầu tư có khuynh hướng chốt lời và giảm dần giao dịch trong những ngày cuối tháng. Theo đó, thanh khoản tháng Giêng giảm 15,8% so với tháng trước đó và giảm 4% so với trung bình 5 tháng.

Theo thống kê của FiinTrade, tỷ trọng phân bổ dòng tiền tăng vào nhóm ngân hàng, dầu khí, trong khi giảm vào nhóm chứng khoán, xây dựng & vật liệu. Tỷ lệ ngành tăng/giảm là 3/16, ngành tăng điểm mạnh nhất là ngân hàng 10,51%, trong khi nhóm ô tô & phụ tùng giảm mạnh nhất với tỷ lệ mất giá là 18,1%.

Trong tháng thị trường giao dịch ảm đạm và biến động mạnh, dòng tiền từ bộ phận tự doanh công ty chứng khoán đóng vai trò nâng đỡ khi khối này mua ròng gần 800 tỷ đồng, trong đó giao dịch tập trung ở các cổ phiếu vốn hóa lớn trong rổ VN30.

 - Ảnh 1.

Thống kê giao dịch mua/bán ròng của khối tự doanh trong tháng 1. (Nguồn: Thu Thảo tổng hợp).

Tự doanh chủ yếu mua ròng cổ phiếu "bank, chứng, thép" trong khi xả ròng họ BĐS

Theo thống kê từ Fiinpro, tính riêng giao dịch khớp lệnh thì khối tự doanh công ty chứng khoán mua ròng khoảng 1.173 tỷ đồng. Dòng tiền đầu tư cải thiện khi số ngành được mua ròng tăng từ 3 lên 11 nhóm trong tháng đầu tiên của năm 2022.

Diễn biến theo từng nhóm ngành, cổ phiếu bất động sản bị khối tự doanh bán ròng mạnh nhất trong tháng 1 với giá trị 193 tỷ đồng. Trong tháng 12, cổ phiếu địa ốc cũng dẫn đầu danh mục xả ròng với giá trị gần 444 tỷ đồng. 

Tương tự, bộ phận tự doanh cũng tiếp đà bán ròng gần 20,7 tỷ đồng cổ phiếu nhóm du dịch & giải trí. Cùng chiều, dòng vốn tự doanh cũng rút khỏi các nhóm dầu khí, ô tô & phụ tùng, truyền thông, y tế với giá trị không đáng kể.

Tự doanh mua ròng gần 800 tỷ đồng trong tháng 1, cổ phiếu bluechips là tâm điểm hút tiền - Ảnh 2.

Giao dịch khớp lệnh của khối tự doanh theo nhóm ngành. (Nguồn: Thu Thảo tổng hợp).

Ở chiều ngược lại, tự doanh công ty chứng khoán tiếp tục mua ròng mạnh nhất nhóm ngân hàng (278 tỷ đồng). Dễ thấy, cổ phiếu của các nhà băng tiếp tục nằm trong danh mục ưu tiên xuống tiền của tự doanh khi cổ phiếu "vua" có bước chuyển mình ngoạn mục trong tháng đầu năm.

Đáng chú ý, tháng qua cũng chứng kiến sự thay đổi vị thế của khối tự doanh ở nhóm dịch vụ tài chính & tài nguyên cơ bản, họ tập trung mua ròng 249 tỷ và 139 tỷ đồng tỷ thay vì rút ròng tháng trước đó.

Việc giải ngân trở lại diễn ra trong bối cảnh giá cổ phiếu của cả hai nhóm này vẫn chưa dứt đà điều chỉnh, đặc biệt nhóm thép đã rơi khỏi vùng đáy ngắn hạn và lùi sâu về các ngưỡng hộ trợ thấp hơn.

Cùng chiều, dòng tiền tự doanh tìm đến các ngành bán lẻ (219 tỷ đồng), hàng & dịch vụ công nghiệp (114 tỷ đồng), hàng cá nhân & gia dụng (106 tỷ đồng), hóa chất (98 tỷ đồng), thực phẩm & đồ uống (80 tỷ đồng),...

Cổ phiếu bluechips là tâm điểm hút tiền

Giao dịch cụ thể theo từng mã, cổ phiếu MWG của Thế Giới Di Động giữ vị trí quán quân về giá trị mua ròng trong tháng qua với 202 tỷ đồng.

Mới đây, doanh nghiệp cho biết doanh thu thuần trong quý IV/2021 đạt 36.138 tỷ đồng, tăng 33% so với cùng kỳ năm 2020. Lợi nhuận sau thuế tăng 66% lên 1.563 tỷ đồng. Đây cũng là mức doanh thu và lợi nhuận kỷ lục kể từ khi hoạt động đến nay.

Luỹ kế cả năm, Thế Giới Di Động đạt 122.958 tỷ đồng doanh thu thuần, lãi sau thuế 4.901 tỷ đồng; tăng lần lượt 13% và 25% so với năm 2020. Chuỗi Điện Máy Xanh góp tới 51% vào cơ cấu doanh thu, xếp thứ là là chuỗi Thế Giới Di Động với 25,7% và Bách Hoá Xanh góp 22,9% trong tổng doanh thu năm vừa qua.

Trở lại với giao dịch của tự doanh, đứng vị trí thứ hai trong danh mục Top10 mua ròng là chứng chỉ quỹ E1VFVN30. Bên cạnh đó, khối tự doanh cũng gom ròng loạt bluechips như VRE (112,5 tỷ đồng), PNJ (106,6 tỷ đồng), HPG (93,8 tỷ đồng), TCB (89,3 tỷ đồng) và MSN (71,3 tỷ đồng).

Mặc dù cổ phiếu của các nhà băng được khối tự doanh mua ròng mạnh nhất trong tháng 1. Tuy nhiên danh mục Top10 mua ròng chỉ có 1 đại diện duy nhất đến từ nhóm ngân hàng là TCB với giá trị 89,3 tỷ đồng. Dòng vốn tự doanh cũng tìm đến các mã vốn hóa vừa và nhỏ như NBB (88,7 tỷ đồng), DPM (79,1 tỷ đồng), REE (72,5 tỷ đồng).

 - Ảnh 3.

Top10 cổ phiếu khối tự doanh mua/bán ròng tháng 1. (Nguồn: Thu Thảo tổng hợp).

Ở chiều bán ra, giao dịch rút vốn tập trung ở các cổ phiếu nhóm bất động sản, xây dựng. Trong đó FLC bị bán ròng mạnh nhất trong Top10 với giá trị lên đến 248 tỷ đồng, bỏ xa mã đứng thứ hai là VIC với 124,5 tỷ đồng. Kế đó, NVL cũng bị xả ròng 89,8 tỷ đồng

Bộ phận tự doanh công ty chứng khoán cũng bán ròng hai cổ phiếu trụ trong rổ VN30 là KDH và VNM với giá trị lần lượt là 87,2 tỷ và 57,5 tỷ đồng. Ngoài ra, dòng vốn tự doanh còn rút khỏi VCG (43 tỷ đồng), CII (29,8 tỷ đồng), NKG (24,7 tỷ đồng), VJC (19,5 tỷ đồng) và LCG (14,7 tỷ đồng).

Thu Thảo