|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

NĐT cá nhân gom gần 2.200 tỷ đồng khi VN-Index tạm ngắt chuỗi giảm 4 tuần liên tục

16:00 | 15/10/2023
Chia sẻ
Trong tuần giao dịch 9 – 13/10, nhà đầu tư cá nhân mua ròng 2.183 tỷ đồng trên HOSE, trong đó gom ròng 2.093 tỷ đồng qua kênh khớp lệnh. Nhóm này tập trung mua các cổ phiếu MWG, VPB, HPG, FPT, VHM.

VN-Index ghi nhận tuần giao dịch phục hồi tích cực và chỉ có dấu hiệu chỉ hụt hơi trong phiên cuối tuần khi áp lực bán liên tục xuất hiện. Về diễn biến cụ thể, thanh khoản mua chủ động gia tăng trong 3 phiên giao dịch 9/10 – 11/10 giúp chỉ số chung bật tăng, tiếp cận lại khu vực 1.150 điểm. Lực cầu tìm đến hầu hết tất cả các nhóm ngành và nổi bật hơn cả là cổ phiếu dầu khí với mức tăng khoảng 6,3%.

Tuy vậy, vùng 1.160 điểm vẫn đang được đánh giá là ngưỡng cả điểm tâm lý của thị trường trong ngắn hạn. Kết tuần, VN-Index dừng chân tại mốc 1.154,73 điểm, tăng 26,19 điểm, tương đương với 2,32% so với tuần trước, tạm ngắt chuỗi giảm 4 tuần liên tiếp.

HNX-Index và UPCoM-Index cũng tăng lần lượt 3,73% và 0,8%. Giá trị giao dịch bình quân phiên trên toàn thị trường ở mức 16.431 tỷ đồng, giảm 4,2% so với tuần trước và giảm 35% so với bình quân 10 tuần gần đây.

Nguồn: Linh Chi tổng hợp.

NĐT cá nhân mua ròng gần 2.200 tỷ đồng tuần VN-Index hồi phục, tâm điểm nhóm bất động sản

Trong tuần giao dịch khởi sắc, nhà đầu tư cá nhân đẩy mạnh mua ròng 2.183 tỷ đồng trên HOSE, trong đó gom ròng 2.093 tỷ đồng qua kênh khớp lệnh.

Xét theo nhóm ngành, cổ phiếu bất động sản được mua ròng 390 tỷ đồng và là giá trị lớn nhất trong tuần. Theo sau, dòng tiền cá nhân cũng mua ròng các đại diện thuộc nhóm bán lẻ (389 tỷ đồng), tài nguyên cơ bản (306 tỷ đồng), thực phẩm & đồ uống (304 tỷ đồng), điện, nước & xăng dầu khí đốt (235 tỷ đồng), công nghệ thông tin (211 tỷ đồng).

Chiều ngược lại, giao dịch bên bán tập trung ở nhóm xây dựng & vật liệu với quy mô 99 tỷ đồng. Áp lực bán đến từ NĐT cá nhân cũng được chứng kiến ở các ngành dịch vụ tài chính, ô tô & phụ tùng, truyền thông với các giá trị thấp hơn.

Nguồn: Linh Chi tổng hợp. 

Thống kê giao dịch theo từng cổ phiếu, cổ phiếu MWG của Đầu tư Thế giới Di động ghi nhận giá trị vào ròng hơn 375 tỷ đồng. Giao dịch của NĐT cá nhân đối lập với hành vi của khối ngoại. Cùng chiều, cổ phiếu HPG và VPB cũng được mua ròng lần lượt 321 tỷ đồng và 308 tỷ đồng. Top 10 mua ròng còn có sự góp mặt của các mã như FPT, VHM, MSN, KBC, GAS, SAB, POW với quy mô 75 - 220 tỷ đồng.

Tại chiều bán, giao dịch tập trung mạnh nhất ở mã STB với 211 tỷ đồng. Theo dự báo của Bộ phận phân tích Chứng khoán SSI (SSI Research), Sacombank dự kiến sẽ dẫn đầu trong tăng trưởng lợi nhuận quý III/2023. SSI Research kỳ vọng lợi nhuận trước thuế sẽ đạt 2.400 đến 2.500 tỷ đồng trong quý III, tương đương mức tăng 57% đến 63% so với cùng kỳ.

Các nhà phân tích dự kiến mức tăng trưởng tín dụng của Sacombank đạt 8,5%, NIM đi ngang so với quý trước, trong khi tỷ lệ nợ xấu dự kiến đạt khoảng 2%.

Nhiều cổ phiếu tài chính – ngân hàng cũng nằm trong danh mục rút ròng như VND (83 tỷ đồng), MBB (80 tỷ đồng), VCI (75 tỷ đồng), ACB (50 tỷ đồng). Bên cạnh đó, dòng tiền của cá nhân trong nước cũng rút ròng khỏi một số cổ phiếu như SZC, GMD, PTB, DGC và PC1.

Nguồn: Linh Chi tổng hợp. 

Tổ chức trong nước mua ròng tuần thứ ba liên tục

Giao dịch cùng chiều với nhóm cá nhân trong nước, tổ chức nội mua ròng 335 tỷ đồng trên HOSE, trong đó gom ròng khớp lệnh chỉ hơn 3 tỷ đồng.

Hoạt động mua ròng diễn ra ở 6/18 ngành, lớn nhất là nhóm ngân hàng với 359 tỷ đồng, theo sau lần lượt là nhóm cổ phiếu dịch vụ tài chính (77 tỷ đồng), bán lẻ (45 tỷ đồng), hàng cá nhân & gia dụng (5 tỷ đồng), ô tô & phụ tùng (3 tỷ đồng), …

Trong khi đó, dòng tiền của tổ chức trong nước chủ yếu rút khỏi hai ngành bất động sản (184 tỷ đồng) và tài nguyên cơ bản (122 tỷ đồng).

Nguồn: Linh Chi tổng hợp. 

Tại chiều mua, tổ chức trong nước tập trung vào cổ phiếu STB với 173 tỷ đồng. Việc tổ chức nội mua ròng cổ phiếu của Sacombank diễn ra trong bối cảnh mã này có nhịp tăng gần 2% trong tuần vừa qua, bất chấp áp lực xả từ phía các NĐT cá nhân.

Cùng chiều, dòng tiền nhóm này cũng thực hiện gom ròng nhiều cổ phiếu ngành tài chính – ngân hàng như MBB (105 tỷ đồng), ACB (75 tỷ đồng), VND (52 tỷ đồng). Danh mục rót ròng còn có sự góp mặt của GMD với giá trị 52 tỷ đồng.

Ở phía đối diện, cổ phiếu HPG đứng vị trí số 1 về giá trị xả ròng với hơn 139 tỷ đồng. Bên cạnh đó, KBC cũng nằm trong top rút ròng với 103 tỷ đồng. Ngoài ra, danh mục cổ phiếu bị bán ròng còn có VPB (72 tỷ đồng), KDH (65 tỷ đồng), VIX (57 tỷ đồng).

Nguồn: Linh Chi tổng hợp. 

Linh Chi