|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

NĐT cá nhân giải ngân gần 16.000 tỷ đồng trong tháng 6, rót hơn 40% vốn vào FPT

13:32 | 30/06/2024
Chia sẻ
Cá nhân trong nước tiếp đà mua ròng gần 16.000 tỷ đồng trong tháng 6, trong đó tâm điểm là FPT với hơn 6.317 tỷ đồng. Tổng giá trị vào ròng của mã này chiếm hơn 40% quy mô giải ngân của các NĐT cá nhân.

Một trong những điểm nhấn của thị trường chứng khoán Việt Nam trong tháng 6 là VN-Index thành công chinh phục ngưỡng 1.300 điểm, phá bỏ điểm nghẽn tâm lý của thị trường trong thời gian dài. Dù vậy, thị trường cũng đã có nhịp điều chỉnh sau khi lập đỉnh.

VN-Index khép lại tháng 6 tại mức giá 1.245,32 điểm, giảm 16,4 điểm, tương đương 1,3% so với cuối tháng 5. Tổng giá trị giao dịch bình quân phiên trên 3 sàn trong tháng 6 đạt 26.356 tỷ đồng. Tính riêng khớp lệnh, giá trị giao dịch bình quân phiên ở mức 22.683, tăng nhẹ 4% so với tháng trước và 3,8% so với mức bình quân 5 tháng gần đây.

Liên quan đến giao dịch của các nhóm nhà đầu tư, cá nhân trong nước là một trong hai bên mua ròng, bên cạnh bộ phận tự doanh công ty chứng khoán. Giao dịch của hai nhóm này đã cân lệnh bán ra từ phía khối ngoại và tổ chức trong nước.

Cụ thể, NĐT cá nhân mua ròng hơn 15.582 tỷ đồng, trong đó họ mua ròng hơn 16.436 tỷ đồng qua kênh khớp lệnh. Theo thống kê của FiinTrade, giao dịch mua ròng của NĐT cá nhân diễn ra tại 12/18 nhóm ngành. Trong đó, cổ phiếu công nghệ thông tin được mua ròng 6.529 tỷ đồng, là giá trị lớn nhất trong tháng 6.

Theo sau, dòng tiền cá nhân cũng mua ròng hơn nghìn tỷ đồng các đại diện thuộc nhóm bất động sản (4.324 tỷ đồng), ngân hàng (2.295 tỷ đồng) và dịch vụ tài chính (1.277 tỷ đồng). Cùng chiều, các ngành bán lẻ, điện nước & xăng dầu khí đốt, du lịch & giải trí, hóa chất, thép, … cũng thu hút dòng tiền cá nhân trong nước với giá trị thấp hơn.

Chiều ngược lại, NĐT cá nhân bán ròng mạnh nhất cổ phiếu thực phẩm & đồ uống với quy mô hơn 126 tỷ đồng. Cổ phiếu ngành hàng cá nhân & gia dụng, hàng & dịch vụ công nghiệp cũng nằm trong Top rút ròng với giá trị lần lượt là 106 tỷ đồng và 50 tỷ đồng.

Áp lực bán từ NĐT cá nhân cũng được chứng kiến ở cổ phiếu ô tô & phụ tùng (24 tỷ đồng), truyền thông (6 tỷ đồng) và xây dựng & vật liệu (4 tỷ đồng).

Nguồn: Linh Chi tổng hợp.

Thống kê giao dịch theo từng cổ phiếu, FPT dẫn đầu chiều mua ròng của cá nhân trong nước với giá trị 6.317 tỷ đồng, quy mô này bỏ xa các mã còn lại trong top mua ròng. Giao dịch của NĐT cá nhân giữ vai trò chủ đạo cân lệnh bán ra cổ phiếu FPT từ khối ngoại.

Trên thị trường chứng khoán, trong nhịp tăng kéo dài 8 tháng gần đây, cổ phiếu của ông lớn ngành công nghệ chưa xuất hiện nhịp điều chỉnh nào đáng kể. Kết thúc phiên 28/6, cổ phiếu của FPT dừng chân tại mốc 130.500 đồng/cp, tăng 12,2% so với thời điểm cuối tháng 5. Thị giá hiện tại giảm nhẹ 4% so với mức đỉnh lịch sử nhưng vẫn tăng gần 36% so với thời điểm đầu năm.

Việc các nhóm đầu tư gia tăng hoạt động mua bán cổ phiếu đã giúp thanh khoản cổ phiếu FPT trong một tháng qua ghi nhận mức sôi động nhất sau gần hai thập kỷ lên sàn.

Theo sau, lực mua các cá nhân tiếp tục tìm đến cổ phiếu VHM của CTCP Vinhomes với giá trị 1.568 tỷ đồng. Hai cổ phiếu HPG và VRE cũng được gom ròng hơn nghìn tỷ đồng

Dòng tiền các cá nhân trong nước cũng tìm đến các đại diện của nhóm tài chính – ngân hàng, bán lẻ dầu khí như VND (838 tỷ đồng), VCB (765 tỷ đồng), BID (734 tỷ đồng), MWG (665 tỷ đồng), TCB (655 tỷ đồng) và GAS (590 tỷ đồng).

Nguồn: Linh Chi tổng hợp. 

‎Tại chiều bán ròng, giao dịch tập trung mạnh nhất ở mã MSN với 738 tỷ đồng. Mới đây, tại cuộc trao đổi với nhà đầu tư chiều 27/6, ông Lê Bá Nam Anh - Giám đốc Chiến lược và Phát triển Masan Group giải thích chi tiết về kế hoạch hỗ trợ SK Group giảm tỷ lệ sở hữu tại Masan.

Cụ thể, thời gian gần đây có những thông tin về việc SK Group - cổ đông nươc ngoài lớn nhất tại Masan, đã thực hiện quyền chọn bán, tức là yêu cầu bán lại cho Masan Group hoặc bán lại trên thị trường. Khi có thông tin này, nhà đầu tư có thể quan ngại khi cho rằng sắp tới sẽ có một lượng lớn cổ phiếu MSN bán tháo trên thị trường. Do đó, đầu tuần này Masan Group đã đưa ra thông cáo báo chí khẳng định thông tin SK Group thực hiện quyền chọn bán là hoàn toàn không chính xác.

“Trong thời gian ngắn thôi, chúng tôi đã có những nhà đầu tư quỹ, am hiểu Masan Group sẵn sàng mua lại số cổ phần SK nắm giữ, trong một giao dịch thoả thuận, chứ không bán hàng loạt trên thị trường. Tức sẽ có một quỹ đầu tư lớn nhảy vào ôm ngay lượng cổ phiếu lớn của SK Group trao tay”, ông Nam Anh giải thích.

Bên cạnh đó, NĐT cá nhân còn rút ròng MBB và VPB với quy mô lần lượt là 620 tỷ đồng và 402 tỷ đồng. Cùng chiều các cá nhân rút ròng hàng trăm tỷ đồng các mã PC1 (281 tỷ đồng), HSG (253 tỷ đồng), GVR (209 tỷ đồng), POW (193 tỷ đồng), CTD (152 tỷ đồng), FRT (148 tỷ đồng) và HAH (135 tỷ đồng).


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Linh Chi