|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

NĐT cá nhân mua ròng 6.500 tỷ đồng trong tháng 2, đâu là tâm điểm?

20:03 | 03/03/2024
Chia sẻ
Trong tháng 2, NĐT cá nhân mua ròng 6.495 tỷ đồng, trong đó gom ròng khớp lệnh là 6.762 tỷ đồng, đánh dấu tháng giải ngân mạnh nhất kể từ tháng 9/2023.

VN-Index khép lại tháng 2/2024 tại mức giá 1.252,73 điểm, tăng 88,42 điểm tương đương 7,59% so với thời điểm cuối tháng 1. Với đà tăng này, thị trường chứng khoán Việt Nam duy trì 4 tháng liên tục tăng điểm từ vùng 1.020 điểm tháng 11/2023.

Bên cạnh điểm số tăng, thanh khoản thị trường cũng ghi nhận cải thiện. Cụ thể, giá trị giao dịch bình quân phiên trên toàn thị trường trong tháng 2 đạt 21.301 tỷ đồng, tăng 26,2% so với mức bình quân tháng 1. Thống kê cho thấy nhóm ngân hàng tiếp tục là nhân tố nâng đỡ thị trường, bên cạnh cổ phiếu “họ Vin” và HPG.

Liên quan đến giao dịch của các nhóm nhà đầu tư, cá nhân trong nước là bên mua ròng duy nhất, cân lệnh bán ra từ phía khối ngoại, tổ chức trong nước và bộ phận tự doanh công ty chứng khoán. Cụ thể, NĐT cá nhân mua ròng 6.495 tỷ đồng, trong đó gom ròng khớp lệnh là 6.762 tỷ đồng, đánh dấu tháng giải ngân mạnh nhất kể từ tháng 9/2023.

Theo thống kê của FiinTrade, giao dịch mua ròng của NĐT cá nhân diễn ra tại 14/18 nhóm ngành. Cổ phiếu ngân hàng được mua ròng 2.967 tỷ đồng, là giá trị lớn nhất trong tháng 2. Trong khi tháng trước đó ngành này bị rút ròng mạnh nhất với quy moô 3.054 tỷ đồng.

Theo sau, dòng tiền cá nhân cũng mua ròng hơn nghìn tỷ đồng các đại diện thuộc nhóm bất động sản (1.232 tỷ đồng), thực phẩm & đồ uống (1.024 tỷ đồng). Cùng chiều, các ngành xây dựng & vật liệu, hàng & dịch vụ công nghiệp, bán lẻ, … cũng thu hút dòng tiền cá nhân trong nước với giá trị thấp hơn.

Chiều ngược lại, NĐT cá nhân bán ròng mạnh nhất cổ phiếu dịch vụ tài chính với quy mô 754 tỷ đồng. Cổ phiếu ngành hóa chất cũng nằm trong Top rút ròng với giá trị 639 tỷ đồng. Áp lực bán đến từ NĐT cá nhân cũng được chứng kiến hai ngành hàng cá nhân & gia dụng (73 tỷ đồng) và y tế (4 tỷ đồng).

Nguồn: Linh Chi tổng hợp.

Thống kê giao dịch theo từng cổ phiếu, NVL là cổ phiếu duy nhất ghi nhận giá trị giao vào ròng trên 800 tỷ đồng. Giao dịch của NĐT cá nhân giữ vai trò chủ đạo cân lệnh bán ra cổ phiếu NVL từ tổ chức trong nước và khối tự doanh công ty chứng khoán.

Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu của Novaland đóng cửa phiên 29/2 tại 17.100 đồng/cp, tăng nhẹ gần 2,4% so với thời điểm cuối tháng 1.

Theo sau, lực mua các cá nhân tìm đến VPB của VPBank với giá trị 758 tỷ đồng. Một số cổ phiếu ngân hàng cũng năm trong Top mua ròng như TPB (369 tỷ đồng), MBB (356 tỷ đồng), …

Dòng tiền các cá nhân trong nước cũng tìm đến các đại diện của ngành thực phẩm, bán lẻ, điện, thép như VNM (634 tỷ đồng), PC1 (604 tỷ đồng), MWG (581 tỷ đồng), MSN (430 tỷ đồng), NKG (409 tỷ đồng), …

Nguồn: Linh Chi tổng hợp. 

Tại chiều bán ròng, giao dịch tập trung mạnh nhất ở mã DGC với 445 tỷ đồng. Bất chấp hoạt động rút ròng từ phia NĐT cá nhân, sau gần ba tháng đi ngang ở vùng 92.000 đồng/cp, cổ phiếu DGC của CTCP Tập đoàn Hóa chất Đức Giang có nhịp tăng gần 24% chỉ trong 1 tháng.

Kết thúc phiên giao dịch 29/2, DGC đóng cửa tại mốc 112.000 đồng/cp, đánh dấu mức cao nhất 20 tháng qua kể từ tháng 6/2022. Giá trị vốn hóa Hóa chất Đức Giang theo đó tăng thêm hơn 8.200 tỷ đồng, đạt khoảng 42.535 tỷ đồng (tương đương gần 1,73 tỷ USD).

Về hoạt động kinh doanh, Hóa chất Đức Giang được kỳ vọng hưởng lợi lớn nhờ làn sóng đầu tư chất bán dẫn ở Việt Nam. Các chuyên gia dự báo giá phốt pho  vàng - nguyên liệu thiết yếu cho ngành sản xuất chất bán dẫn và axit photphoric sẽ diễn biến tích cực hơn trong 2024, là động lực tăng trưởng chính cho Hoá chất Đức Giang.

Ngoài DGC, NĐT còn bán ròng cổ phiếu nhóm tài chính ngân hàng, có thể kể đến như EVF (359 tỷ đồng), SSI (254 tỷ đồng), CTG (259 tỷ đồng), MSB (219 tỷ đồng), VCI (193 tỷ đồng). Cùng chiều các cá nhân rút ròng hơn trăm tỷ đồng các mã DCM, VHC, FRT và AAA.

Linh Chi