|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Khối ngoại bán ròng gần 2.800 tỷ đồng trên HOSE trong tháng 2, mã nào là tâm điểm?

08:47 | 03/03/2024
Chia sẻ
Thống kê cho thấy khối ngoại bán ròng mạnh nhất cổ phiếu MWG của Đầu tư Thế giới Di động với quy mô 760 tỷ đồng. Sau hai tháng được khối ngoại mua ròng trở lại thì trong tháng 2 tới nay, khối ngoại có động thái chuyển hướng bán ròng, đưa trạng thái giao dịch từ đầu năm từ mua ròng thành rút ròng hơn 250 tỷ đồng.

Trong tháng 2, nhà đầu tư tham gia 15 phiên giao dịch do thị trường chứng khoản có kỳ nghỉ lễ Tết âm lịch. VN-Index đóng cửa tháng tại 1.252,73 điểm, tăng 88,42 điểm tương đương tăng 7,59% so với cuối tháng 1, qua đó ghi nhận tháng thứ 4 liên tiếp tăng điểm. Con số 7,59% cũng là mức tăng cao nhất trong một tháng chỉ số này đạt được kể từ tháng 7/2023.

Giá trị giao dịch bình quân phiên trên toàn thị trường đạt 21.301 tỷ đồng, tăng 26,2% so với mức bình quân tháng 1. Xét theo khung thời gian tháng, tỷ trọng dòng tiền đạt đỉnh tháng ở ngành công nghệ thông tin; tăng ở nhóm bất động sản, thực phẩm, hóa chất, dầu khí, trong khi giảm ở các ngành xây dựng, thép, bán lẻ.

Trái với diễn biến tích cực của VN-Index, khối ngoại duy trì trạng thái bán ròng với tổng quy mô hơn 1.430 tỷ đồng trên toàn thị trường, trong đó hoạt động rút ròng ghi nhận trên hai sàn HOSE và HNX.

Trên HOSE, nhà đầu tư nước ngoài đảo chiều bán ròng với quy mô gần 2.770 tỷ đồng. Trong đó, họ rút ròng gần 4.044 tỷ đồng qua kênh khớp lệnh.

Thống kê cho thấy khối ngoại bán ròng mạnh nhất cổ phiếu MWG của Đầu tư Thế giới Di động với quy mô 760 tỷ đồng. Sau hai tháng được khối ngoại mua ròng trở lại thì trong tháng 2 tới nay, khối ngoại có động thái chuyển hướng bán ròng, đưa trạng thái giao dịch từ đầu năm từ mua ròng thành rút ròng hơn 250 tỷ đồng.

Kế đó, cổ phiếu VNM đứng ở vị trí thứ hai trong Top bán ròng với 692 tỷ đồng. Việc khối ngoại xả ròng cổ phiếu của Vinamilk đã kéo dài trong 5 tháng gần đây.

Cùng chiều, khối ngoại cũng bán ròng nhiều cổ phiếu thuộc nhóm vốn hóa lớn và trung bình như VPB (667 tỷ đồng), GEX (510 tỷ đồng), MSN (424 tỷ đồng), TPB (331 tỷ đồng), VCG (321 tỷ đồng), STB (303 tỷ đồng) và VCB (236 tỷ đồng).

Nguồn: Thu Thảo tổng hợp. 

Ở phía đối diện, cổ phiếu MSB của Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam dẫn đầu danh mục Top 10 mua ròng của nhà đầu tư nước ngoài. Mã này được khối ngoại mua mạnh nhất với giá trị 824 tỷ đồng trong tháng, bỏ xa các đại diện còn lại trong top mua ròng.

Một số cổ phiếu ngân hàng cũng nằm trong danh mục rót ròng của khối ngoại như MBB (195 tỷ đồng) và CTG (151 tỷ đồng).

Bên cạnh đó, dòng tiền nước ngoài còn tìm đến mã DGC (591 tỷ đồng), HPG (567 tỷ đồng), SSI (425 tỷ đồng), PNJ (290 tỷ đồng), NLG (141 tỷ đồng), FRT (139 tỷ đồng), AAA (61 tỷ đồng), …

Trên sàn HNX, khối ngoại bán ròng gần 364 tỷ đồng. Trong đó, khối ngoại tập trung bán ròng 273 tỷ đồng ở cổ phiếu PVS, theo sau là 245,9 tỷ đồng mã SHS. Ngoài ra, nước ngoài cũng rút ròng các cổ phiếu như VCS, BVS, MBS, ... với giá trị dưới 30 tỷ đồng.

Ở chiều mua, nhóm này rót ròng gần 276,8 tỷ đồng gom cổ phiếu IDC của Tổng Công ty IDICO. Cùng chiều, CEO cũng được mua ròng với quy mô 40,6 tỷ đồng. Danh mục mua ròng còn có sự góp mặt của DHT, DTD, HUT, ... với giá trị 14 – 28 tỷ đồng.

Nguồn: Thu Thảo tổng hợp. 

Tại thị trường UPCoM, khối ngoại mua ròng đột biến với quy mô gần 1.700 tỷ đồng. Cụ thể, cổ phiếu BHI của Tổng Công ty cổ phần Bảo hiểm Sài Gòn - Hà Nội dẫn đầu với quy mô hơn 1.628 tỷ đồng. Nhiều khả năng đây là giao dịch của tổ chức DB Insurance Co., Ltd do đơn vị này vừa báo cáo mua vào 75 triệu cổ phiếu BHI và trở thành cổ đông lớn tại BHI với việc nắm giữ 75% vốn cổ phần.

Ghi nhận trong phiên 19/2, cổ phiếu BHI xuất hiện giao dịch thỏa thuận với lượng đúng bằng 75 triệu đơn vị, giá trị hơn 1.628 tỷ đồng (giá bình quân khoảng 21.707 đồng/cp). 

Cùng chiều, nhà đầu tư nước ngoài cũng gom ròng 75 tỷ đồng mã ACV và các giao dịch tương tự với quy mô thấp hơn như LTG, VEA, VAB, …

Ở chiều ngược lại, nhà đầu tư nước ngoài bán ròng mạnh nhất 21,1 tỷ đồng ở cổ phiếu MCH của Hàng tiêu dùng Masan. Theo sau là các giao dịch bán ròng các cổ phiếu QNS (8,5 tỷ đồng), PGB (7,2 tỷ đồng), BSR (7,1 tỷ đồng), VTK (3,9 tỷ đồng), …

Nguồn: Thu Thảo tổng hợp.

Thu Thảo