|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Khối ngoại trở lại mua ròng trong tuần VN-Index chinh phục mốc 1.250 điểm

14:30 | 02/03/2024
Chia sẻ
Sau hai tuần bán ròng liên tiếp, NĐT nước ngoài quay đầu mua ròng 122 tỷ đồng trong tuần 26/2 – 1/3. Trong đó tâm điểm rót tiền là HPG (622 tỷ đồng) và SSI (533 tỷ đồng).

Sau phiên giảm mạnh ngày 23/2, VN-Index khởi đầu tuần (26/2 – 1/3) với 3 phiên tăng điểm khá mạnh, trên 1% mỗi phiên và nhanh chóng vượt mốc cao nhất của ngày 23/2 là 1.243 điểm.

Trong phiên 28/2, VN-Index vượt mốc 1.250, là đỉnh của năm 2023. Tại đây áp lực bán đã tăng mạnh và liên tiếp trong 2 phiên tiếp theo (29/2 và 1/3) khiến chỉ số nhiều lần chịu áp lực điều chỉnh xuống dưới ngưỡng 1.250. Tuy nhiên lực cầu cũng tranh thủ mua vào giúp chỉ số trụ vững vùng 1.250 và chốt tuần tại 1.258,28 điểm.

Tính chung cả tuần VN-Index tăng 46,28 điểm, tương đương tăng 3,82% so với tuần trước đó. Top 10 cổ phiếu ảnh hưởng tích cực trong tuần ghi nhận nhiều nhóm ngành. Trong đó nhóm ngân hàng với 3 đại diện là VCB, BID và TCB giúp VN-Index có thêm 15,8 điểm, trong đó góp công lớn nhất là VCB với mức ảnh hưởng hơn 12 điểm. Ngoài ra, HPG và FPT đóng góp lần lượt là 3,62 điểm và 2,21 điểm cho VN-Index.

Nguồn: Thu Thảo tổng hợp. 

Trên HOSE, khối ngoại quay đầu mua ròng nhẹ với giá trị hơn 109 tỷ trong tuần, trong đó họ bán ròng nhẹ gần 63 tỷ đồng qua kênh khớp lệnh. Tuần trước đó, nhà đầu tư nước ngoài bán ròng với quy mô gần 1.459 tỷ đồng.

Thống kê giao dịch chi tiết theo từng mã, cổ phiếu HPG của Tập đoàn Hòa Phát được khối ngoại mua mạnh nhất với giá trị 622 tỷ đồng. Trong tuần vừa qua, mã này có nhịp tăng hơn 8,6% lên 30.850 đồng/cp. Đi cùng với diễn biến giá tích cực, cổ phiếu HPG giao dịch sôi động với khối lượng khớp lệnh bình quân đạt hơn 40,3 triệu đơn vị, cao hơn 40% so với tuần trước đó.

Ghi nhận trong phiên 27,2, cổ phiếu của ông lớn Hòa Phát ghi nhận thanh khoản kỷ lục 15 tháng trong, đạt hơn 86,8 triệu đơn vị được khớp lệnh, thấp hơn mức kỷ lục (gần 99,7 triệu đơn vị) thiết lập ngày 18/11/2022. Với thị giá hiện tại, Vốn hóa của Tập đoàn Hòa Phát đạt 179.386 tỷ đồng, vượt qua PV Gas và Vingroup để vào Top 5 doanh nghiệp có vốn hóa lớn nhất HOSE.

Trở lại với giao dịch của khối ngoại, đứng ở vị trí thứ hai trong Top mua ròng là mã SSI của Chứng khoán SSI với quy mô 909 tỷ đồng. Cổ phiếu chứng khoán được dòng tiền ngoại chú ý trong tháng vừa qua. Ngoài SSI, ba cổ phiếu VIX, VND, VCI nằm trong top giải ngân với giá trị lần lượt là 189 tỷ, 97 tỷ và 86 tỷ đồng.

Cùng chiều, dòng tiền của khối ngoại còn tìm đến nhiều đại diện thuộc nhóm hóa chất, công nghệ, ngân hàng, bất động sản như DGC (329 tỷ đồng), FPT (308 tỷ đồng), MBB (247 trỷ đồng), BID (94 tỷ đồng), KBC (80 tỷ đồng).

Nguồn: Thu Thảo tổng hợp. 

Ở phía đối diện, chứng chỉ quỹ FUEVFVND dẫn đầu chiều bán ròng với quy mô 352 tỷ đồng.

Đứng ở vị trí thứ hai trong Top10 rút ròng của khối ngoại là cổ phiếu VNM của Vinamilk với quy mô 302 tỷ đồng. Thống kê cho thấy xu hướng vốn ngoại rút ròng khỏi cổ phiếu của Vinamilk đã kéo dài trong 5 tháng gần đây.

Ngoài hai mã trên, nhà đầu tư nước ngoài rút vốn khỏi nhiều bluechip như VHM (285 tỷ đồng), VRE (189 tỷ đồng), MSN (146 tỷ đồng), VPB (136 tỷ đồng), STB (119 tỷ đồng), GAS (100 tỷ đồng).

Trên sàn HNX, khối ngoại mua ròng 2/5 phiên trong tuần qua với tổng quy mô gần 23 tỷ đồng, tương đương với khối lượng hơn 1,7 triệu đơn vị.

Trong đó, khối ngoại tập trung rót ròng gần 85,4 tỷ đồng gom cổ phiếu IDC của Tổng Công ty IDICO. Cùng chiều, SHS cũng được mua ròng với quy mô 29,5 tỷ đồng. Danh mục mua ròng còn có sự góp mặt của CEO, HUT, DHT ... với giá trị 15 – 27 tỷ đồng.

Chiều ngược lại, họ bán ròng 133,2 tỷ đồng ở cổ phiếu PVS của Tổng Công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam, theo sau là 12,3 tỷ đồng mã VCS. Ngoài ra, nước ngoài cũng rút ròng các cổ phiếu như TIG, TNG, VFS, ... với giá trị thấp hơn.

Nguồn: Thu Thảo tổng hợp.

Tại thị trường UPCoM, khối ngoại bán ròng 3/5 phiên trong tuần. Tổng cộng, họ rút ròng 21.030 cổ phiếu với tổng giá trị gần 10 tỷ đồng.

Cụ thể, nhà đầu tư nước ngoài bán ròng mạnh nhất 28,6 tỷ đồng cổ phiếu QNS của Đường Quảng Ngãi. Theo sau là các giao dịch bán ròng các cổ phiếu VEA (7,1 tỷ đồng), MCH (6,7 tỷ đồng), VTK (2,4 tỷ đồng), PGB (2,4 tỷ đồng), …

Ở phía đối diện, nhà đầu tư nước ngoài cũng gom ròng 25,1 tỷ đồng mã ACV và các giao dịch tương tự với quy mô thấp hơn như LTG, VGT, VAB, DDV, …

Nguồn: Thu Thảo tổng hợp. 

Thu Thảo

Đại biểu đề nghị lùi thời gian tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với bia, rượu thêm một năm
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường cho rằng nên ban hành Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt vào năm tới nhưng thời gian áp dụng thì lùi lại một năm để cả người tiêu dùng và doanh nghiệp có thời gian chuyển đổi hành vi, chuyển đổi sản xuất.