|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Lý giải việc tự doanh bán khớp lệnh cổ phiếu mạnh nhất 6 tháng qua

09:45 | 02/03/2024
Chia sẻ
Thị trường chứng khoán Việt Nam diễn biến tích cực trong tháng 2. VN-Index vượt ngưỡng 1.200 ngay sau kỳ nghỉ Tết âm lịch. Tuy nhiên, khối tự doanh công ty chứng khoán đã rút ròng gần 1.600 tỷ đồng qua kênh bán khớp lệnh cổ phiếu. Vậy động cơ giao dịch đến từ đâu?

Tự doanh bán khớp lệnh cổ phiếu mạnh nhất 6 tháng

Điểm qua diễn biến thị trường trong tháng 2, nhà đầu tư tham gia 15 phiên giao dịch tháng vừa qua do kỳ nghỉ lễ Tết âm lịch. Trước kỳ nghỉ, tâm lý thận trọng khiến thanh khoản của thị trường sụt giảm sâu. Song, sự sôi động xuất hiện ngay sau kỳ nghỉ lễ.

VN-Index vượt ngưỡng 1.200 điểm và tiến lên vùng kháng cự mạnh 1.250 điểm nhờ sự dẫn dắt của nhóm cổ phiếu ngân hàng và những bluechip trong rổ VN30. Đóng cửa tháng, VN-Index ở 1.252,73 điểm, tăng 10,87% so với thời điểm cuối năm 2023. Ở trạng thái tích cực hơn, VN30-Index tăng 11,87% lên 1.265,75 điểm. Với hiệu suất trên, chứng khoán Việt Nam lọt nhóm những thị trường khởi sắc nhất toàn cầu trong tháng 2 và hai tháng đầu năm.

Trong xu hướng tích cực của thị trường, áp lực bán từ nhà đầu tư tổ chức vẫn hiện hữu. Khối ngoại và bộ phận tự doanh công ty chứng khoán cùng bán ròng cổ phiếu qua kênh khớp lệnh.

Theo thống kê, dù lượng phiên giao dịch thấp hơn đáng kể so với những tháng trước đó nhưng giá trị bán ròng cổ phiếu từ khối tự doanh trên HOSE trong tháng qua được đẩy lên cao nhất 6 tháng.

 Giá trị bán ròng của khối tự doanh trong tháng 2 mạnh nhất 6 tháng vừa qua. (Nguồn: Thu Thảo tổng hợp).

Cụ thể, khối tự doanh bán ròng 1.577 tỷ đồng cổ phiếu niêm yết trên sàn HOSE qua kênh khớp lệnh và 675 tỷ đồng qua kênh thỏa thuận. Tính chung cả hai tháng đầu năm, dòng tiền tự doanh rút ra hơn 2.200 tỷ đồng với cổ phiếu trên sàn HOSE. Đây là tín hiệu không mấy tích cực về dòng tiền.

Theo dõi giao dịch cho thấy rằng tự doanh đẩy mạnh bán khớp lệnh cổ phiếu sau kỳ nghỉ Tết âm lịch với 7/11 phiên giao dịch. Trong phiên 27/2, giá trị bán khớp lệnh là hơn 600 tỷ đồng. Trước đó, khối này có chuỗi rút ròng 4 phiên liếp (19 – 22/2) trên HOSE với giá trị 1.758 tỷ đồng.

Với giao dịch chứng chỉ quỹ nội, tự doanh tiếp tục có tháng mua ròng với giá trị 1.036 tỷ đồng khi sản phầm này tiếp tục bị khối ngoại xả. Việc nhiều quỹ giảm quy mô do nhà đầu tư ngoại rút quỹ, các công ty chứng khoán với vai trò tạo lập quỹ sẽ phải thực hiện mua vào đối ứng.

Hai chứng chỉ quỹ ETF nội được tự doanh mua ròng nhiều nhất là E1VFVN30 và FUEVFVND với giá trị lần lượt là 477,3 tỷ đồng và 458,2 tỷ đồng. Theo sau đó, FUESVFL cũng được mua nhẹ với giá trị 49,5 tỷ đồng.

Những mã chứng khoán nào là tâm điểm rút ròng?

Trở lại với giao dịch cổ phiếu trên HOSE của khối tự doanh. Mặc dù diễn biến tích nhưng cổ phiếu ngân hàng chịu áp lực bán lớn trong tháng 2.

 Top mua/bán ròng của khối tự doanh trong tháng 2. (Nguồn: Thu Thảo tổng hợp).

Tổng giá trị bán ròng với nhóm cổ phiếu vua qua cả hai kênh khớp lệnh và thỏa thuận là 1.145 tỷ đồng. Kế đến, khối tự doanh bán ròng nhóm bất động sản và bán lẻ với quy mô lần lượt là 560 tỷ đồng và 454 tỷ đồng. Dòng tiền từ các công ty chứng khoán còn rời khỏi hai nhóm vật liệu xây dựng (292 tỷ đồng) và thép (261 tỷ đồng).

Cổ phiếu MBB bị bán ròng mạnh nhất với giá trị hơn 191 tỷ đồng. Những mã ngân hàng khác cũng bị bán với quy mô dưới 50 tỷ đồng là EIB, TCB, ACB, VCB.

Ở nhóm bất động sản, NVL là cổ phiếu bị bán mạnh nhất với gần 436 tỷ đồng. Đây cũng là mã dẫn đầu về giá trị rút ròng từ khối tự doanh trong tháng qua. Với việc VFMVN Diamond ETF bị rút quỹ, hai mã có tỷ trọng cao trong rổ này cũng thuộc nhóm bị rút ròng mạnh như PNJ (181 tỷ đồng), MWG (48,9 tỷ đồng).

Ngoài ra, áp lực bán từ tự doanh còn hiện hữu tại những cái tên như PC1 (368,4 tỷ đồng), HPG (75,4 tỷ đồng) và SSI (74,3 tỷ đồng).

Ở chiều ngược lại, EVF ghi nhận giá trị vào ròng cao nhất với gần 243 tỷ đồng. Những mã còn lại có quy mô mua 30 – 60 tỷ đồng như GEX, HCM, VIX, HSG, VRE, TCH.

Thu Thảo