|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Khối ngoại bán ròng gần 4.450 tỷ đồng tuần VN-Index mất mốc 1.250 điểm

07:46 | 29/06/2024
Chia sẻ
Khối ngoại tiếp tục bán ròng cả 5 phiên trong tuần với tổng giá trị bán ra lên đến 4.446 tỷ đồng, trong đó tâm điểm là chứng chỉ quỹ VN-Diamond bị bán ròng 1.770 tỷ đồng và FPT với 1.461 tỷ đồng. Tổng giá trị bán ròng của hai mã này đã chiếm hơn 70% giá trị bán ròng của khối ngoại.

Khởi đầu tuần mới với phiên đỏ lửa, VN-Index mất gần 28 điểm cùng với mốc 1.270. Thị trường có diễn biến hồi phục trong ba phiên tiếp theo, tuy nhiên thanh khoản thấp là yếu tố khiến nhà đầu tư lo ngại. Nỗi lo đã làm phiên cuối tuần ngập trong sắc đỏ cùng với phiên giảm gần 14 điểm. VN-Index chốt tuần tại 1.245,32, tính chung cả tuần chỉ số để mất 36,7 điểm, tương đương giảm 2,86% so với tuần trước đó.

Số phiên giảm điểm chiếm ưu thế (3/5 phiên) với lực cầu chủ động gần như mất hút. Trong khi đó, lực bán chủ động tăng vọt vào phiên thứ Sáu (28/6), đạt hơn 105 triệu đơn vị trong vòng 15 phút trước ATC.

Tổng giá trị giao dịch bình quân phiên trên toàn thị trường đạt 25.030 tỷ đồng. Tính riêng khớp lệnh, thanh khoản bình quân phiên ở mức 20.225 tỷ đồng, giảm 9,8% so với tuần trước đó và thấp hơn 16,5% so với trung bình 5 tuần gần đây.

Thống kê 10 mã ảnh hưởng tiêu cực nhất lên thị trường tuần qua, BID dẫn đầu với mức tác động 3,3 điểm, FPT ở vị trí thứ 2 với ảnh hưởng giảm gần 2 điểm. Nhóm ngân hàng ngoài BID còn đến 6 đại diện trong top 10 là VPB, SSB, CTG, MBB, VCB và TCB với tổng mức ảnh hưởng là 8,6 điểm. Bên chiều tăng điểm, VRE, BVH và EIB đóng góp hơn 0,64 điểm.

Nguồn: Thu Thảo tổng hợp. 

Trên HOSE, NĐT nước ngoài chưa ngừng xả ròng với tổng khối lượng gần 125 triệu cổ phiếu, tương đương quy mô hơn 4.545 tỷ đồng. Tính riêng kênh khớp lệnh, nhà đầu tư bán ròng gần 3.381 tỷ đồng. Trong đó, chứng chỉ quỹ FUEVFVND bị xả ròng mạnh nhất với giá trị hơn 1.770 tỷ đồng, ghi nhận ba tuần liên tục bị bán ròng. Tính chung cả ba tuần, nhà đầu tư xả ròng hơn 2.165 tỷ đồng chứng chỉ quỹ VN-Diamond.

Đứng thứ hai trong danh mục xả ròng của khối ngoại là cổ phiếu FPT với 1.462 tỷ đồng. Sau chuỗi tăng giá liên tục và lập đỉnh lịch sử, cổ phiếu FPT có nhịp giảm hơn 4% so với tuần trước về mốc 130.500 đồng/cp.

Ba cổ phiếu “họ Vin” gồm VHM, VRE và VIC cũng nằm trong Top bán ròng với giá trị lần lượt là 156 tỷ, 133 tỷ và 132 tỷ đồng. Cùng chiều, danh mục các mã bị NĐT ngoài bán ròng mạnh nhất còn có nhiều đại diện thuộc nhóm vốn hóa lớn như MWG (234 tỷ đồng), VPB (223 tỷ đồng), HDB (164 tỷ đồng), HPG (124 tỷ đồng) và CTG (122 tỷ đồng).

Bên chiều mua ròng, KDH được khối này mua vào nhiều nhất với giá trị 125 tỷ đồng. Bên cạnh đó, DGC và PC1 cũng được mua ròng lần lượt 114 tỷ và 86 tỷ đồng. Danh mục Top10 gom ròng còn có sự góp mặt của VCI, FRT, MSN, DGW, E1VFVN30, PLX và SAB với quy mô dưới 100 tỷ đồng.

Nguồn: Thu Thảo tổng hợp. 

Trên HNX, NĐT nước ngoài mua ròng 4/5 phiên với giá trị hơn 75 tỷ đồng, tương đương khối lượng gần 1 triệu đơn vị.

Trong đó, khối ngoại mua ròng 78,7 tỷ đồng ở cổ phiếu PVS của Tổng Công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam. Theo sau là IDC (54,8 tỷ đồng) và những giao dịch tương tự như MBS (15,3 tỷ đồng), VGS (4,6 tỷ đồng) và TNG (3,5 tỷ đồng).

Ở phía đối diện, cổ phiếu SHS của Công ty Cổ phần Chứng Khoán Sài Gòn Hà Nội dẫn đầu bên bán với giá trị gần 48,4 tỷ đồng. Mã PVI cũng bị rút ròng 17,1 tỷ đồng. Cùng chiều, NĐT ngoại cũng bán ròng các mã DTD (5,9 tỷ đồng), NTP (4,6 tỷ đồng), HUT (3,5 tỷ đồng).

Nguồn: Thu Thảo tổng hợp. 

Tại thị trường UPCoM, khối ngoại liên tục thay đổi vị thế mua – bán trong tuần qua. Tính chung cả tuần, nhà đầu tư mua ròng 266.770 đơn vị với tổng giá trị gần 24 tỷ đồng.

Cụ thể, khối ngoại mua ròng 69,7 tỷ đồng ở cổ phiếu MCH của CTCP Hàng tiêu dùng Masan. Cùng chiều, giao dịch giải ngân còn được chứng kiến ở các mã OIL (6 tỷ đồng), GHC (3,7 tỷ đồng), GDA (1,2 tỷ đồng) và MPC (1,1 tỷ đồng).

Chiều ngược lại, nhà đầu tư nước ngoài bán ròng 23,2 tỷ đồng cổ phiếu VEA của Tổng Công ty Máy động lực và máy nông nghiệp Việt Nam - CTCP. Theo sau là các giao dịch tương tự với giá trị thấp hơn như ACV (16,2 tỷ đồng), QNS (12,3 tỷ đồng), LTG (5,3 tỷ đồng), VLC (3,6 tỷ đồng), …

Nguồn: Thu Thảo tổng hợp.

Thu Thảo