|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

NĐT cá nhân và tổ chức trong nước bán ròng hơn 2.500 tỷ đồng trong tháng 3, cùng gom một cổ phiếu ngân hàng

07:57 | 04/04/2023
Chia sẻ
Thống kê cho thấy cổ phiếu STB của Sacombank cùng được tổ chức nội và NĐT cá nhân mua ròng mạnh nhất trong tháng 3, đối ứng với lực xả của khối ngoại.

Theo Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam, tháng 3 vừa qua đầy rẫy những “cơn gió ngược” toàn cầu. Sự sụp đổ của Silicon Valley Bank and Signature Bank, cùng với việc Ngân hàng First Republic và Credit Suisse bên bờ vực sụp đổ đã gây ra một đợt bán tháo cổ phiếu ngân hàng toàn cầu.

Trước tình hình bất lợi đó, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã quyết định cắt giảm lãi suất điều hành hai lần liên tiếp trong tháng 3, đây cũng là động thái cắt giảm lãi suất đầu tiên sau hai năm. Theo nhiều chuyên gia kinh tế, đây có thể là tín hiệu cho việc nới lỏng chính sách tiền tệ.

Nhờ quyết định chủ động của NHNN và những nỗ lực không ngừng của Chính phủ nhằm hỗ trợ ổn định và tăng trưởng kinh tế, VN-Index vẫn tăng 39,96 điểm tương đương 3,9% để kết thúc tháng ở mức 1.064,64 điểm. Diễn biến của VN-Index khởi sắc hơn nhiều thị trường chứng khoán khác trong khu vực như Thái Lan (-0,8%), Malaysia (-1,7%), Indonesia (-0,6%) và Philippines (-1,3%).

Thanh khoản trung bình mỗi phiên đạt 9.256 tỷ đồng, tăng 5% so với tháng trước, nhưng vẫn giảm 10% so với 5 tháng. Giao dịch khối ngoại trở thành điểm sáng trong tháng 3 khi là bên mua ròng duy nhất trên thị trường, trong khi bộ phận tự doanh, tổ chức trong nước cùng nhà đầu tư cá nhân đồng loạt bán ròng.

Nguồn: Linh Chi tổng hợp.

NĐT cá nhân chủ yếu xả ròng nhóm thép, chứng khoán

Trong tháng 3, nhà đầu tư cá nhân bán ròng 948 tỷ đồng trên HOSE, trong đó họ rút ròng khớp lệnh 1.339 tỷ đồng.

Thống kê từ Fiintrade cho thấy, cán cân giao dịch nghiêng về bên bán với 11/18 các nhóm ngành bị bán ròng. Trong đó, nhà đầu tư cá nhân bán ròng mạnh nhất cổ phiếu tài nguyên cơ bản với giá trị 928 tỷ đồng.

Nhóm cổ phiếu thép có tỷ trọng giá trị giao dịch tăng nhẹ từ 11,42% lên 11,46% toàn thị trường trong khi chỉ số giá ngành cũng tăng 2,42% trong tháng.

Tiếp theo, nhà đầu tư cá nhân cũng bán ròng 678 tỷ đồng ở nhóm dịch vụ tài chính và 673 tỷ đồng cổ phiếu bất động sản, 384 tỷ đồng nhóm điện, nước, xăng dầu, khí đốt trước khi rút ròng nhẹ hơn ở một số ngành như bảo hiểm (99 tỷ đồng), du lịch & giải trí (82 tỷ đồng), hóa chất (57 tỷ đồng), …

Chiều ngược lại, cổ phiếu ngành ngân hàng dẫn đầu danh mục giải ngân với gần 651 tỷ đồng. Dòng tiền cá nhân quay đầu mua ròng “cổ phiếu vua” trong bối cảnh nhóm này có nhịp tăng gần 4,6% trong tháng 3. Tương tự, nhóm bán lẻ cũng được gom ròng với giá trị 637 tỷ đồng.

Bên cạnh hai lĩnh vực trên, giao dịch mua ròng tập trung tại các nhóm cổ phiếu vốn hóa nhỏ hơn dầu khí (141 tỷ đồng), xây dựng & vật liệu (141 tỷ đồng), hàng cá nhân & gia dụng (66 tỷ đồng), thực phẩm & đồ uống (31 tỷ đồng), …

Nguồn: Linh Chi tổng hợp. 

Thống kê giao dịch theo từng mã, lực xả lớn nhất được ghi nhận tại đại diện HSG của nhóm thép với 677 tỷ đồng. Đây cũng là cổ phiếu duy nhất bị xả ròng hơn 500 tỷ đồng. Giao dịch của các cá nhân trong nước gần như đối ứng với lực mua của NĐT nước ngoài.

Đồng thuận với giao dịch cổ phiếu của Tập đoàn Hoa Sen, VHM và POW cũng bị bán ròng với giá trị lần lượt là 491 tỷ đồng và 475 tỷ đồng. Kế đó, nhiều ông lớn rổ VN30 cũng nằm trong danh mục rút vốn là SSI (305 tỷ đồng), SHB (272 tỷ đồng), HPG (266 tỷ đồng), VRE (218 tỷ đồng), HDB (169 tỷ đồng).

Danh mục thoái vốn của cá nhân nội còn có sự góp mặt của các cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ như VCI (229 tỷ đồng), SBT (169 tỷ đồng), GEX (125 tỷ đồng), …

Nguồn: Linh Chi tổng hợp. 

Chiều ngược lại, sau tháng bán ròng trước đó, cá nhân trong nước chuyển hướng mua ròng mạnh nhất cổ phiếu STB của Sacombank với quy mô gần 600 tỷ đồng. Cùng thuộc nhóm ngân hàng, VIB, ACB, VPB nằm trong danh mục giải ngân với giá trị 98 – 324 tỷ đồng.

Tương tự, các đại diện ngành bán lẻ là DGW và MWG lần lượt được mua ròng 346 tỷ đồng và 244 tỷ đồng…

Tổ chức nội đẩy mạnh bán ròng gần 1.620 tỷ đồng, tập trung xả DIG

Giao dịch cùng chiều với nhóm cá nhân trong nước, tổ chức nội đẩy mạnh quy mô bán ròng từ 955 tỷ đồng lên 1.618 tỷ đồng, tính riêng khớp lệnh họ rút ròng 1.188 tỷ.

Tính riêng giao dịch khớp lệnh, tổ chức trong nước bán ròng 11/18 ngành, giá trị lớn nhất là nhóm bán lẻ với 402 tỷ đồng. Theo sau, danh mục rút ròng được chứng kiến ở các cổ phiếu bất động sản (377 tỷ đồng), xây dựng & vật liệu (327 tỷ đồng), hóa chất (181 tỷ đồng), ngân hàng (164 tỷ đồng), …

Trong khi đó, dòng tiền của tổ chức trong nước dàn trải ở các ngành thực phẩm & đồ uống (130 tỷ đồng), dầu khí (102 tỷ đồng), …

Nguồn: Linh Chi tổng hợp. 

Giao dịch tại chiều mua của tổ chức trong nước cũng tập trung ở cổ phiếu STB với 307 tỷ đồng. Việc các cá nhân trong nước cùng tổ chức nội cùng mua ròng mạnh cổ phiếu của Sacombank diễn ra trong bối cảnh mã này có nhịp tăng hơn 10,3% trong tháng vừa qua, bất chấp áp lực xả từ khối ngoại.

Cùng chiều, dòng tiền nhóm này cũng thực hiện gom ròng nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn rổ VN30 như VCB (142 tỷ đồng), HPG (112 tỷ đồng), FPT (96 tỷ đồng), …

Ở phía đối diện, cổ phiếu DIG đứng vị trí số 1 về giá trị xả ròng với gần 400 tỷ đồng. Mặc dù giải ngân vào nhiều cổ phiếu ngân hàng, hai mã VIB và VPB tiếp tục nằm trong danh mục rút vốn với giá trị 317 tỷ đồng và 170 tỷ đồng. Ngoài ra, top 5 cổ phiếu bị bán ròng còn có VCG (272 tỷ đồng) và MWG (231 tỷ đồng).

Nguồn: Linh Chi tổng hợp. 

Linh Chi

Quốc hội đề nghị làm rõ thu thuế sàn TMĐT, cơ sở thường trú 'ảo'  nước ngoài bằng cách nào?
Trước đề xuất thu thuế thu nhập doanh nghiệp với sàn thương mại điện tử, cơ sở thường trú 'ảo' của doanh nghiệp nước ngoài, Cơ quan thẩm tra đề nghị làm rõ tính khả thi về phương thức thu thuế và những Hiệp định pháp lý có liên quan.