|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

NĐT cá nhân chuyển bán ròng trong phiên giảm điểm, tâm điểm HPG và cổ phiếu chứng khoán

07:49 | 14/09/2021
Chia sẻ
Trong phiên VN-Index đánh mất đà tăng (13/9), nhà đầu tư cá nhân đảo chiều bán ròng hơn 300 tỷ đồng sau 8 phiên mua ròng liên tiếp. Dòng tiền có xu hướng rút ròng khỏi nhóm VN30 và chuyển dịch sang nhóm vốn hóa vừa và nhỏ.

VN-Index giảm gần 4 điểm, dòng tiền trú ẩn ở nhóm vốn hóa vừa và nhỏ

Kết thúc phiên giao dịch đầu tuần (13/9), VN-Index giảm 0,29% đóng cửa ở mức 1.341,43 điểm. Độ rộng thị trường thu hẹp với 196 mã tăng so với 224 mã giảm điểm.

Trong phiên chỉ số đánh mất động lực hồi phục, thanh khoản thị trường được đẩy lên cao với giá trị giao dịch gần 29.190 tỷ đồng, tương đương 1,08 tỷ cổ phiếu được mua/bán. Trong đó thanh khoản sàn HOSE tăng hơn 20% so với phiên cuối tuần trước, đạt trên 23.110 tỷ đồng.

Nhóm ngân hàng là tác nhân chính khiến thị trường chìm trong sắc đỏ với loạt cổ phiếu mất giá trên 1%. Ngược lại, ngành hàng không và bán lẻ tiếp tục khởi sắc sau những kỳ vọng về việc nới lỏng dần các biện pháp giãn cách. Dòng tiền có xu hướng chuyển dịch sang nhóm vốn hóa vừa và nhỏ.

Nhà đầu tư cá nhân chuyển bán ròng trong phiên giảm điểm, dòng tiền chuyển dịch về nhóm vốn hóa vừa và nhỏ - Ảnh 1.

Xu hướng giao dịch theo nhóm nhà đầu tư và biến động của VN-Index trong 20 phiên gần nhất. (Nguồn: FiinPro).

Ghi nhận trong phiên 13/9, khối ngoại vẫn là lực xả chính trên thị trường. Sau hơn 10 phiên bán ròng liên tiếp, nhóm này tiếp tục xả 409 tỷ đồng qua kênh khớp lệnh. 

Đáng chú ý, nhà đầu tư cá nhân cũng đảo chiều bán ròng cùng khối ngoại sau nhiều phiên giao dịch đối ứng. Họ bán ròng 328 tỷ đồng, trong đó bán ròng khớp lệnh là 91 tỷ đồng.

Phía mua ròng trong phiên có sự góp mặt của các tổ chức trong nước và nhóm tự doanh công ty chứng khoán. Theo đó, hai nhóm này lần lượt mua ròng 397 tỷ đồng và 102 tỷ đồng chủ yếu qua khớp lệnh.

Lực mua suy yếu, chiều bán áp đảo tại phần lớn các nhóm ngành

Tính riêng kênh khớp lệnh sàn HOSE, nhà đầu tư cá nhân bán ròng tại 13/18 ngành với giao dịch đảo chiều tại chiều nhóm cổ phiếu đã được mua ròng trong những phiên trước đó. 

Về giá trị cụ thể, các cá nhân trong nước đẩy mạnh chốt lời tại nhóm dịch vụ tài chính (143 tỷ đồng) và tài nguyên cơ bản (133 tỷ đồng), dẫn đầu về giá trị bán ròng trong phiên. Theo sau, nhóm thực phẩm và đồ uống cũng bất ngờ bị chốt lời 79 tỷ đồng mặc dù được gom ròng hơn 115 tỷ đồng trong phiên cuối tuần trước.

Nhà đầu tư cá nhân chuyển bán ròng trong phiên giảm điểm, dòng tiền chuyển dịch về nhóm vốn hóa vừa và nhỏ - Ảnh 2.

Giao dịch theo nhóm ngành của NĐT cá nhân. (Nguồn: Thảo Bùi tổng hợp).

Chiều ngược lại, giao dịch mua ròng chủ yếu vẫn được ghi nhận ở nhóm bất động sản với giá trị 297 tỷ đồng. Tuy vậy, so với phiên cuối tuần trước, giao dịch có phần "hạ nhiệt" khi quy mô giải ngân đã thu hẹp hơn 70%.

Nối tiếp, dòng tiền cá nhân tìm đến một số cổ phiếu nhóm hàng và dịch vụ công nghiệp (79,2 tỷ đồng), theo sau mua ròng nhẹ hơn các nhóm xây dựng và vật liệu, bảo hiểm,...

Tâm điểm bán ròng hàng loạt bluechips: HPG, VND, SSI

Xét giao dịch theo từng mã, áp lực chốt lời xuất hiện phần lớn tại danh mục VN30 khi có tới 8 cái tên trong nhóm này nằm trong top10 cổ phiếu bị nhà đầu tư cá nhân bán ròng mạnh nhất. 

Dẫn đầu tại chiều bán, cổ phiếu HPG của Tập đoàn Hòa Phát thu hút gần 135 tỷ đồng giá trị rút ròng. Đối ứng với các cá nhân, tổ chức trong nước là bên mua gom cổ phiếu HPG duy nhất trên thị trường với quy mô hơn 200 tỷ đồng. 

Nối tiếp, hai ông lớn trong lĩnh vực môi giới chứng khoán là VND (VNDirect) và SSI (Chứng  khoán SSI) lần lượt bị rút ròng 101 tỷ đồng và 87,7 tỷ đồng. Đáng chú ý, cổ phiếu VND đã liên tục tăng điểm sau khi chuyển niêm yết về lại sàn HOSE từ ngày 6/9. Theo đó, mã này đã tăng gần 7% sau tuần giao dịch đầu tiên, tiếp tục đóng cửa phiên 13/9 trong sắc xanh với 54.100 đồng/cp.

Dòng tiền cá nhân theo sau rút ròng khỏi các mã TPB (70,9 tỷ đồng), VNM (55,1 tỷ đồng), CPB (53,3 tỷ đồng)...Đáng chú ý, mặc dù là một trong những cổ phiếu đi ngược thị trường mạnh mẽ nhất trong phiên 13/9, cổ phiếu SAB của Sabeco cũng bị rút ròng hơn 66 tỷ đồng.

Nhà đầu tư cá nhân chuyển bán ròng trong phiên giảm điểm, dòng tiền chuyển dịch về nhóm vốn hóa vừa và nhỏ - Ảnh 3.

Cổ phiếu được NĐT cá nhân mua/bán ròng nhiều nhất qua kênh khớp lệnh sàn HOSE. (Nguồn: Thảo Bùi tổng hợp).

Trở lại chiều mua, cổ phiếu VHM của Vinhomes vẫn là tâm điểm thu hút gần 275 tỷ đồng mua ròng ngay trước ngày đăng ký cuối cùng nhận cổ tức năm 2020. Đây cũng là mã duy nhất được mua ròng trên 100 tỷ đồng trong phiên.

Nối tiếp giao dịch tại VHM, các cá nhân trong nước rót vốn ròng với quy mô dưới 60 tỷ đông vào các cổ phiếu NVL, SSB, MSN, GEX, HCM...

Thảo Bùi

Đại biểu đề nghị lùi thời gian tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với bia, rượu thêm một năm
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường cho rằng nên ban hành Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt vào năm tới nhưng thời gian áp dụng thì lùi lại một năm để cả người tiêu dùng và doanh nghiệp có thời gian chuyển đổi hành vi, chuyển đổi sản xuất.