|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Các ETF ngoại giao dịch ra sao trong tuần cơ cấu danh mục quý III/2021?

09:00 | 13/09/2021
Chia sẻ
Sau khi hoàn tất công bố kết quả cơ cấu danh mục đầu tư quý III, hai quỹ ETF tiến hành giao dịch hoàn đổi danh mục trong tuần tới (13 - 17/9). Theo dự báo, cổ phiếu KDH, VCI và VIC được mua ròng nhiều nhất trong khi ACB, VRE, POW bị xả mạnh.

Hai ETF hoàn tất công bố danh mục chỉ số mới, không có cổ phiếu Việt Nam nào bị loại

Trong hai ngày 3/9 và 11/9, FTSE Russell và MVIS đã công bố kết quả cơ cấu danh mục chỉ số mới. Theo đó, FTSE Vietnam Index thêm mới KDH của Nhà Khang Điền và VCI của Chứng khoán Bản Việt và không loại ra cổ phiếu nào.

Với quỹ VanEck Vectors Vietnam ETF (VNM ETF), số lượng cổ phiếu Việt Nam trong rổ chỉ số cơ sở - MVIS Vietnam Index tăng thêm 9 mã, gồm: THD, SAB, DGC, KDC, DIG, VND, DPM, PVS, SHS. Tỷ trọng cổ phiếu Việt Nam tăng thêm 1,9% từ 64,7% lên 66,6%, tương đương giá trị mua ròng 10.9 triệu USD. Đây là lần đầu MVIS đưa các cổ phiếu thuộc sàn HNX vào danh mục sau nhiều kỳ không xem xét

Sau khi công bố kết quả cơ cấu danh mục, các quỹ sẽ thực hiện giao dịch cơ cấu danh mục đầu tư trong tuần giao dịch tới đây (13 - 17/9). Giao dịch cơ cấu thường tập trung trong phiên ATC ngày thứ Sáu (tức ngày 17/9).

Mặc dù FTSE Russel không công bố danh mục chính thức của chỉ số FTSE Vietnam 30 Index, Chứng khoán SSI đưa ra ước tính hoạt động của quỹ Fubon FTSE Vietnam ETF - quỹ ETF lớn thứ 3 trên thị trường Việt Nam với quy mô tài sản gần 11.000 tỷ dựa vào số liệu chốt ngày 20/8.

Theo đó, KDH, VCI, HSG, DGC và KDC có thể được thêm vào chỉ số đã đạt các điều kiện yêu cầu về vốn hóa và thanh khoản. Quỹ cũng được dự kiến sẽ loại bỏ ACB, HCM do điều chỉnh giảm khối lượng mà nhà đầu tư nước ngoài có thể mua và PHR, PPC do không đạt điều kiện về vốn hóa.

Các cổ phiếu được mua bán thế nào?

Các ETF ngoại giao dịch ra sao trong tuần cơ cấu danh mục quý III/2021? - Ảnh 1.

Tổng hợp giao dịch các quỹ ETF kỳ quý III/2021. (Nguồn: Chứng khoán SSI).

Trở lại giao dịch cơ cấu của các ETF, theo dự báo của Chứng khoán SSI các mã được hai ETF mua ròng nhiều nhất gồm có KDH, VCI, VIC, KDC, DIG, PVS, THD...

Với việc thêm mới trong danh mục của FTSE ETF, cổ phiếu KDH của Nhà Khang Điền và VCI của Chứng khoán Bản Việt dự kiến được mua ròng lần lượt 4,3 và 3,3 triệu đơn vị, trong khi VNM ETF bán ra với tỷ trọng nhỏ. Nếu được bổ sung vào FTSE Vietnam 30 Index, Fubon ETF sẽ mua vào khoảng 4,9 triệu cp KDH và 3,8 triệu cp VCI.

Tổng hợp, các ETF mua vào khoảng 9,3 triệu cổ phiếu KDH và 5,3 triệu đơn vị VCI trong tuần (13 - 17/9). Đây là hai mã dẫn đầu về khối lượng mua ròng cơ cấu danh mục quý III của các ETF.

Xét về giá trị thì cổ phiếu THD của Thaiholdings dẫn đầu về giá trị mua ròng. Sau khi được thêm mới vào MVIS Vietnam Index, cổ phiếu này dự kiến được VNM ETF mua vào hơn 2,6 triệu đơn vị. Đóng cửa phiên 10/9, giá cổ phiếu THD đóng cửa ở vùng đỉnh mới 210.100 đồng/cp, theo đó giá trị mua ròng ước đạt 574 tỷ đồng.

Nối tiếp, VIC của Tập đoàn Vingroup ước tính được mua vào hơn 396 tỷ đồng. Theo dự báo, cả ba ETF ngoại sẽ mua vào hơn 4,3 triệu cổ phiếu VIC trong tuần này.

Cùng chiều mua vào, các mã được VNM ETF mua mới trong kỳ cơ cấu lần này cũng đóng góp số lượng lớn cho chiều mua, gồm KDG (3,9 triệu cp), DIG (3,2 triệu cp), PVS (3,1 triệu cp), DGC (2,4 triệu cp), DPM (2,2 triệu cp), VND (1,9 triệu cp), SHS (1,3 triệu cp), SAB (925.713 cp).

Theo thống kê, các mã khác được mua ròng còn có HSG và VNM (khoảng 2 triệu đơn vị), VCB (1,1 triệu cp), VHC (404.310 cp), và PVD (53.148 cp).

Tại chiều bán ròng, cổ phiếu ACB của Ngân hàng TMCP Á Châu bị Fubon ETF xả mạnh nhất với khối lượng gần 7,6 triệu đơn vị. Đứng thứ hai về khối lượng là VRE của Vincom Retail với 5,4 triệu cp. Hoạt động bán ròng VRE diễn ra ở cả ba ETF nhưng tập trung tại VNM ETF với khối lượng hơn 3,3 triệu cp. Ước tính giá trị bán ròng hai mã này lần lượt là 246 tỷ và 152 tỷ đồng.

Hai cổ phiếu khác cũng bị bán ròng khoảng 5 triệu đơn vị là POW và HNG. Cụ thể, POW dự kiến bị xả ròng bởi cả 3 quỹ ETF, với khối lượng lớn nhất tập trung ở VNM ETF. Tương tự như POW, cổ phiếu HNG của HAGL Agrico dự kiến bị bán ròng 4,9 triệu cp trong đợt cơ cấu này.

Nhiều mã thuộc rổ VN30 cũng bị hạ tỷ trọng trong kỳ cơ cấu quý III, lần lượt có STB (4,6 triệu cp), SSI (4,6 triệu cp), MSN (4,2 triệu cp), HDB (3,5 triệu cp), HPG (3,3 triệu cp), PDR (3 triệu cp),...chủ yếu do VNM ETF hạ tỷ trọng sau khi thêm mới 9 cổ phiếu khác.

Cũng chiều, mặc dù được VNM ETF và Fubon ETF mua vào hơn 1,9 triệu đơn vị, cổ phiếu VHM của Vinhomes lại bị Fubon ETF bán ra hơn 2,3 triệu đơn vị, đưa tổng giá trị bán ròng lên hơn 47 tỷ đồng.

Thảo Bùi