|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Nắng nóng bủa vây ĐBSCL, nuôi thủy sản gặp khó

07:22 | 08/04/2019
Chia sẻ
Thời điểm này, tình trạng nắng nóng kéo dài bủa vây các tỉnh ĐBSCL khiến người dân trở nên khó khăn trong sản xuất, sinh hoạt và nuôi trồng thủy sản.
Nắng nóng bủa vây ĐBSCL, nuôi thủy sản gặp khó - Ảnh 1.

Cánh đồng khô cằn ở huyện Tri Tôn (An Giang) ẢNH: HÒA HỘI

Nuôi thủy sản gặp khó

Bến Tre là địa phương ven biển, một trong những nơi bị ảnh hưởng biến đổi khí hậu nặng nề nhất của ĐBSCL. Năm nay, đến thời điểm này tuy chưa phải là đỉnh điểm của hạn mặn nhưng đã làm cho gần 100 tấn nghêu của HTX An Thủy ở huyện Ba Tri bị chết do thời tiết bất thường.

Ngay sau khi nghêu chết, cơ quan chức năng tỉnh Bến Tre đã lấy mẫu đi xét nghiệm, tìm nguyên nhân. Ông Phan Trung Nghĩa, Phó chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi - Thú y tỉnh Bến Tre khẳng định, nghêu chết bất thường là do sốc nhiệt.

Theo ông Nghĩa, qua kiểm nghiệm từ các mẫu nghêu cho thấy các chỉ tiêu môi trường nước như pH, độ mặn, hàm lượng khí độc trong nước hầu hết nằm trong ngưỡng thích hợp cho nghêu phát triển.

Các mẫu không có hiện tượng tảo nở hoa và không phát hiện tảo độc trong nước. “Sự chênh lệch nhiệt độ gây sốc nhiệt và gây ra hiện tượng nghêu chết bất thường”, ông Nghĩa nói, đồng thời ông khuyến cáo, các hộ nuôi tăng cường vệ sinh bãi nuôi, dọn vỏ xác nghêu chết để giảm ô nhiễm vùng nuôi. Đặc biệt san thưa để giảm mật độ nghêu.

Nắng nóng bủa vây ĐBSCL, nuôi thủy sản gặp khó - Ảnh 2.

Thu hoạch nghêu ở Bến Tre ẢNH: HUỲNH LỢI

Bình Đại là huyện ven biển của tỉnh Bến Tre có khoảng 3.800 ha nuôi tôm thẻ và tôm sú. Tuy nhiên, đến thời điểm này diện tích thả nuôi chưa được một nửa. Trưởng phòng NN&PTNT huyện Bình Đại Lê Văn La cho biết, do nắng nóng kéo dài, người nuôi thận trọng sợ tôm chết nên mới thả được 1.000 ha.

Trước tình hình nắng nóng tăng cao nên dọc tuyến đê ven sông Tiền, trải dài trên 24 km , 20 cống ngăn mặn trên địa bàn huyện Bình Đại đã được đắp lại, không cho mặn xâm nhập.

Dọc tuyến ven biển từ Bến Tre xuống Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cà Mau người nuôi tôm  đứng ngồi không yên vì nắng nóng. Ông Quách Văn Tèo (45 tuổi, xã Long Điền Đông, huyện Đông Hải, Bạc Liêu) có 2 ha đất trồng lúa, mỗi vụ cho năng suất thu hoạch từ 8 - 10 tấn/ha. Sau vụ thu hoạch vừa rồi, phát hiện đất bắt đầu nhiễm mặn, ông Tèo  không còn cách nào khác phải chuyển sang đào ao nuôi tôm theo kiểu quảng canh.

Ông Tèo đầu tư 100 triệu đồng thả 100.000 tôm giống. Tuy nhiên, hiện nhiều diện tích tôm bị ảnh hưởng do người dân tháo nước ra vô dẫn đến không an toàn cho tôm. Còn ông ông Nguyễn Văn Sang, cùng xã  buồn bã nói: “Gia đình tôi có 2 ao nuôi tôm với diện tích trên 3.000 m2. Khoảng 3 năm trở lại đây do thời tiết thất thường, tôm phát sinh dịch bệnh nên liên tục trắng tay, lâm cảnh nợ nần”.  Theo người dân nơi đây, nắng nóng kéo dài khiến độ mặn ở các sông lên cao, dẫn đến tôm chậm lớn và mắc một số bệnh như: phân trắng, hoại tử gan.

Ðồng ruộng khô cằn

Từ sau Tết đến nay vùng Bảy Núi của huyện Tri Tôn và Tịnh Biên (An Giang)  đối mặt với “cơn khát” nước. Các cánh rừng núi đang nóng oi bức, ngoài đồng đất đai nứt nẻ khiến việc sản xuất bị đình trệ.  Anh Chau Red  (36 tuổi) ở khóm 4, thị trấn Tri Tôn ( huyện Tri Tôn) cho biết, trước đây khu vực này sản xuất được 2 vụ lúa và năng suất mỗi công cả tấn, tuy nhiên hiện giờ người dân đành bỏ đất hoang hoặc sản xuất cầm chừng. Vừa rồi 6 công đậu xanh bỏ ra 5 triệu đồng vốn đầu tư và 2 tháng chăm sóc thế nhưng thu hoạch xong bán chưa được triệu đồng.

Năm nay vào vụ thu hoạch nhưng không khí lao động trên đồng ở vùng Bảy Núi kém nhộn nhịp. Đang ru con trong chiếc lều bạt mắc giữa hàng cây để trốn nóng, bà Nèang Sóc Rôn (47 tuổi) ở xã Núi Tô, huyện Tri Tôn cho biết, gia đình không đất vườn nên hàng năm đều thuê 2 công đất sản xuất. Hiện tiền đã đưa cho chủ nhưng ruộng chưa sản xuất được vì đợi mưa xuống. Ông Chau Quang ở xã Núi Tô chỉ tay về phía 3 công rẫy nói: “Đã xuống giống rồi và đợi trời mưa, nếu trễ chắc có lẽ chết sạch hết. Ở đây có hồ nhưng nhiều năm nay đồng ruộng vẫn cạn khô. Nắng nóng thiếu nước phục vụ sản xuất nên cuộc sống vất vả”.

Thời tiết nắng nóng gay gắt làm cho cây rừng khô héo, cùng với mực nước trên các tuyến kênh, sông khô cạn, nguy cơ xảy ra cháy rừng là rất cao. Ông Nguyễn Văn Phố, một người dân ở Tri Tôn ( An Giang) có 2,5 ha đất rừng cho biết, thời điểm này nắng nóng kéo dài ông và các hộ dân ở đây luôn cảnh giác. "Tôi dự phòng 3 bồn nước, mỗi bồn 10 khối để phòng  sự cố xảy ra”, ông Phố chia sẻ.

Hòa Hội - Kim Nguyễn