Nâng hiệu suất sử dụng giàn giúp lợi nhuận PVD tăng 72% quý III
Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2021, Tổng CTCP Khoan và Dịch vụ Khoan Dầu khí (Mã: PVD) đạt 1.011 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm 20% và gần 67 tỷ đồng lợi nhuận ròng, tăng 72% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong quý III, PVD cho biết doanh nghiệp không có doanh thu giàn khoan thuê trong khi cùng kỳ năm ngoái có 1,7 giàn. Đơn giá cho thuê giàn khoan tự nâng sở hữu giảm gần 15% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tuy nhiên do tăng hiệu suất sử dụng giàn khoan tự nâng trong quý lên 88% (cùng kỳ là 55%) cùng việc tiết giảm các chi phí (bảo dưỡng thường xuyên, quản lý chung) đã giúp lợi nhuận quý III năm nay tăng so với quý III/2020
Lợi nhuận ròng (mặt trước) và doanh thu thuần (click vào ảnh để xem mặt sau) của PVD qua các quý (Nguồn: Tổng hợp từ báo cáo tài chính hợp nhất các quý của PVD).
Luỹ kế 9 tháng đầu năm, PVD đạt 2.661 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm gần 40% và lỗ ròng 30 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm ngoái có lãi gần 125 tỷ đồng.
Năm 2021, PVD đặt kế hoạch doanh thu 4.400 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ là 25 tỷ đồng. Như vậy, sau 9 tháng đầu năm, công ty đã thực hiện được khoảng 60% mục tiêu doanh thu và còn cách xa mục tiêu có lãi.
Bất chấp những khó khăn trong hoạt động của ngành dầu khí trong năm nay do làn sóng COVID-19 hiện tại, Chứng khoán VNDirect đánh giá đà tăng mạnh của giá dầu hiện nay sẽ không chỉ thúc đẩy giá cổ phiếu trong ngắn hạn mà còn cải thiện nền tảng cơ bản của ngành trong những năm tới.
Điều này là do giá dầu tăng có thể mang lại nhiều động lực hơn cho các đơn vị liên quan để tái khởi động những dự án lớn tại Việt Nam, trước tiên là mang lại cơ hội rất lớn cho các công ty thượng nguồn như PVD và PVS.
Các chuyên gia kỳ vọng rằng thị trường khoan trong khu vực sẽ ấm dần lên nhờ giá dầu thực tế tăng mạnh cùng với các chiến dịch tiêm chủng, giúp hiệu suất sử dụng giàn tự nâng của PVD phục hồi từ quý III trở đi, đặc biệt là từ 2022 khi các giàn khoan của PVD có thể trở lại hoạt động ở nước ngoài như năm 2019.
Đáng chú ý, việc giàn TAD dự kiến hoạt động trở lại từ quý IV sau hơn 4 năm tạm dừng hoạt động sẽ mở ra một giai đoạn mới cho PVD trong những năm tới.
Tính tới cuối tháng 9, tổng tài sản của PVD là 20.478 tỷ đồng. Khoản tiền, tương đương tiền và tiền gửi có kì hạn là 2.249 tỷ đồng.
Tổng nợ đi vay của tổng công ty tính tới cuối quý III là 3.989 tỷ đồng, tăng không quá lớn so với đầu năm và chỉ chiếm 19% tổng nguồn vốn.