Nâng cao quyền tự chủ, vai trò của doanh nghiệp nhà nước
Hội thảo có sự tham gia của các bộ, ngành, chuyên gia và 12 Tập đoàn, Tổng công ty trực thuộc Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn cho biết, việc ban hành Luật nhằm cụ thể hóa chủ trương, đường lối chính sách của Đảng tại Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XII, các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã tham gia ký kết về quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp; giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực thi luật hiện hành.
Đồng thời, hoàn thiện thể chế, ổn định môi trường pháp lý nâng cao quyền tự chủ, vai trò và hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước tương xứng với nguồn vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp, đảm bảo doanh nghiệp có vốn đầu tư của nhà nước giữ vai trò chủ đạo, giữ vị trí then chốt trong nền kinh tế.
Tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV vừa qua đã thông qua và ban hành Nghị quyết số 129/2024/QH15 về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025 và điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024; trong đó, thống nhất bổ sung dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024. Tiến độ dự kiến của dự thảo Luật sẽ được Quốc hội cho ý kiến lần thứ nhất tại kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2024), thông qua tại kỳ họp thứ 9 (tháng 5/2025) và dự kiến có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2026.
Thực hiện chủ trương của Quốc hội, chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính – cơ quan chủ trì soạn thảo đã khẩn trương xây dựng dự thảo Luật này trên cơ sở bám sát nội dung 06 nhóm chính sách đã được Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội thông qua. Dự thảo Luật gồm 9 Chương và 92 Điều.
Phạm vi điều chỉnh của Luật đảm bảo thực hiện nguyên tắc Nhà nước không trực tiếp quản lý pháp nhân doanh nghiệp, mà chỉ quản lý dòng vốn đầu tư tại doanh nghiệp và doanh nghiệp hoạt động theo quy định của pháp luật doanh nghiệp; vốn Nhà nước sau khi đã đầu tư vào doanh nghiệp được xác định là tài sản/vốn của pháp nhân doanh nghiệp... Trên cơ sở đó, Nhà nước xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm của mình đối với phần vốn của Nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp, Nhà nước là chủ sở hữu đầu tư vốn, không can thiệp hành chính vào hoạt động quản trị sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Như vậy, doanh nghiệp được chủ động sử dụng vốn phục vụ hoạt động kinh doanh và hoạt động đầu tư vốn; việc đầu tư vốn để kinh doanh nhằm mục đích bảo toàn, phát triển vốn được thực hiện theo phân công, phân cấp; quy định rõ về thẩm quyền, trách nhiệm đối với vốn và tài sản của doanh nghiệp.
Đối tượng áp dụng như dự thảo Luật đề ra cũng nhận được sự quan tâm rất lớn của các chuyên gia, đại diện doanh nghiệp. Theo cơ quan soạn thảo, Luật số 69/2014/QH13 hiện hành đang theo hướng quy định quản lý theo pháp nhân doanh nghiệp, không quy định đối tượng áp dụng là doanh nghiệp có vốn đầu tư của Nhà nước tại các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp. Chính điều này dẫn đến các quy định về sử dụng vốn, can thiệp hành chính vào trong quá trình hoạt động của doanh nghiệp, các doanh nghiệp có vốn Nhà nước đầu tư của các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp còn có sự lúng túng, chưa thống nhất trong tổ chức thực hiện.
Do đó, để đáp ứng yêu cầu quản lý, đầu tư, giám sát vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, dự thảo Luật xác định đối tượng áp dụng gồm: Cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn, người đại diện chủ sở hữu vốn; doanh nghiệp có vốn Nhà nước đầu tư; Cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc phạm vi điều chỉnh của Luật.
Chia sẻ tại hội thảo, TS. Võ Trí Thành, Nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) đánh giá, dự thảo Luật thực sự là “cuộc cách mạng” trong quản lý, đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp, tuy nhiên để sửa Luật sẽ là một quá trình rất phức tạp, gian nan, cách tiếp cận, tinh thần sửa Luật có rất nhiều điểm tích cực.
Điểm mới đầu tiên của dự thảo Luật là làm rõ vai trò của Nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp, là một nhà đầu tư chuyên nghiệp trong thị trường cạnh tranh, hội nhập, nhà nước không còn quản lý, can thiệp trực tiếp vào quá trình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Hay nói theo cách khác là quản lý doanh nghiệp theo dòng vốn đầu tư, không quản lý theo pháp nhân. Thứ hai, tăng tính minh bạch, quyền hạn, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Thứ ba, dự thảo Luật thể hiện sự linh hoạt, thích ứng với thị trường, trong quá trình sắp xếp, chuyển đổi lại vốn nhà nước. Điểm mới nữa trong cách tiếp cận là cố gắng xử lý các “ách tắc” hiện nay của doanh nghiệp như vấn đề quản trị, quản lý doanh nghiệp F1, F2, đầu tư, thúc đẩy đổi mới sáng tạo
Cũng tại hội thảo, một trong những vấn đề được nhiều quan tâm là nâng tỷ lệ trích lậo Quỹ Đầu tư phát triển để tại doanh nghiệp từ lợi nhuận sau thuế. Đại diện các doanh nghiệp nhà nước dự hội thảo đều nhận định rằng, việc tăng tỷ lệ trích lập quỹ này sẽ tạo điều kiện tốt hơn cho doanh nghiệp mở rộng đầu tư, phát triển hoạt động sản xuất.
Theo dự thảo Luật, Bộ Tài chính đang đề xuất 3 phương án về tỷ lệ trích lập Quỹ Đầu tư phát triển để tại doanh nghiệp hoặc cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn. Cụ thể: tối đa 50%, tối đa 80% và 100% lợi nhuận sau thuế. So với luật hiện hành, 3 phương án đề xuất này đều cao hơn so với mức 30% như tại Luật số 69/2014/QH13 về quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp và tại tờ trình trước đó của Bộ Tài chính. Trên cơ sở nghiên cứu, Bộ Tài chính đề xuất trình Chính phủ xem xét, quyết định thực hiện theo phương án trích tối đa 80% lợi nhuận sau thuế vào Quỹ Đầu tư phát triển để tại doanh nghiệp.
Đa số các đại biểu tham dự đều đồng tình việc trích lập tối đa 80% lợi nhuận sau thuế, để doanh nghiệp chủ động sử dụng trong việc tái đầu tư. Qua đó, nâng cao hiệu suất đầu tư từ phần vốn của Nhà nước, song các ý kiến cũng mong muốn quy định rõ nguyên tắc sử dụng quỹ này cho việc sử dụng vốn lưu động và nếu trong thẩm quyền, được phép tiếp chuyển để tăng vốn điều lệ.
Ông Nguyễn Hữu Tú, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) khẳng định, nếu việc trích lập Quỹ ở mức tối đa 80% được thực hiện thì sẽ tháo gỡ khó khăn cho một loạt đơn vị của Tập đoàn đang có nhu cầu vay vốn lớn, bởi nếu ở mức 30% như hiện hành thì sẽ phải tích luỹ rất lâu để đủ vốn đối ứng, gây khó khăn trong vay vốn ngân hàng, từ đó giúp các doanh nghiệp được tạo điều kiện bảo toàn và phát triển phần vốn nhà nước được giao. Tuy nhiên, theo Phó Tổng giám đốc Vinachem, việc sử dụng cần linh hoạt, căn cứ vào kế hoạch và chiến lược hoạt động của từng doanh nghiệp.
Theo Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) ông Bùi Tuấn Minh thì Quỹ Đầu tư phát triển để tại doanh nghiệp, đây là quỹ để tại doanh nghiệp, không phải của doanh nghiệp. Quỹ này để tại doanh nghiệp nhằm mục đích bù lỗ; xử lý vấn đề tài chính các dự án do yếu tố khách quan; chi lương cho người được đại diện cơ quan chủ sở hữu cử xuống; chi kiểm toán –cơ quan đại diện chủ sở hữu chi thuế thực hiện báo cáo kiểm toán, không phải kiểm toán của doanh nghiệp; bổ sung vốn vào doanh nghiệp; điều chuyển giữa các doanh nghiệp trong phạm vi của cơ quan đại diện chủ sở hữu để tập trung được nguồn lực, làm cho tốt hơn các dự án.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/