Nam Bộ chuyển đổi 35.000ha lúa sang trồng hoa màu, cây ăn quả
'Vàng đen' rớt giá, dân đổ xô đi trồng 'cây lạ', cây ăn quả |
Nông dân xã Hòa Hiệp (huyện Tam Bình, Vĩnh Long) thu hoạch bưởi năm roi, một trong những cây ăn quả đặc sản của tỉnh. (Ảnh: Đình Huệ/TTXVN) |
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, vụ Hè Thu năm 2018 các tỉnh Nam Bộ đã chuyển đổi 35.101ha đất lúa sang trồng hoa màu và cây ăn quả; trong đó, các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long có diện tích chuyển đổi đạt 32.812ha và Đông Nam Bộ là 2.289 ha.
Các cây chuyển đổi chủ yếu là cây cam, bưởi, chanh, thanh long, dừa, nhãn, hoa lan, ngô, rau, củ, quả ngắn ngày, dài ngày...
Tỉnh có diện tích chuyển dịch cơ cấu cây trồng lớn gồm Vĩnh Long 9.611ha, Long An 6.732ha, Tiền Giang 6.108ha, Sóc Trăng 2.793ha, An Giang 2.424ha, Tây Ninh 2.218ha.
Chuyển dịch cơ cấu cây trồng ở Đồng bằng sông Cửu Long chủ yếu diễn ra trong vụ Xuân Hè, thời điểm sau khi thu hoạch Đông Xuân, một số nơi tận dụng nguồn nước còn lại để bố trí một số loại hoa màu, cây trồng cạn.
Nhiều mô hình đạt hiệu quả kinh tế cao, cho thu nhập gấp nhiều lần so với cây lúa. Chẳng hạn như, trồng cây ăn quả (xoài Đài Loan, nhãn, cam, bưởi) ở An Giang cho lợi nhuận từ 3,73 triệu đồng/1.000 m2 (xoài Đài Loan) đến 17,86 triệu đồng/1.000 m2/vụ thu hoạch (bưởi).
Mô hình trồng cây có múi (cam, quýt, bưởi da xanh) ở Bình Dương cho lợi nhuận bình quân từ 100 triệu đến 300 triệu đồng/ha/năm, cao gấp 43 lần so với cây lúa.
Một số loại cây ăn trái ở Tây Ninh như nhãn, sầu riêng cho lợi nhuận đạt từ 145,73 triệu đồng/ha (nhãn) đến 277,72 triệu đồng/ha (sầu riêng) cao gần gấp 10 lần so với cây lúa.
Mô hình chuyển đổi sang trồng ngô nếp ở Bạc Liêu cũng cho lợi nhuận tăng từ 50,6 triệu đồng đến 56,8 triệu đồng/ha so với cây lúa. Các loại rau, màu khác ở Bạc Liêu cũng cho lợi nhuận tăng 25,8 triệu đồng đến 40,1 triệu đồng/ha so trồng lúa.
Tuy nhiên, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn nhận định, việc chuyển đổi từ đất trồng lúa sang trồng cây ăn trái ở một số tỉnh Nam Bộ còn một số tồn tại cần phải lưu ý.
Đó là nguồn cây giống chưa đạt yêu cầu. Một bộ phận nông dân chưa nhuần nhuyễn với kỹ thuật canh tác, thiếu kiến thức và phương tiện trang thiết bị cho trồng cây ăn quả, dẫn đến chất lượng không cao, khó đạt tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm.
Ví dụ như việc trồng cây mật độ quá dày để khai thác tối đa quỹ đất, sử dụng phân bón và chất kích thích quá nhiều để nâng tối đa năng suất, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật nhiều...
Việc tổ chức sản xuất chưa theo quy hoạch và định hướng của địa phương, còn mang tính tự phát, phổ biến là hình thức thuê đất của nông dân trồng lúa để trồng cây cam, nhưng loại cây này hiện nay chưa có thị trường tiêu thụ vững chắc, không cạnh tranh được với thị trường nước ngoài.
Cùng đó, liên kết sản xuất và thu mua còn lỏng lẻo, nông dân chưa nắm bắt được với tín hiệu của thị trường, nên giá cả bắp bênh, chưa ổn định.
Cơ sở hạ tầng chủ yếu phục vụ cho sản xuất lúa, trong khi việc chuyển đổi từ cây lúa sang trồng cây ăn quả cần phải có nguồn vốn lớn để đầu tư cho hạ tầng giao thông, hệ thống tưới, tiêu thoát nước; các địa phương cũng chưa hoàn thiện quy hoạch, kế hoạch chuyển đổi gắn với thời vụ, vùng chuyển đổi, cây trồng, khoa học - kỹ thuật, tổ chức sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Quốc Doanh cho biết, tuy Bộ có chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ cây lúa sang cây trồng cây khác đạt hiệu quả hơn, nhưng cần lưu ý là chỉ chuyển đổi trên vùng đất trồng lúa kém hiệu quả và phải gắn với thị trường tiêu thụ; tránh tình trạng loại cây nào đang được giá cao thì chạy theo trồng loại cây đó.
Chẳng hạn như cây hồ tiêu, những năm trước đây có thời điểm giá lên đến 220 triệu đồng/tấn, trong khi giá thành chỉ trên 40 triệu đồng/tấn. Trong khi đó, Bộ quy hoạch hồ tiêu đến năm 2020 chỉ đạt 50.000ha, nhưng hiện nay diện tích hồ tiêu cả nước đã lên gần gấp 3 lần so với quy hoạch.
Hiện giá hồ tiêu rớt xuống chỉ còn 45 triệu đồng/tấn, người dân chỉ biết cầm cự. Tuy giữ diện tích nhưng thiếu đầu tư chăm sóc, dẫn đến dịch bệnh phát triển, hiệu quả kém.
Tương tự cây cao su có thời điểm giá lên đến 110 triệu-120 triệu/tấn, trong khi giá thành chỉ 25-30 triệu đồng/tấn, từ đó diện tích cây cao su có thời điểm tăng gấp 2 lần so với quy hoạch của địa phương. Nay giá cao su xuống, chỉ còn 22 -23 triệu/tấn, người dân lại chặt bỏ.
"Bởi vậy, với việc chuyển đổi, người dân cần lựa chọn giống tốt, trồng trên loại đất phù hợp, sản phẩm làm ra chất lượng, đạt tiêu chuẩn vệ sinh thực phẩm, cạnh tranh được với thị trường tiêu thụ, nhất là phục vụ nhu cầu xuất khẩu - đây cũng là việc các địa phương cần khuyến cáo với người dân để tránh thiệt hại cho sản xuất" - Thứ trưởng Lê Quốc Doanh yêu cầu.