|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Mỹ: Nhiều chuỗi cửa hàng quan ngại về tình hình kinh tế

03:00 | 03/06/2023
Chia sẻ
Macy’s, Costco và các chuỗi cửa hàng lớn khác cho biết người mua sắm đang ít lui tới các cửa hàng của họ và thay đổi những gì họ mua. Đây có thể là một dấu hiệu báo động cho nền kinh tế Mỹ.

Nhu cầu chững lại

Ngày 1/6, Macy’s đã cắt giảm dự báo doanh số và lợi nhuận hàng năm sau khi nhu cầu của khách hàng chững lại. Giám đốc điều hành của Macy, Jeff Gennette, cho biết người tiêu dùng Mỹ, đặc biệt là tại Macy's, đã lui tới các cửa hàng ít hơn dự đoán. Thêm vào đó, các khách hàng đã “phân bổ lại” chi tiêu cho thực phẩm, nhu yếu phẩm và dịch vụ.

Ông Gennette cho biết Macy’s sẽ tăng cường các chương trình khuyến mại để “đẩy” hết những hàng chưa bán được. Doanh số bán hàng tại cùng một cửa hàng của Macy's đã giảm 8,7% trong quý trước, trong khi cửa hàng bách hóa cao cấp hơn Bloomingdale's giảm 3,9%. Đây là nhà bán lẻ mới nhất cho thấy nhu cầu của khách hàng đã thay đổi.

Giám đốc tài chính của Costco, Richard Galanti, tuần trước cho biết một số khách hàng đang chuyển từ bít tết và thịt bò đắt tiền hơn sang các loại thịt rẻ hơn như thịt lợn và thịt gà.  Ông nói, đây là một xu hướng phổ biến trong các cuộc suy thoái trước đây.

Macy's và Costco đã đẩy mạnh thu hút những người mua sắm có thu nhập trung bình và cao hơn, song kết quả cho thấy hoạt động chi tiêu của nhóm này giảm sút.

Những người mua sắm này đã mua hầu hết quần áo, đồ điện tử, đồ nội thất và các hàng hóa khác mà họ muốn trong ba năm qua trong đại dịch.

Hiện nay, nhiều người đang chuyển các khoản chi tiêu tùy ý sang du lịch và các dịch vụ khác mà họ không thể tìm thấy trong thời kỳ đại dịch. Nhu cầu về các trải nghiệm trực tiếp như du lịch và ăn uống bên ngoài vẫn mạnh. Theo đó, chi tiêu cho các lĩnh vực giải trí và khách sạn dự kiến sẽ tăng vào mùa Hè này khi người tiêu dùng mở hầu bao để có những trải nghiệm đáng nhớ.

Trong khi một số hãng hàng không và khách sạn đang công bố số lượng đặt phòng kỷ lục, thì sự thay đổi trong chi tiêu đó đang ảnh hưởng đến nhiều nhà bán lẻ.

David Silverman, giám đốc cấp cao của Fitch Ratings cho biết việc Macy’s điều chỉnh giảm đáng kể thu nhập cho thấy những thách thức mà các nhà bán lẻ phải đối mặt do môi trường chi tiêu của người tiêu dùng đang yếu đi và được chuyển sang dịch vụ.

Những người mua sắm có thu nhập thấp hơn cũng có ít tiền hơn để chi tiêu cho việc mua hàng tùy ý.

Dollar General cũng đã cắt giảm triển vọng do nhu cầu yếu của khách hàng, khiến cổ phiếu của chuỗi cửa hàng này giảm 20% trong đầu phiên giao dịch ngày 1/6. Trong một thông báo Dollar General cho biết điều kiện kinh tế vĩ mô gặp nhiều thách thức hơn công ty dự đoán trước đây. Nó “có tác động đáng kể đến mức chi tiêu và hành vi của khách hàng.”

Tuần trước, Dollar Tree đã cắt giảm triển vọng hàng năm và cổ phiếu của chuỗi cửa hàng này cũng lao dốc. Công ty này cho biết người mua sắm đang dự trữ nhu yếu phẩm và mua ít hàng hóa tùy ý hơn.

Tuy nhiên, không phải tất cả các nhà bán lẻ đều gặp khó khăn. Một số nhà bán lẻ đang hưởng lợi từ việc chuyển sang thực phẩm và nhu yếu phẩm, chẳng hạn như Walmart. Walmart có thể tiếp cận nhiều người mua sắm và khoảng 50% doanh số bán hàng của công ty đến từ cửa hàng tạp hóa và các sản phẩm tùy ý khác. Walmart cho biết các hộ gia đình giàu có hơn đã mua sắm tại các cửa hàng của họ thường xuyên hơn.

Các nhà bán lẻ sản phẩm làm đẹp cũng đã chứng kiến doanh số bán hàng tăng mạnh khi người mua sắm chi tiêu cho những thú vui nhỏ hơn như đồ trang điểm và son môi. Các chuỗi mỹ phẩm và chăm sóc da Ulta và Elf đang ghi nhận doanh số bán hàng tăng mạnh.

Số liệu trái chiều 

Theo số liệu được Bộ Lao động Mỹ công bố ngày 1/6, số lượng đơn xin trợ cấp thất nghiệp mới hàng tuần của nước này đã tăng nhẹ do các chủ doanh nghiệp tư nhân thuê nhiều lao động hơn dự kiến trong tháng 5, cho thấy thị trường lao động tiếp tục thắt chặt.

Số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu được điều chỉnh theo mùa của Mỹ trong tuần tính đến ngày 27/5 đã tăng 2.000 đơn, lên mức 232.000 đơn. Số đơn xin trợ cấp thất nghiệp chưa được điều chỉnh cũng tăng 5.296 đơn, lên mức 207.941 đơn, trong đó ghi nhận sự gia tăng đáng kể ở các bang New York, Ohio và Illinois. 

Trong khi đó, số đơn xin tiếp tục nhận trợ cấp sau một tuần thất nghiệp lần đầu, chỉ số đại diện cho việc tuyển dụng, đã tăng 6.000 đơn, lên mức 1,795 triệu đơn trong tuần tính đến ngày 20/5.

Các số liệu cho thấy thị trường lao động Mỹ tiếp tục thắt chặt, làm gia tăng khả năng Cục Dự trữ liên bang (Fed) tiếp tục tăng lãi suất trong cuộc họp chính sách từ 13-14/6 tới. Báo cáo JOLTS của Bộ Lao động hôm 31/5 cho biết có 10,1 triệu cơ hội việc làm vào cuối tháng Tư, với 1,8 cơ hội tuyển dụng cho mỗi người thất nghiệp, cao hơn nhiều so với mức 1,0-1,2 được coi là phù hợp để thị trường lao động không tạo ra quá nhiều lạm phát. 

Báo cáo Beige Book của Fed hôm 31/5 cũng mô tả thị trường lao động tiếp tục mạnh mẽ trong tháng Năm, song lưu ý rằng đã ghi nhận sự tạm dừng tuyển dụng hoặc giảm số lượng nhân viên do nhu cầu thực tế hoặc tương lai yếu cũng như sự không chắc chắn về triển vọng kinh tế. Trong khi đó, theo báo cáo việc làm quốc gia của tổ chức ADP, biên chế trong lĩnh vực tư nhân của Mỹ đã tăng 278.000 việc làm vào tháng Năm, sau khi tăng 291.000 việc làm trong tháng Tư.

Trong khi đó, theo kết quả thăm dò mới đây của hãng tin Reuters (Anh), giá nhà ở Mỹ trong năm 2023 sẽ giảm ít hơn so với dự kiến trước đó, trước khi đình trệ vào năm 2024, bất chấp kỳ vọng lãi suất vẫn sẽ duy trì ở mức cao trong thời gian dài.

Kết quả thăm dò ý kiến, được thực hiện từ ngày 15 - 30/5 đối với 30 nhà phân tích bất động sản, cho thấy giá nhà ở Mỹ, vốn đã tăng trở lại vào tháng Ba sau 8 tháng sụt giảm, sẽ giảm trung bình 2,8% trong năm 2023, thấp hơn mức dự đoán giảm 4,5% được đưa ra trước đó. Trong khi đó, giá nhà trung bình được đo bằng chỉ số tổng hợp S&P CoreLogic Case-Shiller của 20 khu vực đô thị được dự báo sẽ đình trệ trong năm 2024.

Bất động sản là một trong những lĩnh vực nhạy cảm với lãi suất. Tuy nhiên, bất chấp Fed đang duy trì chính sách thắt chặt tiền tệ mạnh mẽ, giá nhà trung bình của nước này chỉ giảm hơn 5% so với mức đỉnh gần đây và hầu như không giảm so với mức tăng 45% trong đại dịch COVID-19. Nguyên nhân của tình trạng này là do nguồn cung nhà ở bị thắt chặt một cách dai dẳng và dự đoán sẽ không nới lỏng trong ít nhất 6 tháng tới.

Theo Sam Hall, chuyên gia kinh tế bất động sản tại công ty tư vấn Capital Economics, mặc dù giá nhà có khả năng sẽ giảm nhẹ trong thời gian tới, nhưng khả năng chi trả vẫn sẽ gặp khó khăn và nền kinh tế suy yếu sẽ ảnh hưởng đến tâm lý người mua nhà. Đồng thời, do nguồn cung có thể bị thắt chặt nên giá nhà có khả năng sẽ không giảm nhiều như dự kiến trước đây.

Giá nhà tăng cao cùng với lạm phát tiêu dùng cao cho thấy Fed ít nhất sẽ giữ nguyên lãi suất cho đến cuối năm 2023, điều sẽ gây áp lực lên lãi suất thế chấp. Lãi suất thế chấp cho khoản vay cố định 30 năm ở Mỹ hiện ở mức khoảng 6,7% và dự báo sẽ ở mức trung bình 6,2% trong năm nay. Lãi suất thế chấp dự báo sẽ giảm xuống mức 5,5% vào năm 2024, do kỳ vọng Fed sẽ cắt giảm lãi suất. Lãi suất thế chấp cao cũng đang hạn chế nguồn cung nhà ở và gây áp lực lên giá nhà cũng như nhu cầu.

Minh Hằng