Mỹ: Lượng đơn hàng mới đối với tư liệu sản xuất tăng mạnh nhất trong 5 tháng
Lượng đơn đặt hàng mới đối với các tư liệu sản xuất chủ chốt do Mỹ sản xuất đã tăng mạnh nhất trong 5 tháng vào tháng 1/2023, khi lượng xuất khẩu các mặt hàng cốt lõi tăng trở lại. Điều này cho thấy chi tiêu của các doanh nghiệp cho các loại thiết bị đã gia tăng vào đầu quý I năm nay.
Báo cáo của Bộ Thương mại Mỹ công bố ngày 27/2 cho thấy, lượng đơn đặt hàng một số loại tư liệu sản xuất cốt lõi của Mỹ tăng cao hơn dự kiến, kết thúc hai tháng sụt giảm liên tiếp. Điều này kết hợp với số liệu về chi tiêu tiêu dùng vững chắc và thị trường lao động ổn định đã vẽ nên một bức tranh lạc quan về triển vọng của nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Tuy nhiên, chuỗi dữ liệu tích cực đó làm tăng rủi ro rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể tăng lãi suất lên mức cao hơn so với ước tính hiện tại.
Christopher Rupkey, nhà kinh tế trưởng tại công ty nghiên cứu thị trường tài chính FWDBONDS ở New York, cho biết: “Các đơn đặt hàng mua thiết bị mới của doanh nghiệp là một chỉ số quan trọng về đầu tư vào tương lai của nền kinh tế và được coi là một tin tốt vào đầu năm.
Các đơn đặt hàng sẽ bị hủy nếu các công ty bị giảm doanh thu và doanh số bán hàng, và đó không phải là những gì dữ liệu đang thể hiện, ngay cả khi nhiều nhà lãnh đạo doanh nghiệp đang chuẩn bị cho cuộc suy thoái vào cuối năm nay".
Các đơn đặt hàng tư liệu sản xuất phi quốc phòng, không bao gồm máy bay, là một chỉ báo được theo dõi chặt chẽ cho các kế hoạch chi tiêu doanh nghiệp. Con số này đã tăng 0,8% trong tháng 1/2023, sau khi giảm 0,3% trong tháng 12/2022. Các nhà kinh tế được Reuters thăm dò đã dự báo rằng lượng đơn đặt hàng tư liệu sản xuất cốt lõi sẽ tăng 0,1% trong tháng 1/2023, so với mức tăng của cùng kỳ năm ngoái là 5,3%.
Dữ liệu này không được điều chỉnh theo lạm phát, khi giá sản xuất các thiết bị, vật tư sản xuất tăng vọt trong tháng Một vừa qua. Sự gia tăng số lượng đơn đặt hàng này trái ngược với các cuộc khảo sát doanh nghiệp mới đây cho thấy ngành sản xuất, chiếm 11,3% nền kinh tế Mỹ, đang suy thoái. Tâm lý doanh nghiệp trở nên xấu hơn khi Fed liên tục tăng mạnh lãi suất nhằm kiềm chế lạm phát.
Nhưng nhu cầu đối với hàng hóa, thường được mua bằng tín dụng, tiếp tục tăng. Dữ liệu của Chính phủ Mỹ hồi cuối tuần trước cho thấy chi tiêu của người tiêu dùng nước này đối với hàng hóa lâu bền như xe ô tô và đồ đạc nội thất đã tăng mạnh trở lại vào tháng 1/2023, giúp thúc đẩy chi tiêu của người tiêu dùng.
Shannon Seery, một nhà kinh tế tại tập đoàn tài chính Wells Fargo, cho biết: "Với sức mạnh khá rõ rệt trong báo cáo này và thực tế là hoạt động sản xuất bất ngờ tăng lên trong dữ liệu sản xuất công nghiệp được công bố vào đầu tháng này, chúng tôi không thể hoàn toàn coi đây chỉ là sự phục hồi tạm thời. Nhưng chúng tôi vẫn hoài nghi về các dự liệu yếu kém được ghi nhận vào cuối năm ngoái về hoạt động sản xuất của Mỹ".
Fed đã tăng lãi suất thêm 4,5 điểm phần trăm kể từ tháng Ba năm ngoái, từ mức gần bằng 0 lên mức 4,5% -4,75%. Dự kiến ngân hàng này sẽ có hai đợt tăng lãi suất bổ sung ở mức 0,25 điểm phần trăm vào tháng Ba và tháng Năm tới, mặc dù thị trường tài chính đang đặt cược vào một đợt tăng nữa vào tháng Sáu.
Chi tiêu doanh nghiệp cho thiết bị giảm trong quý IV/2022, giúp kìm hãm tốc độ tăng trưởng GDP của Mỹ ở mức 2,7% trong quý này. Ước tính tăng trưởng kinh tế Mỹ trong quý I/2023 đạt 2,8%.