|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Mỹ liệu có thể làm tiêu tan tham vọng 'Made in China 2025' của Trung Quốc? (Phần 1)

07:37 | 26/05/2019
Chia sẻ
Chiến lược này được đặt lên hàng đầu trong nghị trình kinh tế của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và là một phần trong gói kế hoạch của ông nhằm tạo ra mô hình kinh tế bền vững.
Mỹ liệu có thể làm tiêu tan tham vọng Made in China 2025 của Trung Quốc? (Phần 1) - Ảnh 1.

Ô tô xuất khẩu được xếp tại cảng ở Liên Vân Cảng, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc. Ảnh: THX/TTXVN

Với kế hoạch “Made in China 2025”, Trung Quốc hướng tới mục tiêu thúc đẩy khả năng cạnh tranh bằng cách áp dụng các công nghệ hiện đại trong sản xuất như sử dụng người máy, mạng 5G, trí tuệ nhân tạo và Internet. Điều đáng tiếc đối với Trung Quốc là Chính quyền Donald Trump đã biến các lĩnh vực công nghiệp và sản phẩm của kế hoạch này vào trong trọng tâm của cuộc tranh chấp thương mại giữa hai nước.

Mặc dù báo chí Trung Quốc đã bớt ca ngợi về tinh thần yêu nước của kế hoạch “Made in China 2025” kể từ khi xảy ra cuộc chiến thương mại, nhưng ít có khả năng Bắc Kinh sẽ thực sự trì hoãn kế hoạch nâng cấp ngành nghề quan trọng nhất trong lịch sử Trung Quốc này.

Trái lại, sức ép từ bên ngoài - đặc biệt là việc Mỹ đe dọa trừng phạt các sản phẩm công nghiệp và công nghệ chủ chốt - sẽ thúc đẩy Bắc Kinh dành thêm nguồn lực tài chính và hành chính vào việc nâng cấp công nghệ và  khả năng tự cung tự cấp cho các ngành công nghiệp có tính chiến lược nhất.

Ngoài mục tiêu giảm thâm hụt thương mại, nghị trình của Chính quyền Tổng thống Donald Trump thực sự nhắm vào việc ngăn chặn sự trỗi dậy của Trung Quốc với tư cách một đối thủ cạnh tranh, và do vậy chính sách Mỹ-Trung đang bắt đầu giống một cuộc xung đột kinh tế.

Những yêu cầu của Tổng thống Trump kêu gọi Trung Quốc cắt giảm hỗ trợ của nhà nước cho các ngành công nghiệp công nghệ cao, chấm dứt tình trạng ép buộc các công ty nước ngoài phải chia sẻ những công nghệ then chốt cho các doanh nghiệp Trung Quốc, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, dỡ bỏ những hạn chế về quyền sở hữu đối với các dự án đầu tư sắp tới, mở cửa rộng hơn nữa cho hàng hóa và dịch vụ nước ngoài vào Trung Quốc, từ bỏ mục tiêu tự cung tự cấp trong những lĩnh vực công nghệ chủ chốt và các sản phẩm thuộc các ngành công nghiệp có giá trị gia tăng cao.

Để thúc đẩy những bước tiến này, Chính phủ Mỹ đã áp dụng mức thuế 10%-25% đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc trị giá 250 tỷ USD, siết chặt kiểm soát đối với đầu tư của Trung Quốc vào các công ty công nghệ của Mỹ và đưa ra các lệnh trừng phạt đối với sản phẩm xuất khẩu của một số công ty công nghệ của Trung Quốc.

Ảnh hưởng của cuộc chiến thương mại đã được cảm nhận rõ nét với việc nhiều công ty đa quốc gia chuyển cơ sở sản xuất ra khỏi Trung Quốc, đe dọa nền kinh tế hiện nay của Trung Quốc và kế hoạch nâng cấp công nghệ của nước này.

Nếu tranh chấp thương mại leo thang hơn nữa, Trung Quốc có thể hạ bớt nhiệt bằng cách rút lại mục tiêu tự cung tự cấp của mình, cải thiện công tác bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, tạo điều kiện thuận lợi hơn một chút cho các công ty tư nhân trong nước và nước ngoài so với các doanh nghiệp nhà nước.

Tuy nhiên, ít có khả năng kế hoạch “Made in China 2025” bị từ bỏ hoàn toàn. Thay vào đó, nhiều khả năng Chính phủ Trung Quốc sẽ đưa ra một chiến lược quốc gia mới cho việc phát triển công nghệ dưới một cái tên mới, về cơ bản là kế hoạch B của “Made in China 2025”.

Mặc dù vậy, những điều chỉnh của Trung Quốc vẫn không làm hài lòng giới bài Trung tại Mỹ. Mỹ đã tăng cường hạn chế khả năng Trung Quốc tiếp cận cộng nghệ của họ, và nhiều khả năng sẽ tiếp tục làm như vậy trong dài hạn.

Những thiệt hại tiềm tàng đối với tương lai của ngành công nghiệp Trung Quốc là khó định lượng nhưng là yếu tố quan trọng để các nhà đầu tư cân nhắc. Nếu Chính phủ Mỹ đặt ra thêm những hạn chế đối với các sinh viên và các nhà nghiên cứu Trung Quốc tại các trường đại học của Mỹ, ngăn chặn những trao đổi, tương tác giữa các nhà khoa học của hai nước, hoặc cản trở các quỹ đầu tư và các công ty công nghệ lớn của Trung Quốc mua lại các công ty khởi nghiệp tại thung lũng Silicon, thì tốc độ thu nạp kiến thức tại Trung Quốc có thể chậm lại đáng kể.

Tất nhiên, phía Mỹ cũng bị ảnh hưởng. Việc loại bỏ Huawei ra khỏi danh sách các nhà cung ứng tiềm năng cho công nghệ 5G, một viên đá tảng thiết yếu của nền kinh tế kỹ thuật số khiến Mỹ phải đối mặt với tình trạng độc quyền song mãi. Việc triển khai 5G chắc chắn sẽ tốn kém hơn, diễn ra lâu hơn và gây bất lợi cho Mỹ trong cuộc chạy đua hướng tới lĩnh vực sản xuất thông minh, chưa kể đến lĩnh vực cơ sở hạ tầng thông minh.

Đề xuất ưu đãi thuế tiêu thụ đặc biệt cho xe ô tô hybrid, không áp thuế với điều hoà
Đại biểu Nguyễn Văn Mạnh đề xuất, bổ sung quy định dòng xe điện hybid không có sạc ngoài được hưởng ưu đãi thuế suất thuế TTĐB với mức thuế suất bằng 70% mức thuế suất của dòng xe xăng dầu.