Mỹ là quốc gia áp dụng nhiều vụ điều tra và áp thuế, phòng vệ đối với Việt Nam nhất
Thép Việt Nam 'chóng mặt' vì kiện phòng vệ: một tháng 8 vụ |
Tại Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khoá XIV, trả lời chất vấn liên quan đến phòng vệ thương mại, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh nhận định đây là vấn đề nóng hổi và quan trọng với Việt Nam trong bối cảnh hội nhập như hiện nay.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh |
Với độ mở kinh tế lên tới 200%, thời gian qua, Việt Nam đã gia tăng năng lực sản xuất và xuất khẩu. Với tình hình như vậy, các biện pháp phòng vệ và tự về thương mại nói chung của các quốc gia tham gia vào tổ chức thương mại thế giới đã được quy định và được cho phép theo quy định của Tổ chức thương mại thế giới.
Chính vì vậy, hàng loạt quốc gia đối tác tiến hành các hoạt động điều tra để tiến hành các biện pháp phòng vệ thương mại với Việt Nam.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho hay trong số các nước, có thể nói Mỹ là quốc gia khởi xướng nhiều nhất các vụ điều tra và áp dụng thuế, phòng vệ đối với Việt Nam. Tính đến hiện tại đã có đến 27 vụ. Đứng thứ hai là Thổ Nhĩ Kỳ, thứ ba là Ấn Độ và thứ tư là Liên Minh Châu Âu.
Bộ trưởng Bộ Công Thương nhận định xu thế này sẽ còn tiếp tục phát triển đối với các đối tác khác trên thế giới và đặc biệt là đối với các quốc gia mà Việt Nam tăng trưởng nóng các mặt hàng xuất khẩu.
Bộ trưởng cho biết thêm, ngoài các biện pháp áp thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp, họ còn có quyền áp dụng thuế tự vệ. Đây là thực tế đang diễn ra với các mặt hàng của chúng ta từ dệt may, da giày, cá tra, tôm, đến rau quả trái cây cũng đều bị áp dụng.
Bộ trưởng cho rằng, trong bối cảnh đó, việc Việt Nam cần chuẩn bị để đối phó và hỗ trợ doanh nghiệp để sẵn sàng cho quá trình hội nhập bao gồm những nội dung rất quan trọng về phòng vệ thương mại.
Cụ thể, Quốc hội đã thông qua luật quản lý ngoại thương trong đó bao gồm nội dung các chương của phòng vệ thương mại và các pháp lệnh của phòng vệ thương mại.
Điều này nhằm tạo ra cơ chế cho Việt Nam tổ chức triển khai cả về mặt thể chế và cơ sở pháp lý để triển khai các hoạt động phòng vệ thương mại.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho hay trong quá trình hỗ trợ cho doanh nghiệp trong những tranh chấp phòng vệ thương mại quốc tế, Việt Nam đã đạt được những thành quả vô cùng tích cực. Ví dụ như vụ kiện tôm và cá tra từ thị trường Mỹ. Ngoài ra, Bộ và các ban ngành, hiệp hội cũng giải quyết hàng loạt những vụ kiện về hàng dệt may và nhiều ngành hàng khác.
Vấn đề thứ hai là phòng vệ thương mại đối với các mặt hàng nhập khẩu vào Việt Nam. Bộ trưởng Bộ Công Thương cho biết Việt Nam cũng đã áp dụng các nguyên tắc chung trong WTO cũng như trong các hiệp định thương mại đa phương và song phương và đã có những biện pháp hỗ trợ rất hiệu quả.
"Ví dụ như các mặt hàng sắt thép, phân bón, kể cả hàng tiêu dùng và thực phẩm, trong thời gian vừa qua cũng đã đáp ứng được các quy định và yêu cầu của Tổ chức thương mại Thế giới, các tổ chức kinh tế của chúng ta cũng đã có các đề nghị điều tra. Bộ công thương dưới danh nghĩa là cơ quan đầu mối của chính phủ trong lĩnh vực này cũng đã thực hiện các vụ điều tra và áp dụng thuế tự vệ cho các mặt hàng này", Bộ trưởng cho hay.
Người đứng đầu Bộ Công Thương nhận định có thể nói động thái trên đóng góp cho việc sản xuất ở nội địa và bảo vệ lợi ích của doanh nghiệp cũng như đáp ứng được yêu cầu của thị trường nội địa.