Bộ Tài chính Mỹ tiếp tục xác định Việt Nam không thao túng tiền tệ
Ngày 7/11/2023, Bộ Tài chính Mỹ ban hành Báo cáo về “Chính sách kinh tế vĩ mô và ngoại hối của các đối tác thương mại lớn của Hoa Kỳ”, tiếp tục xác định Việt Nam không thao túng tiền tệ, đồng thời đưa ra nhận xét tích cực đối với kết quả điều hành chính sách tiền tệ, tỷ giá của Việt Nam.
Tuy nhiên, Bộ Tài chính Mỹ đã đưa 6 nền kinh tế gồm: Việt Nam, Trung Quốc, Đức, Malaysia, Singapore và Đài Loan vào danh sách giám sát hoạt động ngoại hối, đồng thời đưa Hàn Quốc và Thụy Sỹ ra khỏi danh sách.
Các quốc gia và vùng lãnh thổ nằm trong danh sách giám sát nói trên do có hai trong ba chỉ tiêu vượt ngưỡng giới hạn: thặng dư thương mại với Mỹ trên 15 tỷ USD, thặng dư tài khoản vãng lai trên tổng sản phẩm quốc nội (GDP) cao trên 3% và lượng mua ngoại tệ ròng vượt quá 2% GDP trong một năm.
Việt Nam có mặt trong danh sách sau khi thặng dư tài khoản vãng lai/GDP lên 4,7% trong thời gian giám sát. Nguyên nhân là xuất khẩu của Việt Nam đã tăng trưởng nhanh chóng trong những năm gần đây sau khi nhiều doanh nghiệp chuyển một phần hoạt động sản xuất từ Trung Quốc sang nước ta.
Thụy Sỹ và Hàn Quốc được đưa ra khỏi danh sách sau khi không vượt quá hai giới hạn trong hai kỳ giám sát liên tiếp.
Vào cuối năm 2020, chính quyền của cựu Tổng thống Donald Trump từng tuyên bố Việt Nam và Thụy Sỹ là các quốc gia thao túng tiền tệ.
Bộ Tài chính Mỹ đã tiến hành tiếp xúc nâng cao song phương với Việt Nam từ đầu năm 2021 và đạt được thỏa thuận chung vào tháng 7/2021 nhằm giải quyết các quan ngại của phía Mỹ về vấn đề tiền tệ, tỷ giá.
Tháng 6/2022, do không còn đáp ứng cả ba tiêu chí về thao túng tiền tệ, Việt Nam được đưa trở lại danh sách giám sát.
Đến tháng 11/2022, Bộ Tài chính Mỹ đã đưa Việt Nam ra khỏi danh sách giám sát khi liên tiếp trong hai kỳ báo cáo chỉ vượt ngưỡng một tiêu chí về thặng dư thương mại hàng hoá và dịch vụ với Mỹ.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) cho hay trong thời gian qua, tại các cuộc làm việc song phương với Bộ Tài Chính Mỹ đánh giá cao công tác điều hành chính sách tiền tệ và tỷ giá của Việt Nam do đã thể hiện sự nghiêm túc của Việt Nam trong việc giải quyết các quan ngại của phía Mỹ và duy trì được sự ổn định thị trường tài chính, tiền tệ, kinh tế vĩ mô trong bối cảnh nhiều khó khăn, thách thức.
Tại Tuyên bố chung về nâng cấp quan hệ Việt Nam - Mỹ lên Đối tác Chiến lược Toàn diện, Mỹ đánh giá cao những nỗ lực không ngừng của Việt Nam trong việc tiếp tục hiện đại hóa và tăng cường hơn nữa tính minh bạch của khuôn khổ điều hành chính sách tiền tệ và tỷ giá của Việt Nam, thúc đẩy ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an toàn và lành mạnh của hệ thống ngân hàng.
Trên cơ sở quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện giữa hai nước, NHNN sẽ tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành để duy trì hợp tác chặt chẽ và thiết lập các kênh trao đổi thường xuyên, có hiệu quả với BTC Hoa Kỳ; qua đó, tăng cường hiểu biết, thúc đẩy hợp tác, chia sẻ thông tin và kịp thời giải quyết các vấn đề phát sinh mà hai bên cùng quan tâm.