Tâm điểm vĩ mô tháng: Chờ thời điểm Fed giảm lãi suất, diễn biến tỷ giá khó lường
Kinh tế diễn biến chậm trong tháng đầu của quý cuối năm
Các chỉ số vĩ mô trong báo cáo kinh tế tháng 10 và 10 tháng đầu năm cho thấy kinh tế có phục hồi nhưng ở tốc độ chậm.
Tăng trưởng lĩnh vực sản xuất trong tháng 10 chưa thực sự khởi sắc khi tham chiếu với mức tăng thấp của cùng kỳ. Cụ thể, chỉ số sản xuất công nghiệp chỉ tăng 4,1% so với cùng kỳ. Cần lưu ý rằng tháng 10/2022 chỉ số này chỉ tăng 5,5% và thấp hơn đáng kể so với mức tăng 10,3% của tháng 9/2022 do nhu cầu thế giới giảm sâu trong quý cuối năm ngoái.
Ngoài ra, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 9 được điều chỉnh giảm mạnh từ số liệu sơ bộ là 5,1% xuống chỉ còn 2,9%.
Chỉ số PMI tháng 10 tiếp tục dưới ngưỡng 50 điểm, ở mức 49,6 điểm, không thay đổi nhiều so với số liệu trong tháng 9. Đáng chú ý, sản lượng giảm tháng thứ hai liên tiếp, nhu cầu đơn hàng mới phục hồi với tốc độ chậm.
Trong khi đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng trong tháng 10 chỉ tăng 7% so với cùng kỳ năm trước (trước đó tháng 9 tăng 7,5% và tháng 8 tăng 7,6%).
Mức tăng chậm lại đến từ sự suy giảm trong tốc độ tăng của bán lẻ hàng hoá, cụ thể là tăng trưởng chậm lại của doanh số thực phẩm, dệt may và phương tiện đi lại. Trong khi đó, doanh số bán hàng gia dụng, vật phẩm văn hoá, giáo dục có sự cải thiện.
Điểm sáng trong hoạt động vĩ mô là hoạt động xuất nhập khẩu cải thiện nhờ hiệu ứng mức nền thấp của cùng kỳ năm ngoái.
Chờ thời điểm Fed hạ lãi suất
Theo đánh giá của ông Trần Ngọc Báu, CEO WiGroup, sau cuộc họp của Fed, tình hình đang thuận lợi hơn với Việt Nam trong ngắn hạn. Tỷ giá và lợi suất cũng đang giảm tốt trong những ngày qua. Nhìn ngắn hạn trong khoảng một tháng tới, các chỉ số vĩ mô và thị trường tiền tệ sẽ hỗ trợ tốt cho thị trường.
Đồng quan điểm, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) mới đây cũng cho rằng sau kết quả cuộc họp Fed đầu tháng 11, nhà đầu tư sắp tới sẽ hướng tới thời điểm cắt giảm lãi suất của Fed. Đà tăng của chỉ số đồng USD và lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ đã chững lại đáng kể trong thời gian gần đây đều là các yếu tố thuận lợi giúp tỷ giá duy trì ở vùng hiện tại và có thể hạ nhiệt một chút vào cuối năm.
Hôm 1/11, Fed đã giữ nguyễn lãi suất quỹ liên bang trong phạm vi từ 5,25% đến 5,5%. Chủ tịch Jerome Powell vẫn nhắc lại rằng Fed vẫn chưa đạt được lạm phát mục tiêu là 2%, tuy nhiên tốc độ tăng giá cả đã giảm đáng kể so với giai đoạn tháng 6 năm ngoái.
Mặc dù ông Powell không loại trừ khả năng ngân hàng trung ương của Mỹ tiếp tục tăng lãi suất, thị trường ngầm hiểu rằng giọng điệu của cơ quan này đã có dấu hiệu ôn hòa hơn.
Theo công cụ FedWatch của CME Group, thị trường hiện đang kỳ vọng Fed sẽ cắt giảm lãi suất 25 điểm cơ bản (bps) lần đầu tiên trong cuộc họp ngày 1/5 năm sau. Trong năm 2024, thị trường dự báo Fed sẽ cắt giảm lãi suất tổng cộng 100 bps. CME dựa vào giá của các hợp đồng tương lai của lãi suất quỹ liên bang nhằm đưa ra dự báo của lãi suất trong tương lai.
Tỷ giá có thể dao động quanh khoảng 24.250 - 24.450 đồng
Theo đánh giá mới nhất của Nhóm Nghiên cứu và Phân tích BIDV Treasury, các diễn biến gần đây có phần tương đồng với giai đoạn cuối năm trước khi tỷ giá trong nước đã giảm mạnh trở lại sau những nhịp tăng trong nhiều tháng trước đó với khởi phát đến từ môi trường quốc tế giúp hạ nhiệt tâm lý trên thị trường.
Mặc dù vậy, nếu so với điều kiện của năm trước, bối cảnh trong năm nay có nhiều điểm khác nhau khá cơ bản cả từ trên thị trường quốc tế và trong nước.
Ở giai đoạn này năm trước, tỷ giá USD/VND đã giảm rất mạnh khoảng gần 1.000 điểm do cộng hưởng từ nhiều yếu tố.
Thứ nhất, trên thị trường quốc tế, thị trường hình thành kỳ vọng Fed hạ lãi suất sớm khiến chỉ số USD Index đã giảm rất mạnh gần 10% chỉ trong hai tháng.
Tiếp theo, NHNN điều hành chính sách tiền tệ theo hướng thắt chặt rõ nét khiến mặt bằng chênh lệch lãi suất VND-USD các kỳ hạn ngắn tăng lên mức dương 2% để giảm áp lực cho tỷ giá.
Nếu so với điều kiện năm nay, bối cảnh chưa hẳn đã tích cực như vậy. Cụ thể, điều kiện quốc tế trong năm nay ẩn chưa nhiều yếu tố bất định lớn hơn.
Ngoài ra, bối cảnh trong nước cũng không thật sự thuận lợi. Chênh lệch lãi suất VND - USD dự kiến vẫn ở mức âm sâu, kỳ hạn 1 tuần quanh khoảng -3,5%/năm do sự phân kỳ chính sách tiền tệ giữa Mỹ và Việt Nam, qua đó củng cố cho việc nắm giữ đồng USD so với VND với mức lãi suất hấp dẫn hơn. Ngoài ra, cung cầu ngoại tệ trong nước trong tháng 11 cũng được dự báo không quá dồi dào khi chỉ ở mức cân bằng.
Các chuyên gia tại đây dự báo tỷ giá USD/VND có thể tăng trở lại trong phần còn lại của tháng 11, với vùng dao động chủ đạo của tỷ giá có thể quanh khoảng 24.250 - 24.450 VND/USD.
Tỷ giá trong nước khó có đợt giảm mạnh (lên tới gần 1.000 điểm) như giai đoạn cuối năm trước do điều kiện thị trường giai đoạn đó rất khác so với bối cảnh hiện nay.
Ngoài ra, diễn biến gần đây của tỷ giá có biến động mạnh với cả hai chiều tăng/giảm tương quan chặt chẽ đối với thị trường quốc tế, do đó xu hướng trong thời gian tới rất khó lường khi bối cảnh chung chưa được định hình chắc chắn.