|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Chuyên gia Nguyễn Bích Lâm: Tận dụng mọi cơ hội thúc đẩy xuất khẩu 2 tháng cuối năm

10:10 | 05/11/2023
Chia sẻ
Với nhu cầu tiêu dùng cuối năm gia tăng, nhóm hàng nông sản như rau quả, điều, gạo; nhóm hàng thuỷ sản như tôm đông lạnh, cá tra, cá ngừ, cua ghẹ… có triển vọng tăng kim ngạch xuất khẩu.

Tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam quý sau cao hơn quý trước, với cán cân thương mại hàng hóa 10 tháng năm 2023, ước tính xuất siêu đạt 24,61 tỷ USD. Xuất siêu quý sau cao hơn quý trước là điểm sáng trong bức tranh thương mại hàng hoá quốc tế. Kết quả này thể hiện nỗ lực vượt khó, tinh thần năng động của cộng đồng doanh nghiệp và Chính phủ trong giữ vững thị trường truyền thống và tìm kiếm thị trường mới.

Để hiểu rõ hơn về những cơ hội và những giải pháp để doanh nghiệp tận dụng đẩy mạnh xuất khẩu trong 2 tháng còn lại của năm 2023, phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với chuyên gia - TS. Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê xung quanh nội dung này.

Phóng viên: Xin ông cho biết đôi nét bức tranh thương mại hàng hoá quốc tế, một trong những động lực quan trọng tăng trưởng kinh tế nước ta trong 10 tháng năm 2023?

Chuyên gia Nguyễn Bích Lâm: Trong bối cảnh kinh tế và thương mại toàn cầu suy giảm. Tổng cầu của các nền kinh tế lớn, là đối tác thương mại hàng hoá chủ yếu của Việt Nam suy giảm và thay đổi cơ cấu chi tiêu. Chi tiêu dùng cho đời sống vật chất như chi cho ăn uống, may mặc giảm xuống và chuyển sang chi tiêu nâng cao đời sống tinh thần, dành tiền cho du lịch.

Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu 10 tháng năm 2023 đạt 557,95 tỷ USD, giảm 9,6% so với cùng kỳ năm trước. Kim ngạch xuất khẩu đạt 291,28 tỷ USD, giảm 7,1%; có 33 mặt hàng đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD, chiếm 92,9% tổng kim ngạch xuất khẩu, có 7 mặt hàng xuất khẩu đạt kim ngạch trên 10 tỷ USD, chiếm 66,2%.

Tổng kim ngạch xuất khẩu của nước ta quý sau cao hơn quý trước, với cán cân thương mại hàng hóa 10 tháng năm 2023 ước tính xuất siêu 24,61 tỷ USD. Xuất siêu quý sau cao hơn quý trước là điểm sáng trong bức tranh thương mại hàng hoá quốc tế. Kết quả này thể hiện nỗ lực vượt khó, tinh thần năng động của cộng đồng doanh nghiệp và Chính phủ trong giữ vững thị trường truyền thống và tìm kiếm thị trường mới.

Mặc dù, tổng kim ngạch nhập khẩu 10 tháng năm 2023 giảm 12,3% so với cùng kỳ năm trước; tuy nhiên, kim ngạch nhập khẩu nguyên vật liệu và máy móc thiết bị cho sản xuất của một số nhóm hàng xuất khẩu chủ lực quý III tăng so với quý II phản ánh dấu hiệu tích cực trong nhập khẩu tư liệu sản xuất của nền kinh tế.

Phóng viên: Xin ông cho biết những yếu tố nào thúc đẩy xuất khẩu hàng hoá trong 2 tháng còn lại của năm 2023?

Chuyên gia Nguyễn Bích Lâm: Hai tháng cuối năm 2023 là thời điểm các nước trên thế giới đón chào năm mới 2024 với nhiều ngày lễ, ngày mua sắm, người dân sẵn sàng dốc hầu bao chi tiêu trong dịp cuối năm, vì vậy nhu cầu tiêu dùng của người dân tăng.

Hiện nay, hàng tồn kho của Mỹ, các nước EU là đối tác thương mại lớn của Việt Nam đã giảm mạnh, các thị trường này sẽ đẩy mạnh nhập khẩu để chuẩn bị hàng cho nhu cầu tiêu dùng cuối năm. Bên cạnh đó, yếu tố tác động rất mạnh tới quyết định chi tiêu của hộ gia đình đó là lạm phát. Tại Mỹ và các nước thuộc Liên minh châu Âu lạm phát đã giảm mạnh, độ xói mòn thu nhập của người dân do đồng tiền mất giá đã giảm. Đồng tiền giữ được ổn định giá trị là yếu tố quan trọng thúc đẩy gia tăng chi tiêu dùng.

Trong quý III kinh tế Mỹ tăng trưởng tốt hơn so với dự báo trước đó, đạt mức 4,9%, cao hơn nhiều so với mức 2,1% của quý II, nhờ chi tiêu dùng của người dân tăng mạnh. Đây là mức tăng mạnh nhất kể từ quý IV/2021. Chi tiêu dùng gia tăng là yếu tố quan trọng thúc đẩy tổng cầu, gia tăng nhập khẩu hàng tiêu dùng.

Cán cân hàng hóa duy thặng dư, cầu ngoại tệ phục vụ hoạt động nhập khẩu không tăng do nhu cầu yếu, cùng với kiều hối ước tăng hơn so với năm trước và dòng tiền từ các hoạt động giải ngân vốn đầu tư FDI sẽ tác động vào thị trường ngoại hối khiến tỷ giá hối đoái giữa VND/USD mất giá ở mức hợp lý khoảng 3%, điều này tác động tích cực tới xuất khẩu hàng hoá nước ta.

Phóng viên: Với một số yếu tố thuận lợi, thúc đẩy xuất khẩu hàng hoá, theo ông nhóm hàng nào có triển vọng tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu trong 2 tháng tới?

Chuyên gia Nguyễn Bích Lâm: Trong 2 tháng còn lại của năm nay, với nhu cầu tiêu dùng cuối năm của các đối tác thương mại là thị trường nhập khẩu lớn hàng hoá nước ta gia tăng, tôi cho rằng, nhóm hàng nông sản như rau quả, điều, gạo; nhóm hàng thuỷ sản như tôm đông lạnh, cá tra, cá ngừ, cua ghẹ… có triển vọng tăng kim ngạch xuất khẩu.

Đặc biệt tổng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng gạo có triển vọng đạt giá trị cao khi gạo Việt đã khẳng định thương hiệu chất lượng và đang được giá, đồng thời các thị trường nhập khẩu gạo chủ yếu của Việt Nam có nhu cầu nhập rất lớn: Philipines cần nhập 1,1 triệu tấn; Indonesia cần nhập 2,3 triệu tấn; Trung Quốc, thị trường nhập khẩu gạo lớn thứ 3 của Việt Nam cũng có nhu cầu lớn và đang đẩy mạnh nhập khẩu gạo.

Bên cạnh các mặt hàng nông sản, thuỷ sản, mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ, mặt hàng dệt may, da giày cũng rất khả quan khi đơn hàng xuất khẩu mới đang tăng trở lại.

Phóng viên: Các doanh nghiệp xuất khẩu cần phải làm gì để tận dụng cơ hội xuất khẩu trong thời gian tới, thưa ông?

Chuyên gia Nguyễn Bích Lâm: Các doanh nghiệp xuất khẩu cần khẩn trương tìm hiểu, nắm chắc thay đổi về nhu cầu tiêu dùng mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam, đặc biệt các mặt hàng nông sản, thuỷ sản tại các thị trường nhập khẩu để linh hoạt chuyển đổi, đáp ứng kịp thời nhu cầu của các thị trường. Chẳng hạn, tại thị trường Trung Quốc, nhu cầu cá tra phi lê đông lạnh đã giảm đáng kể kể từ đầu năm 2023, nhưng doanh số bán phi lê cá tra tẩm bột đang có dấu hiệu tốt hơn ở thị trường này.

Đồng thời, các doanh nghiệp cần chủ động thay đổi mẫu mã, kích cỡ đóng gói sản phẩm với giá phù hợp túi tiền của mọi tầng lớp thu nhập. Điều này không chỉ tiếp tục thu hút nhóm khách hàng có mức thu nhập trung bình và cao, mà sẽ thu hút thêm được nhóm khách hàng có mức thu nhập thấp.

Các doanh nghiệp xuất khẩu cần lựa chọn đơn vị vận chuyển đáp ứng các điều kiện về đóng hàng, chất lượng container, thời gian vận chuyển tối ưu, đồng thời tránh các rủi ro trong quá trình vận chuyển gây ảnh hưởng đến chất lượng hàng hoá.

Cùng với đó, các doanh nghiệp cần đảm bảo chất lượng hàng xuất khẩu, đặc biệt chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm đối với hàng nông sản, thuỷ sản. Các doanh nghiệp xuất khẩu và các đơn vị sản xuất phải cập nhật thông tin về nhu cầu thị trường, tiêu chuẩn hàng hoá xuất khẩu của các thị trường nhập khẩu hàng nông sản, thuỷ sản Việt Nam.

Đặc biệt đối với EU là một trong những thị trường xuất khẩu nông sản, thực phẩm quan trọng của Việt Nam, trong thời gian qua đã đưa ra hàng trăm thông báo dự thảo lấy ý kiến các nước thành viên Tổ chức Thương mại Thế giới về việc thay đổi các biện pháp về an toàn thực phẩm, kiểm dịch động thực vật trong thương mại nông sản với các nước.

Hiện nay, giá bán một số nhóm hàng là thế mạnh xuất khẩu của Việt Nam tại thị trường Mỹ và một số thị trường khác đang giảm, do đó, doanh nghiệp xuất khẩu cần linh hoạt tính toán, có thể chấp nhận giảm một phần lợi nhuận đối với những mặt hàng này để giữ khả năng cạnh tranh; đồng thời, giải phóng lượng hàng tồn kho.

Phóng viên: Thưa ông, cùng với doanh nghiệp, Chính phủ cần làm gì để thúc đẩy xuất khẩu?

Chuyên gia Nguyễn Bích Lâm: Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp xuất khẩu cần tranh thủ tối đa cơ hội, xu hướng phục hồi của các thị trường để đẩy mạnh xuất khẩu, nhất là hàng nông, lâm, thủy sản sang các thị trường lớn.

Trong bối cảnh hiện nay, Chính phủ khẩn trương hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật về xuất nhập khẩu; thực hiện chính sách tài khóa và tiền tệ để hỗ trợ doanh nghiệp gia tăng nguồn cung, tiết giảm chi phí nâng cao khả năng cạnh tranh của hàng hoá Việt với các sản phẩm cùng loại của các nước là đối thủ cạnh tranh.

Đồng thời, Chính phủ đẩy mạnh xúc tiến thương mại theo các hình thức truyền thống, trực tiếp, trực tuyến, đặc biệt nâng cao vai trò, trách nhiệm và tính hiệu quả của các cơ quan thương vụ Việt Nam tại nước ngoài để phát triển thị trường xuất khẩu cho hàng hoá Việt.

Cùng với đó, Bộ Công Thương cần tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin thị trường; hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng hiệu quả cơ hội và các cam kết từ các Hiệp định thương mại để đẩy mạnh xuất khẩu; đồng thời tăng cường tuyên truyền về quy tắc xuất xứ và cấp Giấy chứng nhận xuất xứ; tập trung xây dựng hình ảnh doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam uy tín.

Phóng viên: Xin cám ơn ông!

Thuý Hiền