Trung An lãi 12 tỷ quý III, cổ phiếu TAR tiếp tục lao dốc
Báo cáo tài chính hợp nhất quý III của CTCP Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An (Mã: TAR) cho thấy doanh thu thuần đạt 966 tỷ, tăng 94% so với cùng kỳ năm ngoái.
Lợi nhuận gộp đạt 48 tỷ, tăng 27% so với quý III/2022. Biên lãi gộp đạt 5%, suy giảm so với mức 7,7% cùng kỳ năm 2022.
Trừ đi các chi phí, Trung An báo lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ gần 12 tỷ đồng, gấp 14,3 lần quý III/2022.
Luỹ kế 9 tháng, Trung An ghi nhận 3.479 tỷ doanh thu thuần, tăng 57% song lãi sau thuế chưa tới 12 tỷ, bằng 1/4 cùng kỳ năm ngoái.
Năm nay, doanh nghiệp đặt mục tiêu doanh thu 3.800 tỷ và lãi sau thuế 50 tỷ đồng. Như vậy, sau ba quý, Trung An mới thực hiện được 13% chỉ tiêu doanh thu và chưa tới 12% kế hoạch lợi nhuận năm.
Hiện Trung An vẫn chưa công bố báo cáo tài chính riêng và hợp nhất soát xét bán niên. Cổ phiếu TAR đã bị chuyển từ diện cảnh báo sang diện bị kiểm soát kể từ ngày 12/10 do chậm nộp báo cáo tài chính soát xét bán niên.
Ngoài ra, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng chỉ ra nhiều vi phạm trong hoạt động quản trị, công bố thông tin của Trung An và ông Phạm Thái Bình - Tổng Giám đốc kiêm Phó Chủ tịch HĐQT.
Cổ phiếu TAR giảm sàn phiên 3/10 về 9.000 đồng/cp với thanh khoản hơn 5,8 triệu đơn vị và mất 60% giá trị trong vòng 4 tháng qua.
Về tình hình tài chính, tại ngày 30/9, quy mô tài sản của Trung An là 2.861 tỷ. Chiếm tỷ trọng lớn nhất là các khoản phải thu ngắn hạn (1.279 tỷ) và hàng tồn kho (821 tỷ). Trong đó, khoản mục phải thu ngắn hạn không biến động quá lớn sau một quý nhưng gấp đôi so với đầu năm do tăng chỉ tiêu trả trước cho người bán.
Còn hàng tồn kho của Trung An giảm 17% so với cuối quý II và giảm 42% so với đầu năm.
Tổng tiề mặt cuối kỳ có 18 tỷ đồng, giảm 10 tỷ so với ngày 30/6 và chiếm tỷ trọng rất nhỏ trong cơ cấu tài sản.
Tổng nợ vay cuối quý III là 1.502 tỷ, chủ yếu là vay ngắn hạn và gấp 1,23 lần vốn chủ sở hữu. 9 tháng đầu năm, doanh nghiệp vay thêm 2.635 tỷ đồng thời trả nợ gốc 2.518 tỷ. Chi phí lãi vay 9 tháng là 93 tỷ đồng.