|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

'Muốn phục hồi du lịch phải mở lại tất cả dịch vụ trong điều kiện bình thường mới'

14:40 | 08/12/2021
Chia sẻ
Tại tọa đàm “Mở cửa du lịch, phục hồi kinh tế”, ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HĐQT Vietravel cho rằng, du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, phải mở cửa tất cả các dịch vụ từ giao thông, tiện ích xã hội,... trong điều kiện bình thường mới thì mới mở cửa du lịch được.

Mở cửa du lịch gặp khó do quy định cách ly tập trung

Tại tọa đàm "Mở cửa du lịch, phục hồi kinh tế" do báo Thanh niên tổ chức ngày 7/12, TS Lương Hoài Nam, thành viên Hội đồng tư vấn du lịch VN, mở đầu bài phát biểu bằng hình ảnh một khách sạn ở Vũng Tàu treo băng rôn cầu cứu chính quyền cho mở lại các hoạt động du lịch theo tiêu chí an toàn phòng chống dịch và phục hồi kinh tế.

Ông cho rằng, việc chống dịch không phải là không quan trọng, song phải chống dịch theo các tiêu chí thích ứng an toàn của Nghị quyết 128.

Muốn phục hồi du lịch phải mở lại tất cả dịch vụ trong điều kiện bình thường mới - Ảnh 1.

Một đoàn khách quốc tế đến Việt Nam và tham quan phố cổ Hội An theo dạng hộ chiếu vắc xin. (Ảnh: Mạnh Cường/ Thanh niên).

TS Lương Hoài Nam nhấn mạnh, không doanh nghiệp nào đặt lợi ích kinh doanh cao hơn sự an toàn của cộng đồng, khách hàng hay nhân viên. Do đó, không nên lấy lý do chống dịch làm khó doanh nghiệp, người dân một cách thiếu cơ sở khoa học vì sợ trách nhiệm. Càng không thể chấp nhận các kiểu trục lợi nhân danh chống dịch.

Nói về vấn đề mở cửa, ông đặt vấn đề: "Khi tỷ lệ tiêm vắc xin ở các địa phương đã đủ cao thì còn biện pháp gì nữa đâu để mà chờ đợi?"

Ông cho rằng, trước đây, chúng ta đóng cửa vì tỷ lệ tiêm vắc xin còn thấp. Tuy nhiên, hiện tại, tỷ lệ tiêm vắc xin ở Việt Nam, đặc biệt là tại TP HCM, Hà Nội đã cao hơn nhiều nước, gần bằng Singapore, thì cần phải thích ứng an toàn với dịch. 

Ông Lương Hoài Nam thông tin ngày 11/6 Bộ Chính trị đã thống nhất chủ trương thí điểm đón khách quốc tế đến Phú Quốc. Đến ngày 20/11, địa phương này mới đón đoàn khách đầu tiên. Đến nay mới chỉ đón được 2-3 đoàn khách, tổng số lượng khoảng 300-400 du khách. 

Theo ông, kết quả đạt được vẫn còn khiêm tốn, nguyên nhân là các điều kiện chưa thực sự hấp dẫn, thiếu tính cạnh tranh với các nước đã mở lại du lịch như Thái Lan, Singapore,.. Ông lưu ý không có một quốc gia nào mở cửa du lịch mà bắt cách ly tập trung như Việt Nam.

Nếu còn chậm trễ, doanh nghiệp sẽ khó phục hồi

Cũng tại buổi tọa đàm, Chuyên gia kinh tế, Tiến sĩ Trần Du Lịch cho rằng nhiều người so sánh ngành du lịch như chiếc lò xo bị nén lại, sau khi tháo chốt sẽ có khả năng tự phục hồi. Thế nhưng thực tế, những chiếc lò xo đã liệt thì dù có buông cũng không thể phục hồi nổi.

Ông Lịch phân tích, các doanh nghiệp du lịch bị ảnh hưởng do dịch bệnh chia làm ba nhóm.

Cụ thể, thứ nhất là các doanh nghiệp ngưng hoạt động, nhưng vẫn giữ được dòng tiền, lao động, thị trường - nhóm này khi mở cửa có thể phục hồi tự nhiên. Thứ hai là nhóm gặp khó khăn về dòng tiền, lao động, có thể mất một phần thị trường, nhưng nếu được bơm tín dụng ưu đãi, có thể phục hồi được. Thứ ba là nhóm đã quá kiệt quệ, không còn đủ điều kiện để đi vay nữa. 

Muốn phục hồi du lịch phải mở lại tất cả dịch vụ trong điều kiện bình thường mới - Ảnh 2.

Chuyên gia kinh tế, Tiến sĩ Trần Du Lịch. (Ảnh chụp màn hình).

Theo ông, trong ba nhóm này, các doanh nghiệp phần lớn nằm ở nhóm hai và nhóm ba, chỉ có số ít ở nhóm thứ nhất nên khả năng tự phục hồi gần như không thể. Do đó, ông cho rằng phải sớm mở cửa thực chất ngành du lịch với quan điểm thích ứng an toàn, linh hoạt với COVID-19 và có những gói hỗ trợ thiết thực cho doanh nghiệp.

"Chúng ta không còn thời gian, không thể chậm hơn nữa và phải có giải pháp mạnh và đồng bộ ở cả ba mảng lưu trú, lữ hành, đặc biệt là vận tải quốc tế, hàng không để chúng ta có thể phục hồi ngay trong mùa tết sắp tới", ông Lịch nhấn mạnh.

Cùng quan điểm, ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HĐQT Vietravel cho rằng: "Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, phải mở cửa giao thông, dịch vụ, tiện ích xã hội mới mở cửa du lịch được, nói nôm na là mở lại tất cả dịch vụ trong điều kiện bình thường mới".

Ông Nguyễn Quốc Kỳ cũng bày tỏ sự mong mỏi về gói hỗ trợ kinh tế cần làm nhanh và có giá trị đâu đó ở mức 6-7% GDP.

Ông kiến nghị Chính phủ cấp tiền cho doanh nghiệp qua kênh ngân hàng, giảm lãi vay về mức 3-3,5%/năm và cho phép doanh nghiệp vay tín chấp bằng kế hoạch kinh doanh, bởi không còn tài sản để thế chấp. 

Với dự báo từ năm 2023 trở đi ngành du lịch mới có thể phục hồi, ông đề xuất giảm thuế VAT xuống mức 5% trong hai năm, đồng thời miễn các loại thuế TNDN, TNCN.

Cần phải mở đồng bộ để phục hồi du lịch  

Sau khi lắng nghe nhiều ý kiến tại tọa đàm, ông Hà Văn Siêu, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, nhấn mạnh: Ngành du lịch rất dễ bị tổn thương và tổn thương rất nặng, khi đóng cửa là đóng ngay mà khi mở cửa lại rất gian truân. Nhiều địa phương chưa đồng bộ để tự tin mở cửa lại du lịch, phục hồi kinh tế. 

Vì vậy những khó khăn mà các đơn vị nêu ra là thực tế mà các cấp chính quyền cần phải giải quyết ngay. Doanh nghiệp rất kiên cường nhưng phải cần chính quyền vào cuộc để khắc phục khó khăn.

“Mở là phải bình thường, mở hoàn toàn kèm điều kiện đảm bảo an toàn. Tất cả những điều đó đã thể hiện trong Nghị quyết 128 của Chính phủ. Có thể quy định này chưa đáp ứng hoàn toàn nhưng tiếp tục kiến nghị để có các quy định hoàn chỉnh hơn”, ông Siêu nói.

Ông chia sẻ thêm, vấn đề lớn nhất là sự đồng bộ từ doanh nghiệp lữ hành, hàng không, giao thông đường bộ, đường biển với địa phương. Tất cả các bên liên quan phải cùng vào cuộc. 

Trong đó, ngành hàng không sớm mở cửa lại chuyến bay thương mại; doanh nghiệp đồng hành cùng chính quyền địa phương cụ thể hóa các hướng dẫn cho ngành du lịch để giới thiệu cho khách cùng với chương trình. Bên cạnh đó, địa phương công bố mức độ an toàn của địa phương mình và địa phương liên quan... Có như vậy, doanh nghiệp mới có thể mở cửa du lịch an toàn, hiệu quả.

Phương Trang