Muốn hô hào cách mạng 4.0 hay quốc gia khởi nghiệp, chúng ta cần có khung pháp lí thử nghiệm
Sáng 7/11, Báo Đầu Tư đã tổ chức buổi tọa đàm "Thúc đẩy triển khai cơ chế sandbox trong kinh tế chia sẻ ở Việt Nam". Nhiều khách mời cấp bộ và doanh nhân hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực kinh tế chia sẻ tham gia tọa đàm.
Sandbox là một khung pháp lí để thử nghiệm những mô hình kinh doanh, dịch vụ mới. Theo Nghị quyết 52-NQ/TW của Bộ chính trị, khung thể chế thử nghiệm có kiểm soát (regulatory sandbox) sẽ sớm được ban hành để kiểm soát những công nghệ, dịch vụ mới hình thành từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Ông Đào Đình Khả, Vụ trưởng Vụ Công nghệ thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông), khẳng định Sandbox là một công cụ vô cùng cần thiết. Theo ông, Sandbox sẽ giúp các cơ quan lập pháp có thể tìm hiểu xem nên xây dựng những thêm những qui định gì, và áp dụng với đối tượng nào để phù hợp với thực tiễn và đổi mới sáng tạo.
Ông Nguyễn Hoa Cương cho rằng những chính sách ưu đãi là cần thiết cho việc thúc đẩy đổi mới sáng tạo. Ảnh: NVCC
Trong khi đó, ông Nguyễn Hoa Cương, Phó Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), cũng bổ sung thêm rằng việc có thêm những chính sách ưu đãi luôn rất cần thiết cho việc thúc đẩy đổi mới sáng tạo.
"Kinh nghiệm quốc tế và trong nước cho thấy ưu đãi và khuyến khích là điều kiện tiên quyết để thu hút đầu tư và nhân tài cho các hoạt động nghiên cứu phát triển và đổi mới sáng tạo, từ đó tạo ra công nghệ mới, sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh mới, nâng cao năng suất và hiệu quả của nền kinh tế", ông Cương phát biểu.
Không chỉ các cơ quan bộ ngành, phía doanh nghiệp cũng có những ý kiến cho rằng việc có thêm những khung pháp lí thử nghiệm sẽ hỗ trợ thúc đẩy phát triển nền kinh tế, đồng thời mang lại những lợi ích cho quốc gia.
Ông Nguyễn Hòa Bình, Chủ tịch NextTech, đã chỉ ra những kinh nghiệm cho thấy tình trạng thiếu Sandbox có thể gây hệ lụy cho xã hội.
Đầu tiên, ông Bình cho rằng việc thiếu khung pháp lí thử nghiệm sẽ gây lãng phí tài nguyên cho xã hội. Ông lấy ví dụ về công nghệ nhận diện khuôn mặt.
"Dù công nghệ hoạt động trơn tru nhưng người dân vẫn phải đến tận các cơ quan cùng chứng minh thư để giải quyết công chuyện", ông Bình nói.
Tiếp theo, Chủ tịch NextTech cho rằng việc thiếu Sandbox thậm chí có thể gây bất ổn xã hội. Các doanh nghiệp xấu hoạt động tràn lan gây hệ lụy xã hội, làm hỏng thị trường có thể khiến toàn ngành bị cấm, ảnh hưởng tới các công ty khác.
Thứ ba, việc thiếu khung pháp lí thử nghiệm có thể gây thất thu ngân sách. Những hoạt động kinh doanh theo mô hình mới không có qui chế sẽ không được phép hoạt động, dẫn đến việc có thể ngân sách sẽ thất thu về thuế hoặc dòng ngoại tệ chảy sang nước khác.
Ông Nguyễn Hòa Bình chỉ ra những hệ lụy nếu thiếu cơ chế Sandbox. Ảnh: NVCC
"90% cửa hàng của người Trung Quốc dùng loại hình thanh toán lậu. Như vậy tiền sẽ chảy về Trung Quốc chứ Việt Nam không thu đồng nào", ông Bình phân tích.
Ngoài ra, việc có qui phạm pháp luật đầy đủ sẽ giúp các công ty gọi vốn dễ dàng hơn. Các nhà đầu tư sẽ rụt rè hơn khi các khung pháp lí cấp phép.
"Muốn hô hào 4.0 rồi quốc gia khởi nghiệp, thí điểm phải kiến tạo, thấm đẫm tư duy của bộ ngành", ông Bình kết luận.
Trong khi đó, ông Nguyễn Xuân Việt Bình, đại diện CTCP Công nghệ và Dịch vụ Moca cho rằng cơ chế Sandbox là vô cùng cần kíp đối với ngành tài chính công nghệ (Fintech). Theo ông, việc thử nghiệm sẽ tạo điều kiện giúp những người dân ở vùng sâu vùng xa tiếp cận tốt hơn với các dịch vụ tài chính.
"Cơ chế Sandbox sẽ thúc đẩy hướng đến xã hội không dùng tiền mặt theo định hướng chính sách không dùng tiền mặt giai đoạn 2016 - 2020 của Chính phủ Việt Nam", ông Việt Bình cho hay.