Cách mạng công nghệ toàn cầu khiến thị trường lao động Đông Nam Á trải qua ‘cuộc đào thải’ lớn nhất
Sáu công việc thú vị trong tương lai của ngân hàng số |
Kinh tế Internet Đông Nam Á sẽ vượt 240 tỷ USD vào năm 2025 |
Theo ước tính của Diễn đàn Kinh tế Thế giới, 75 triệu việc làm sẽ bị thay thế và 133 triệu việc làm mới trên toàn cầu ra đời nhờ sự phát triển của công nghệ trong vòng 4 năm nữa. Và Đông Nam Á sẽ là thị trường chứng kiến sự thay đổi mạnh mẽ nhất.
Để bắt kịp với tốc độ thay đổi, khu vực Đông Nam Á cần nỗ lực chuyển đổi từ các công việc trong lĩnh vực nông nghiệp sang những ngành dịch vụ trong vài năm tới – điều mà nhiều nền kinh tế tân tiến nhất phải mất nhiều thập kỷ mới làm được.
Theo một báo cáo mới từ công ty nghiên cứu Oxford Economics và Công ty công nghệ cao Cisco của Mỹ, sự dịch chuyển này có thể dẫn đến sự thay thế 28 triệu việc làm toàn thời gian tại 6 nền kinh tế dẫn đầu khu vực Đông Nam Á trong 10 năm tới.
Con số này tương đương với 10% tổng dân số có việc làm tại 6 quốc gia - gồm Indonesia, Malaysia, Phillippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam.
Cảnh quan của khu tài chính và kinh doanh Singapore, thành phố Singapore. Ảnh: Pakin Songmor , Moment, Getty Images. |
Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng sự chuyển đổi sẽ tạo nên những cơ hội việc làm mới tại những ngành công nghiệp đang phát triển. Tuy nhiên, nó sẽ khiến 6,6 triệu người lao động thất nghiệp khi họ thiếu các kỹ năng cần thiết để có thể chuyển sang các công việc khác nhau.
Trước những thách thức và cơ hội, CNBC Make it đã trò chuyện với ông Naveen Menon, Chủ tịch Cisco khu vực Đông Nam Á, thảo luận về nhu cầu việc làm trong tương lai và những kỹ năng cần thiết đối với người lao động.
Cơ hội việc làm
Menon cho biết: “Khi những công nghệ mới được ứng dụng, hiệu suất sản phẩm sẽ làm giảm chi phí sản xuất, làm giảm giá thành hàng hoá và dịch vụ. Bên cạnh đó, do mức thu nhập của người dân tăng lên, mức chi tiêu của người dân sẽ gia tăng, thúc đẩy sự phát triển của những ngành nghề mới”.
Đặc biệt hơn, những công việc này bao gồm ngành công nghiệp bán lẻ và bán buôn, sản xuất, xây dựng và giao thông vận tải. Các lĩnh vực nhỏ hơn như công nghệ thông tin, tài chính và lĩnh vực nghệ thuật cũng sẽ hưởng những lợi ích tương đối.
Do phần lớn ngành công nghiệp này đòi hỏi nhiều kỹ năng và thường phải tiếp xúc với khách hàng, Menon cho rằng người lao động nên tìm kiếm cơ hội để trau dồi các kỹ năng mới ngay từ bây giờ. Quá trình đó bao gồm một sự kết hợp giữa đào tạo chuyên nghiệp và các kỹ năng mềm, như giao tiếp và tư duy phản biện.
Đào thải việc làm tại khu vực
Những ngành công nghiệp sẽ trải qua sự đào thải việc làm là những ngành yêu cầu ít kỹ năng và dễ bị ảnh hưởng bởi tự động hoá. Đầu tiên phải kể đến lĩnh vực nông nghiệp và những ngành sử dụng nhiều lao động như dọn dẹp, vận hành máy móc và công nhân thương mại.
Sự chuyển đổi này có quy mô toàn cầu và sẽ gây nên nhiều khó khăn cho lao động Đông Nam Á, khu vực phụ thuộc vào lĩnh vực nông nghiệp lâu đời. Hiện nay, lĩnh vực nông nghiệp chiếm khoảng 76 triệu công việc tại khu vực 6 nước ASEAN (6 nền kinh tế hàng đầu Đông Nam Á).
Về con số tuyệt đối, Indonesia, quốc gia đông dân nhất khu vực sẽ chứng kiến số lượng công việc bị đào thải lớn nhất, với khoảng 9,5 triệu việc làm bị thay thế.
Các nước chịu ảnh hưởng lớn tiếp theo là Việt Nam và Thái Lan. Cụ thể, 7,5 triệu việc làm tương đương 13,8% lực lượng lao động Việt Nam có nguy cơ mất việc.
Sự chuyển dịch trong vài năm tới đặt ra nhiều thách thức cho cả phía doanh nghiệp và người lao động. Tuy nhiên, Menon tin rằng có những lý do để nhìn nhận vấn đề này khách quan hơn: “Kết quả của sự thay đổi này là lao động trên toàn ASEAN sẽ nhận được những công việc mang lại nhiều giá trị hơn và có nhiều công việc bổ ích hơn. Xu hướng ấy sẽ tạo nên một hiệu ứng rộng lớn khắp khu vực, nơi có những nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới”.
Xem thêm |