Mục tiêu tăng GDP 6,8% năm 2020 có khả thi?
Quốc hội vừa chốt giao Chính phủ mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm tới ở mức 6,8%, với lạm phát kiềm chế dưới 4%. Phần lớn các chỉ tiêu Quốc hội đặt ra không có sự thay đổi đáng kể so với năm 2019.
Đặt chỉ tiêu không tăng, không đồng nghĩa dễ thực hiện, theo góc nhìn của một số chuyên gia. Nói với VnExpress, TS Cấn Văn Lực dự báo tăng trưởng GDP năm tới có thể trong khoảng 6,6-6,8%, nhưng muốn đạt được mức cận trên để đạt chỉ tiêu của Quốc hội, Chính phủ sẽ phải "rất quyết liệt".
Chữ "quyết liệt" theo ông là ở hai khía cạnh. Một là yêu cầu khắc phục những điểm nghẽn trong tăng trưởng năm 2019 và củng cố các động lực tăng trưởng từ nội tại.
Công nhân làm việc trong một nhà máy ôtô tại Hải Dương. Ảnh: Phuong Nguyen
Ở vế đầu tiên, kinh tế 9 tháng đầu năm nay tăng cao nhất trong gần một thập kỷ, dự báo tăng trưởng cả năm thậm chí lên mức gần 7%, song nền kinh tế vẫn còn nhiều điểm cần cải thiện. Trong đó, hai vấn đề lớn nhất là đầu tư công và cách nhìn nhận những thách thức từ biến động quốc tế.
Được nhắc đến liên tục trong những hội thảo bàn về tăng trưởng kinh tế gần đây, đầu tư công được đánh giá là một điểm nghẽn giữa bức tranh kinh tế nhiều gam màu sáng.
Vốn đầu tư từ nguồn ngân sách trong 9 tháng đầu năm chỉ tăng 4,8%, mức tăng thấp nhất giai đoạn 5 năm và bằng chưa tới một nửa mức tăng của năm 2018. "Nút thắt đầu tư công đang là một nguyên nhân khiến tăng trưởng chậm lại", Bộ phận nghiên cứu của Công ty chứng khoán SSI viết trong báo cáo vĩ mô quý III.
Còn một số chuyên gia kinh tế thì cho rằng đây là yếu tố phải "cải thiện ngay" nếu muốn duy trì đà tăng của nền kinh tế.
Vế thứ hai trong những điểm nghẽn là cách Việt Nam nhìn lại vị thế trong bối cảnh chiến tranh thương mại. Từng được dự báo là nước hưởng lợi nhiều nhất trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, nhưng góc nhìn này dần thay đổi trong những tháng cuối năm khi nhiều dấu hiệu cho thấy, các "tổn thương" về thương mại đã xuất hiện.
Xuất khẩu Việt Nam vào Mỹ tăng cao đột biến, nhưng đang có dấu hiệu chậm lại ở nhiều thị trường chủ chốt khác. Theo số liệu của cơ quan hải quan, xuất khẩu Việt Nam vào Mỹ tăng gần 28% trong 9 tháng, bên cạnh Nhật Bản và Hàn Quốc duy trì tăng tưởng ở mức 10%.
Nhưng ngược lại, một số thị trường chính khác tăng rất thấp và thậm chí giảm như EU, Trung Quốc, Hongkong hay UAE. Là quốc gia có độ mở kinh tế lớn, những con số này cho thấy sự chậm lại của dòng chảy thương mại toàn cầu đã bắt đầu có ảnh hưởng.
Tuy nhiên, ngay cả con số tăng gần 30% xuất khẩu vào thị trường Mỹ cũng để lại dấu hỏi lớn. SSI Research trong báo cáo đầu tháng 11 đặt câu hỏi: "Có hay không dấu hiệu lẩn tránh thương mại?".
Theo nhóm phân tích, có một hiện tượng trong 9 tháng đầu năm là xuất khẩu hàng hóa vào Mỹ tăng mạnh nhưng đi kèm với nhập khẩu từ Trung Quốc, trong khi xuất khẩu đi Trung Quốc lại giảm.
Lý giải điều này, SSI Research đưa ra 5 khả năng, nhưng đến ba trường hợp là tiêu cực. Trong đó, nhóm phân tích cho rằng diễn biến này có thể do hàng hóa Trung Quốc không vào được thị trường Mỹ sẽ tìm cách thâm nhập sang các thị trường khác, trong đó có Việt Nam; hàng Trung Quốc không xuất được sang Mỹ ở lại thị trường nội địa gây khó khăn cho hàng xuất khẩu của Việt Nam và hàng Trung Quốc qua Việt Nam lẩn tránh thuế tiến vào thị trường Mỹ.
Ngoài hai "điểm nghẽn" trên, một yếu tố cũng được nhắc đến trong thời gian gần đây là chất lượng tăng trưởng.
PGS. TS Phạm Thế Anh, Chuyên gia kinh tế trưởng VEPR cho biết, lý do khiến tăng trưởng 9 tháng bằng so với cùng kỳ năm ngoái là nhờ tăng trưởng công nghiệp cao hơn, bù đắp sụt giảm của ngành nông nghiệp.
Trong đó, ngành khai khoáng tăng vọt, cụ thể là than đá. Nhưng ông nhận định: "Con số tăng trưởng bằng nhau nhưng chất lượng tăng trưởng kém hơn, đồng thời triển vọng tăng trưởng xấu đi".
Theo chuyên gia từ VEPR, do tăng trưởng phụ thuộc vào khai thác tài nguyên, hiện Việt Nam phải gánh chịu hậu quả từ ô nhiễm môi trường như không khí gần đây. Ngoài ra, triển vọng xấu đi một phần do chỉ số tồn kho trung bình tăng cao theo đà từ năm 2018, lên tới 17,2%. Con số này tiềm ẩn rủi ro về đình trệ sản xuất tạm thời và doanh nghiệp thu hẹp quy mô.
Vẫn còn những điểm nghẽn, song nếu nhìn trong một bức tranh kinh tế tổng thể, các chuyên gia cho rằng những gam màu sáng vẫn đang chiếm chủ đạo và tạo nền tảng cho tăng trưởng năm tới. Trong đó, hai cấu phần được nhắc đến nhiều nhất là nội lực của khu vực kinh tế tư nhân và tổng cầu trong nước.
Một hiện tượng khác trong khu vực xuất - nhập khẩu 9 tháng đầu năm nay là vai trò của khối doanh nghiệp trong nước áp đảo khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Cả ở xuất khẩu và nhập khẩu, tăng trưởng của các doanh nghiệp nội đều gấp gần 3 lần khu vực FDI, với tỷ trọng đóng góp đều tăng so với cùng kỳ năm 2018.
Theo TS Cấn Văn Lực, một trong những nguyên nhân là các doanh nghiệp Việt đang nhanh nhạy hơn để thích nghi với sự thay đổi của dòng chảy thương mại. Việc tận dụng các Hiệp định thương mại tự do, các thỏa thuận thương mại cũng tạo điều kiện cho sự tăng trưởng.
Theo SSI Research, động lực tăng trưởng chính của xuất khẩu vẫn phụ thuộc vào các sản phẩm điện thoại, máy vi tính, và máy móc thiết bị, chiếm 3 trong 4 mặt hàng xuất khẩu lớn nhất. Tuy nhiên, khác với năm trước, các mặt hàng điện tử vẫn là lãnh địa của nhóm FDI, nhưng nhóm doanh nghiệp nội đang thể hiện bước tiến ấn tượng ở ngành hàng này.
Xuất khẩu điện thoại và linh kiện của nhóm doanh nghiệp trong nước trong 9 tháng đầu năm nay tăng 1.321%, xuất khẩu máy vi tính đạt tăng 174%, còn xuất khẩu máy móc thiết bị cũng tăng tới 62%.
Số doanh nghiệp thành lập mới cũng đang duy trì đà tăng, với 102.000 doanh nghiệp thành lập trong 9 tháng, và tổng số vốn đăng ký bổ sung thêm vào nền kinh tế hơn 3 triệu tỷ đồng. Khảo sát của cơ quan thống kê cho thấy, quá nửa số doanh nghiệp được hỏi "đánh giá xu hướng sẽ tốt lên".
Ở khía cạnh tổng cầu trong nước, chỉ tiêu tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng cao trong 9 tháng đầu năm và được dự báo sẽ tiếp tục là điểm tựa cho kinh tế trong năm 2020.
"Xuất khẩu hàng hóa có xu hướng chậm lại do tác động của chiến tranh thương mại, nhưng điều này sẽ được bù đắp bởi tiêu dùng trong nước. Đây là một yếu tố được xem là lực đẩy cho kinh tế trong năm tới", TS Cấn Văn Lực nói.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/