Mức độ nguy hiểm của 6 biến chủng COVID-19 đã xuất hiện ở Việt Nam
Virus SAR-CoV-2 gây nên bệnh COVID-19 sau hơn 1 năm kể từ khi được phát hiện ở Vũ Hán, Trung Quốc, đến nay đã lây lan ra khắp thế giới, với số ca mắc tính đến 23h ngày 7/5 đã lên tới hơn 157 triệu người và trên 3,2 triệu người tử vong.
Không chỉ thế, sau hơn 1 năm, chủng virus này đã liên tục biến đổi với tốc độ lây lan nhanh, hệ số lây nhiễm cao hơn, chu kì lây nhiễm ngắn hơn và có khả năng lây qua không khí thay vì qua tiếp xúc gần từ người sang người như lúc ban đầu, gây ra những đợt bùng phát dịch bệnh phức tạp trên toàn thế giới.
Ở Việt Nam, tính đến ngày 7/5, đã có 6 biến chủng COVID-19 xuất hiện tại nước ta với những đặc tính khó lường, những biến thể mới này bao gồm:
STT | Nguồn gốc | Tên gọi | Đặc điểm | Tỉnh/thành bị ảnh hưởng |
1 | Anh | VOC 202012/01 hoặc B.1.1.7 | - Lây lan nhanh hơn 70% - Gây tử vong cao hơn 30% | Hải Dương |
2 | Nam Phi | 20H/501Y.V2 hay B.1.351 | - Lây lan mạnh hơn - Có thể lẩn tránh kháng thể trong máu - Làm giảm khả năng bảo vệ của hai loại vắc xin Moderna và Pfizer/BioNTech - Có "nguy cơ gây tái nhiễm rõ rệt" | Ca nhập cảnh được cách ly ngay |
3 | Rwanda, châu Phi | A.23.1 | - Chưa cho thấy những dấu hiệu diễn biến bất thường | Sân bay Tân Sơn Nhất |
4 | Châu Âu | D614G | - Khả năng cảm nhiễm cao, dẫn tới hệ số lây nhiễm cao hơn - Độc lực không thay đổi | Đà Nẵng |
5 | Lưu hành chủ yếu tại Hàn Quốc, Sri Lanka, Ấn Độ, Đài Loan... | 20C | - Tốc độ lây nhiễm không cao - Mức độ tăng nặng chưa rõ ràng | Hà Nội |
6 | Ấn Độ | B.1.617.2 | - Lây lan nhanh hơn - Có dấu hiệu làm giảm tác dụng của vắc xin - Chưa có dấu hiệu gia tăng về độc lực | Yên Bái |
Tính đến 18h ngày 7/5, Việt Nam đã ghi nhận tổng cộng 1.731 ca mắc COVID-19 do lây nhiễm trong nước, trong đó số lượng ca mắc mới tính từ ngày 27/4 đến nay là 161 ca. Riêng tính từ 6h đến 18h ngày 7/5, phát hiện thêm 46 ca mắc mới, trong đó có 6 ca được cách ly ngay sau khi nhập cảnh.