Mua trái phiếu doanh nghiệp tại ngân hàng, rủi ro có thực sự giảm?
Ngân hàng đẩy mạnh bán chéo trái phiếu doanh nghiệp
Theo báo cáo của CTCP Chứng khoán SSI, tổng khối lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành trong 6 tháng đầu năm đạt 171.500 tỉ đồng, tăng 61,3% so với cùng kì 2019. Trong khi đó, mức tăng trưởng cùng nửa đầu năm 2019 chỉ ở mức 37%.
Cùng với sự "bùng nổ" của thị trường, nhiều ngân hàng cũng đẩy mạnh hoạt động bán chéo trái phiếu doanh nghiệp thông qua mạng lưới giao dịch để nhằm gia tăng nguồn thu.
Techcombank hiện đang triển khai sản phẩm Trái phiếu doanh nghiệp iBond dành cho những khách hàng cá nhân, chào bán các trái phiếu của các doanh nghiệp Việt Nam với lãi suất lên tới 9%/năm. Trong khi MSB cũng giới thiệu kênh đầu tư trái phiếu doanh nghiệp có lãi suất lên tới 9,9%/năm,....
Thực tế, nguồn thu từ hoạt động môi giới và tư vấn bảo lãnh phát hành trái phiếu đang có xu hướng tăng tại nhiều ngân hàng, đặc biệt là các nhà băng đặt trọng tâm vào khách hàng trung lưu và thu nhập cao như Techcombank, MB, VPBank ... Ngoài ra, việc tham gia phân phối trái phiếu còn giúp các ngân hàng gia tăng mối quan hệ với doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy khách hàng sử dụng các dịch vụ khác.
Số liệu của Moody's cho thấy, thu nhập từ phí đóng góp tới 14% tổng doanh thu của Techcombank trong quí I/2020, thông qua hoạt động bán bảo hiểm (bancassurance) và kinh doanh trái phiếu, bao gồm cả tư vấn phát hành trái phiếu cho khách hàng doanh nghiệp lớn và phân phối trái phiếu doanh nghiệp dưới hình thức quản lí tài sản cho khách hàng thu nhập cao.
Theo Moody's, Techcombank tăng trưởng ổn định trên thị trường nợ cũng một phần đến từ việc hỗ trợ các doanh nghiệp lớn phát hành trái phiếu, đáp ứng nhu cầu tài chính dài hạn của họ và sau đó phân phối trái phiếu cho các nhà đầu tư tổ chức và nhà đầu tư nhỏ lẻ có giá trị tài sản ròng cao
Mua trái phiếu qua ngân hàng có giảm thiểu được rủi ro?
Với lãi suất dao động 9 - 12%/năm, thậm chí lên tới 18%/năm, trái phiếu doanh nghiệp đang có sức hấp dẫn nhất định so với kênh tiền gửi tiết kiệm truyền thống. Bên cạnh đó, niềm tin đối với trái phiếu doanh nghiệp cũng được hỗ trợ khi phân phối qua ngân hàng, những định chế tài chính uy tín hàng đầu hiện nay.
Tuy nhiên, theo nhận định của các chuyên gia tài chính, không ít nhà đầu tư cá nhân vẫn chưa hiểu thực sự bản chất cũng như rủi ro khi đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp được chào bán qua các ngân hàng.
Trên thực tế, ngân hàng đóng vai trò là đại lí phát hành hoặc bảo lãnh phát hành trái phiếu cho doanh nghiệp, việc phân phối là một trong hoạt động dịch vụ ngân hàng đầu tư của ngân hàng. Hiểu đơn giản, ngân hàng chỉ là kênh trung gian mua bán trái phiếu giữa doanh nghiệp và nhà đầu tư.
Trao đổi với chúng tôi, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu khẳng định rằng: "Việc trái phiếu được phân phối qua ngân hàng hoàn toàn không giảm được rủi ro. Ngân hàng chỉ là đơn vị phân phối, không hề chịu ràng buộc trách nhiệm nào nếu rủi ro xảy ra (trong trường hợp họ không bảo lãnh thanh toán)".
Tuy nhiên, không phải tất cả trái phiếu doanh nghiệp do ngân hàng phân phối, nhà đầu tư đều phải chịu toàn bộ rủi ro.
"Trong trường hợp ngân hàng phân phối đứng ra bảo lãnh thanh toán cho trái phiếu đó, rủi ro mới được giảm thiểu. Vì khi đó, rủi ro không phải của riêng nhà đầu tư nữa mà đã được phân tán sang ngân hàng đứng ra bảo lãnh", ông Hiếu cho biết.
Ông Hiếu cũng cho rằng đối với các nhà đầu tư không chuyên nghiệp, việc mua trái phiếu doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp bất động sản là rất rủi ro. Bỏi các nhà đầu tư không chuyên nghiệp thường là những nhà đầu tư cá nhân, không có khả năng phân tích tín dụng, các chỉ số tài chính... của các doanh nghiệp phát hành.
Ngoài ra, không loại trừ khả năng nhà đầu tư không được thông tin đầy đủ về trái phiếu, nghĩ rằng trái phiếu được bảo lãnh nhưng không để ý bảo lãnh bao nhiêu phần trăm, ai thanh toán khi doanh nghiệp vỡ nợ.
Trao đổi tại FiinTrade Talk Triển vọng và cơ hội chứng khoán đến cuối năm 2020, chuyên gia kinh tế Nguyễn Đức Hùng Linh cho rằng lãi suất huy động giảm đã và đang kích một dòng tiền chuyển sang kênh đầu tư trái phiếu rất rõ rệt.
Lãi suất trung bình trái phiếu sơ cấp của doanh nghiệp (phi ngân hàng) khoảng 10%, là mức khá hấp dẫn so với lãi suất tiền gửi ngân hàng - cao nhất ở khoảng 8%/năm.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Đức Hùng Linh
Theo ông Hùng Linh, mức chênh lệch 2% này khiến cho nhiều người cảm thấy đủ lợi nhuận để có thể chấp nhận rủi ro tại kênh trái phiếu, ông chia sẻ thêm.
Trước đó, vào đầu tháng 7 năm nay, Bộ Tài chính đã đưa ra cảnh báo về những rủi ro tiềm ẩn trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp đối với các bên tham gia thị trường, đặc biệt là nhà đầu tư cá nhân nhỏ lẻ.
Trong đó, Bộ Tài chính lưu ý nhà đầu tư cần tiếp cận đầy đủ thông tin, phân tích và đánh giá kĩ các rủi ro có thể gặp phải đối với trái phiếu.
Khi đã nắm rõ thông tin về trái phiếu, cũng như cân nhắc kĩ lưỡng về các rủi ro có thể gặp phải, nhà đầu tư không nên mua trái phiếu chỉ vì lãi suất cao, vì có khả năng không thu hồi được khoản tiền đầu tư trái phiếu, bao gồm cả gốc và lãi nếu doanh nghiệp phát hành gặp khó khăn về tài chính.