Mua bán nợ có nên là ngành nghề kinh doanh có điều kiện?
Thị trường mua bán nợ: nút thắt ở hành lang pháp lý! | |
VAMC: Sẽ 'mua đứt, bán đoạn' nợ xấu |
Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN) |
Đại diện VCCI cho rằng, việc kinh doanh mua bán nợ đơn thuần chỉ là các giao dịch thương mại và cần khuyến khích phát triển thay vì ngăn chặn bởi các điều kiện.
Ý kiến này được ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nêu lên sáng 15/11 tại Hội nghị quốc tế Diễn đàn các công ty quản lý tài sản công quốc tế (IPAF) lần thứ 4 với chủ đề: “Củng cố an ninh tài chính châu Á và giải pháp thực hiện.”
Trong báo cáo gửi tới hội nghị, ông Đậu Anh Tuấn cho biết, tại Việt Nam, Công ty trách nhiệm hữu hạn Mua bán nợ Việt Nam (DATC) được biết tới là doanh nghiệp Nhà nước thực hiện xử lý các khoản nợ và tài sản tồn đọng, góp phần lành mạnh hóa tình hình tài chính doanh nghiệp Nhà nước.
Khẳng định sự hình thành của DATC là cần thiết nhưng theo ông, sự hỗ trợ từ phía doanh nghiệp này vẫn chưa đáp ứng đủ trước số lượng doanh nghiệp đang gặp khó khăn.
Theo ông, cần có giải pháp thúc đẩy hoạt động mua bán nợ, xử lý nợ gắn với tái cơ cấu doanh nghiệp.
Một trong các vấn đề được ông nêu lên là: Việc xác định kinh doanh mua bán nợ là ngành nghề kinh doanh có điều kiện là chưa hợp lý.
Lý do bởi đây là hoạt động không tạo ra rủi ro, đơn thuần chỉ là các giao dịch thương mại và cần khuyến khích phát triển thay vì ngăn chặn bởi các điều kiện.
“Từ quan điểm tiếp cận trên, để tạo thuận lợi cho doanh nghiêp hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực này, VCCI cho rằng các quy định hướng dẫn nghị định 69 cần theo hướng tạo thuận lợi, hạn chế các thủ tục hành chính gây phiền phức một cách bất hợp lý cho doanh nghiệp,” đại diện VCCI nêu lên.
Trong trường hợp không thể bỏ hoạt động mua bán nợ khỏi danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện, báo cáo của ông Tuấn nêu lên đề xuất cần sửa đổi quy định theo hướng đơn giản hơn.
Theo ông, có thể bỏ điều kiện doanh nghiệp kinh doanh hoạt động mua bán nợ “có mức vốn điều lệ, vốn đầu tư tối thiểu là 100 tỷ đồng.” Mức vốn như trên theo đánh giá là quá lớn và cản trở với các doanh nghiệp muốn tham gia vào lĩnh vực này.
Vị đại diện của VCCI cũng cho rằng, cần có giải pháp thúc đẩy hoạt động mua bán, xử lý nợ gắn với tái cơ cấu doanh nghiệp như miễn thuế, giảm thuế với các tổ chức xử lý nợ.
Ông Phạm Mạnh Thường, Phó Tổng giám đốc DATC cũng nêu lên ý kiến trên trong phần trình bày của mình.
Theo ông, kể từ khi hoạt động đến nay, DATC đã xử lý trên 90.000 tỷ đồng nợ trong và ngoài nước cho các doanh nghiệp. Doanh nghiệp này cũng hỗ trợ hơn 3.000 doanh nghiệp xử lý nợ trong quá trình cổ phần hóa.
Tuy nhiên, qua quá trình trên, ông nêu vấn đề, các doanh nghiệp tái thiết thường rất khó tiếp cận nguồn vốn mới trong khi đây là yêu cầu thiết yếu để khởi động quá trình phục hồi doanh nghiệp.
Bởi vậy, một trong những đề xuất của ông là cho phép các tổ chức xử lý nợ được sử dụng nguồn lực của mình để hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp như một nguồn vốn mồi để tái cơ cấu, phục hồi hoạt động.
Cũng theo ông, với xu hướng ngày càng tăng các doanh nghiệp có dự án lớn vay nợ nước ngoài, khiến quy mô khoản nợ cần xử lý ngày một lớn, mang tính liên quốc gia.
Do đó, theo ông, cần có cơ chế phối hợp xử lý nợ giữa các nước, có thể hình thành quỹ tái thiết doanh nghiệp hoặc quỹ xử lý nợ xấu với sự tham gia đầu tư của các nhà đầu tư, các công ty mua bán nợ các nước.
Diễn đàn IPAF là sáng kiến được đề xuất tại Hội nghị quốc tế về phát triển ngành tài chính toàn cầu do Bộ Tài chính Việt Nam phối hợp với Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) và Công ty Quản lý tài sản Hàn Quốc (KAMCO) tổ chức tại Hà Nội năm 2012. Tháng 3/2013, Diễn đàn IPAF chính thức thành lập tại Seou, Hàn Quốc với 7 thành viên trong đó Công ty trách nhiệm hữu hạn Mua bán nợ Việt Nam (DATC) là đại diện của Việt Nam tham gia làm thành viên sáng lập diễn đàn. |