|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

MSCI hoãn nâng hạng Kuwait lên thị trường mới nổi, dòng vốn ngoại sẽ chưa chảy ngay vào TTCK Việt Nam

07:48 | 17/04/2020
Chia sẻ
Theo ước tính của Chứng khoán VNDirect, trong trường hợp Kuwait nâng hạng vào tháng 11/2020, dòng vốn từ các quĩ theo dõi thị trường cận biên của MSCI đổ vào TTCK Việt Nam sẽ đạt khoảng 120 triệu USD, thấp hơn so với ước tính trước đó là 200 triệu USD.

MSCI hoãn nâng hạng TTCK Kuwait lên mới nổi tới tháng 11/2020 do ảnh hưởng từ đại dịch COVID-19

Ngày mùng 8/4 vừa qua, Morgan Stanley Capital International (MSCI) ra thông báo hoãn nâng hạng Kuwait lên thị trường mới nổi cho tới kì đánh giá và phân loại thị trường bán niên vào tháng 11/2020.

Trong thông báo của MSCI, tổ chức này đã nhấn mạnh rằng Kuwait vẫn đáp ứng đầy đủ các tiêu chí để được nâng hạng lên TTCK mới nổi Việc hoãn nâng hạng đối với TTCK Kuwait là do những tác động của đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng đáng kể đến công tác chuẩn bị của các tổ chức đầu tư quốc tế cho việc nâng hạng thị trường này.

Cụ thể, MSCI đã nhận được thông tin từ một số quĩ đầu tư quốc tế cho biết họ đang gặp khó khăn trong việc mở tài khoản chứng khoán mới để giao dịch các cổ phiếu của Kuwait, do hoạt động này đang bị gián đoạn bởi dịch COVID-19.

Vì vậy, MSCI cho rằng việc lùi ngày chính thức nâng hạng TTCK Kuwait lên mới nổi là cần thiết nhằm đảm bảo quá trình chuyển tiếp diễn ra thuận lợi cũng như đảm bảo sự công bằng giữa các quĩ đầu tư quốc tế và các nhà đầu tư chứng khoán bản địa.

Dòng vốn ngoại sẽ chưa chảy ngay vào TTCK Việt Nam

Thông báo của MSCI cũng đồng nghĩa với việc Việt Nam sẽ phải chờ đến tháng 11/2020 để trở thành thị trường lớn nhất trong danh mục MSCI Frontier Markets Index. Tính đến ngày 31/3, thị trường Kuwait chiếm 37,3% tỉ trong danh mục, thị trường Việt Nam đứng thứ hai với tỉ trọng 15,4% và theo sau là Morocco với tỉ trọng 9,4%.

MSCI hoãn nâng hạng Kuwait lên thị trường mới nổi, dòng vốn ngoại sẽ chưa chảy ngay vào TTCK Việt Nam - Ảnh 1.

Nguồn: VNDirect.

Trước đó, trong Báo cáo Chiến lược năm 2020, CTCP Chứng khoán VNDirect (Mã: VND) đã dự báo TTCK Việt Nam có thể được MSCI gia tăng tỉ trọng trong nhóm thị trường cận biên trong năm nay do Kuwait được thông báo nâng hạng lên nhóm thị trường mới nổi.

VNDirect dẫn mô hình dự báo của MSCI cho biết, sau khi Kuwait chuyển lên nhóm TTCK mới nổi, tỉ trọng của Việt Nam trong MSCI Frontier Markets Index và MSCI Frontier Markets 100 Index có thể được tăng lên lần lượt là 25,2% và 30%, từ mức 15,4% và 11,1% hiện tại.

MSCI hoãn nâng hạng Kuwait lên thị trường mới nổi, dòng vốn ngoại sẽ chưa chảy ngay vào TTCK Việt Nam - Ảnh 2.

Nguồn: VNDirect.

Do ảnh hưởng của COVID-19, VNDirect đánh giá qui mô lượng vốn ngoại chảy vào TTCK Việt Nam có thể nhỏ hơn so với ước tính ban đầu.

Cụ thể, dịch bệnh bùng phát khiến nhà đầu tư quốc tế giảm thiểu mức độ ưa thích đối với các loại tài sản rủi ro, từ đó kéo theo làn sóng rút vốn mạnh khỏi các quĩ đầu tư vào thị trường cận biên, điển hình là các quĩ theo dõi các chỉ số thị trường cận biên của MSCI.

Theo ước tính của VNDirect, tổng giá trị tài sản ròng của các quĩ theo dõi chỉ số MSCI Frontier Markets 100 Index và MSCI Frontier Markets Index tại ngày 9/4/2020 đạt khoảng 1.915 triệu USD, giảm 37% so với thời điểm 10/12/2019.

Do đó, qui mô lượng vốn đổ vào TTCK Việt Nam sau khi Kuwait được nâng hạng lên thị trường mới nổi có thể nhỏ hơn ước tính ban đầu của công ty chứng khoán này.

Dựa trên số liệu hiện tại, VNDirect ước tính dòng vốn từ các quĩ theo dõi thị trường cận biên của MSCI đổ vào TTCK Việt Nam sau khi Kuwait nâng hạng sẽ đạt khoảng 120 triệu USD, thấp hơn ước tính trước đó là 200 triệu USD, với giả định giá trị tài sản ròng của các quĩ duy trì ở mức hiện tại.

MSCI hoãn nâng hạng Kuwait lên thị trường mới nổi, dòng vốn ngoại sẽ chưa chảy ngay vào TTCK Việt Nam - Ảnh 3.

Nguồn: VNDirect.

Việt Nam nhiều khả năng chưa được đưa vào danh sách theo dõi nâng hạng lên TTCK mới nổi trong năm 2020

Theo VNDirect, TTCK Việt Nam hiện đã đáp ứng tất cả các tiêu chí định lượng của MSCI, tuy nhiên chưa đáp ứng đầy đủ các tiêu chí định tính để được đưa vào danh sách theo dõi lên thị trường mới nổi trong năm nay.

Cụ thể, độ mở của thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài và quyền bình đẳng của nhà đầu tư nước ngoài còn hạn chế, thể hiện chủ yếu qua giới hạn sở hữu nước ngoài. Bên cạnh đó là các hạn chế trong công bố thông tin bằng Tiếng Anh.

Việc thiếu thị trường giao dịch ngoại hối tại nước ngoài (offshore currency market) gây khó khăn trong việc chuyển đổi từ tiền VND sang ngoại tệ khác, trong khi thị trường ngoại hối trong nước (onshore currency market) vẫn còn nhiều hạn chế.

Ngoài ra, Việt Nam cũng thiếu một trung tâm thanh toán bù trừ chứng khoán độc lập và chưa thỏa mãn một số tiêu chí khác về giao dịch, chuyển nhượng chứng khoán, sản phẩm phái sinh.

Sơn Tùng