MSCI đặt ra thêm 4 điều kiện ngặt nghèo, khép dần cánh cửa vào chỉ số toàn cầu của cổ phiếu Trung Quốc
Một nhà đầu tư đang xem bảng giá chứng khoán Trung Quốc. Ảnh: AP.
Theo Bloomberg, các điều kiện mới của MSCI là gần như không thể vượt qua được và sẽ khiến các cổ phiếu Trung Quốc gặp vô vàn khó khăn nếu muốn được góp mặt vào chỉ số tham chiếu toàn cầu.
Việc có mặt trong các chỉ số được theo dõi trên khắp thế giới giúp cổ phiếu nhận được dòng tiền từ các quĩ đầu tư thụ động (như quĩ ETF, quĩ chỉ số, ...) và tỏ ra hấp dẫn hơn trong mắt các nhà đầu tư chủ động.
Trong một năm qua, tổ chức cung cấp chỉ số Morgan Stanley Capital International (MSCI, trụ sở tại New York) đã điều chỉnh tăng hệ số bao gồm (inclusion factor) đối với cổ phiếu Trung Quốc đại lục trong chỉ số của mình.
Hôm thứ Tư tuần trước, hệ số này đạt ngưỡng 20%, tương ứng với 472 mã cổ phiếu hạng A của Trung Quốc.
Điều này đồng nghĩa với việc cổ phiếu Trung Quốc hiện chiếm 4,1% trong chỉ số hết sức quan trọng MSCI Emerging Markets Index (thị trường mới nổi) và 0,5% chỉ số MSCI All Countries World Index (toàn thế giới).
Theo tính toán của ông Thomas Taw - Giám đốc chiến lược đầu tư APAC iShares tại BlackRock, về lí thuyết, dòng tiền ngoại vào cổ phiếu hạng A của Trung Quốc tương đương khoảng 6,7 tỉ USD, cao gấp đôi con số hồi tháng 8.
MSCI đã phản đối chỉ trích của một số nhà làm luật Mỹ về việc chỉ số này đã lái dòng tiền đầu tư hàng tỉ USD từ Mỹ chảy vào doanh nghiệp Trung Quốc giữa lúc hai nước đang xảy ra thương chiến ác liệt và nhiều tranh chấp về an ninh cũng như nhân quyền.
Tháng trước, Thượng nghị sĩ Marco Rubio và Jeanne Shaheen đã giới thiệu dự luật nhằm ngăn quĩ hưu trí của viên chức liên bang đầu tư vào cổ phiếu Trung Quốc thông qua chỉ số MSCI.
Ông Marco Rubio đã gửi thư riêng đến ông Michael Kennedy - Chủ tịch Ủy ban đầu tư tiết kiệm hưu trí Liên bang Mỹ (FRTIB), yêu cầu ông thay đổi quyết định đầu tư của mình. Lãnh đạo FRTIB cho biết quyết định đầu tư theo chỉ số MSCI là đúng đắn và cơ quan này sẽ không thay đổi.
Tuy nhiên sau khi quyết định về hệ số bao gồm (inclusion factor) có hiệu lực toàn bộ, MSCI đã nâng tiêu chuẩn khi xem xét cổ phiếu vào chỉ số.
Thứ nhất, MSCI muốn Trung Quốc cải thiện các công cụ rào chắn rủi ro và phái sinh. Theo các nhà phân tích của HSBC, Trung Quốc đã mở rộng danh mục cổ phiếu được phép giao dịch kí quĩ trong năm nay, đồng thời đưa ra thêm sản phẩm hợp đồng quyền chọn chỉ số CSI 300.
Trung Quốc sẽ đồng ý thêm bao nhiêu sản phẩm phái sinh nữa vẫn là một câu hỏi mở, vì nên nhớ rằng công cụ phái sinh bị coi là một trong những "tội đồ" gây ra đợt sụp đổ của thị trường chứng khoán Trung Quốc năm 2015.
Hai điều kiện tiếp theo có liên quan đến việc cải cách liên kết giao dịch giữa Hong Kong với các sàn chứng khoán ở đại lục và cũng khó khăn không kém điều kiện thứ nhất. MSCI muốn nhà đầu tư có thể giao dịch khi thị trường Hong Kong nghỉ lễ nhưng thị trường đại lục vẫn mở cửa.
MSCI còn muốn các cơ quan chức trách cho phép sử dụng tài khoản giao dịch nhiều mục đích (omnibus), tức là tài khoản có thể đặt một lệnh thay cho nhiều khách hàng.
Điều kiện thứ tư thậm chí còn ngặt nghèo hơn khi quá trỉnh cải cách đang diễn ra quá chậm chạp. MSCI muốn các giao dịch được thanh toán bù trừ trong một vài ngày như ở những nơi khác, trong khi đó thị trường đại lục lại thanh toán bù trừ ngay lập tức.
Qui định giao dịch này của Trung Quốc đại lục đang gây khó cho các nhà đầu tư ở Mỹ và châu Âu bởi họ không có công cụ giao dịch theo thời gian thực và hỗ trợ của các bộ phận liên quan do chênh lệch múi giờ với Trung Quốc.
Sàn chứng khoán Hong Kong đang nghiên cứu phương thức thanh toán bù trừ theo công nghệ chuỗi khối (blockchain) có thể giải quyết một số vấn đề nói trên, tuy nhiên phương án này vẫn cần thêm rất nhiều thời gian.
4 yêu cầu thay đổi mà MSCI đưa ra đều rất cần thiết. Cổ phiếu Trung Quốc đại lục biến động rất thất thường, đa phần giao dịch cổ phiếu hạng A là do nhà đầu tư nhỏ lẻ, dẫn tới nguy cơ bán tháo ồ ạt theo tâm lí đám đông khi có tin xấu.
Bloomberg dẫn số liệu của Gavekal Dragonomics cho biết từ năm 2006 đến nay, độ lệch chuẩn tỉ suất sinh lợi của chỉ số vốn hóa lớn CSI 300 là 38%, cao gấp hơn ba lần mức 11,6% của chỉ số S&P 500.