Quĩ đầu tư Mỹ nhất định muốn rót hàng tỉ USD vào cổ phiếu Trung Quốc dù bị thượng nghị sĩ ngăn cản
Hôm 13/11, ông Michael Kennedy - Chủ tịch Ủy ban đầu tư tiết kiệm hưu trí Liên bang Mỹ (FRTIB) cho biết các quĩ đầu tư mô phỏng chỉ số MSCI là "một sự lựa chọn hợp lí", cho thấy Ủy ban này vẫn sẽ rót tiền vào các cổ phiếu thành viên của chỉ số MSCI All Country World ex-US Investable Market Index (viết tắt là ACWI ex-US IMI).
Các cổ phiếu doanh nghiệp Trung Quốc chiếm khoảng 8% chỉ số nói trên. Ủy ban FRTIB hiện quản lí khoảng 578 tỉ USD tiền tiết kiệm của 5,5 triệu người Mỹ và nằm trong nhóm các quĩ hưu trí lớn nhất nước này.
Theo quyết định về thay đổi chính sách đầu tư được thông qua năm 2017, một danh mục trị giá khoảng 50 tỉ USD của Ủy ban FRTIB sẽ chuyển sang mô phỏng biến động chỉ số MSCI ACWI ex-US IMI.
Nếu chính sách đầu tư mới này có hiệu lực, FRTIB sẽ phải mua các cổ phiếu thành viên của ACWI ex-US IMI, trong đó có nhiều cổ phiếu Trung Quốc, để mô phỏng kết quả đầu tư của chỉ số tham chiếu.
Thông điệp hôm 13/11 vừa qua được ông Kennedy viết trong bức thư gửi tới hai Thượng Nghị sĩ Marco Rubio (Đảng Cộng hòa) và Jeanne Shaheen (Đảng Dân chủ).
Vào tháng 8 năm nay, hai nghị sĩ này đã gửi thư tới ông Kennedy, cáo buộc ông và Ủy ban FRTIB đang có ý định hỗ trợ các doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc bằng "đồng lương của các sĩ quan, binh sĩ quân đội và công chức liên bang Mỹ".
Hai nhà lập pháp cho rằng khoảng 50 tỉ USD tiền tiết kiệm của người dân Mỹ sẽ phải hứng chịu những rủi ro "nghiêm trọng và mờ ám" vì bị đem đầu tư vào một số công ty Trung Quốc. Bản sao của lá thư này còn được gửi cho Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo và Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin.
Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa Marco Rubio từng ra tranh cử Tổng thống trong cuộc bầu cử năm 2016. Ảnh: CNBC.
"Ủy ban đầu tư tiết kiệm hưu trí Liên bang phải công khai thay đổi quyết định đầu tư trên ngay lập tức", Thượng nghị sĩ Marco Rubio nói thêm.
Trả lời tờ Financial Times vào tháng 8, ông Rubio nói: "Ủy ban FRTIB đã đưa ra một quyết định thiển cận và ngu ngốc, có tác dụng tài trợ cho chính quyền Trung Quốc, giúp họ làm tổn hại lợi ích kinh tế Mỹ và tiền tiết kiệm hưu trí của binh sĩ cũng như nhiều công chức liên bang khác".
Trong bức thư, hai thượng nghị sĩ Mỹ cho biết chỉ số MSCI ACWI ex-US IMI có chứa cổ phiếu AviChina Industry and Technology (AVIC). Đây là doanh nghiệp đại lục niêm yết tại Hong Kong chịu trách nhiệm phát triển thiết bị và hệ thống vũ khí cho không quân Trung Quốc.
Bức thư còn khẳng định ba doanh nghiệp lớn khác của Trung Quốc cũng góp mặt trong chỉ số là China Mobile, ZTE và Hikvision.
Tháng 5 năm nay, China Mobile từng bị Ủy ban Truyền thông Liên bang (FCC) từ chối cho tham gia thị trường Mỹ do lo ngại an ninh quốc gia. Tháng 4/2018, ZTE cũng bị cấm mua hàng hóa, dịch vụ từ công ty Mỹ trong 7 năm.
Còn Hikvision có trụ sở tại Hàng Châu là một doanh nghiệp nhà nước chuyên bán camera giám sát cho chính phủ Trung Quốc. Tháng 10 vừa qua, Hikvision cùng 27 thực thể Trung Quốc khác cũng bị Mỹ đưa vào danh sách đen về thương mại và không được phép mua hàng hóa, dịch vụ từ Mỹ với cáo buộc vi phạm nhân quyền ở khu tự trị Tân Cương.
Bị cấm đầu tư vào cổ phiếu Trung Quốc là không công bằng?
Trong bức thư hồi tháng 8, hai thượng nghị sĩ Marco Rubio và Jeanne Shaheen cho rằng việc Ủy ban FRTIB đầu tư vào cổ phiếu Trung Quốc sẽ khiến những người nghỉ hưu gửi tiền vào quĩ này gặp phải "bất lợi" so với những người nghỉ hưu khác.
Trong bức thư phúc đáp mới đây, Chủ tịch FRTIB Michael Kennedy cho rằng: "Đầu tư vào các thị trường mới nổi vừa hợp pháp lại vừa là sự lựa chọn phổ biến của các tổ chức được ủy thác trong ngành tài chính cũng như của mỗi cá nhân Mỹ".
Theo ông Kennedy, FRTIB sẽ chỉ từ bỏ chỉ số MSCI nếu Văn phòng Kiểm soát Tài sản Nước ngoài thuộc Bộ Tài chính Mỹ ban hành một "lệnh cấm đầu tư toàn diện" đối với từng quốc gia cụ thể. "Chính sách như vậy sẽ đảm bảo một sân chơi bình đẳng cho tất cả người dân Mỹ đang đầu tư và tiết kiệm để nghỉ hưu", ông Kennedy viết.
Tuy nhiên áp lực đối với FRTIB nhiều khả năng vẫn sẽ rất lớn. Tháng trước, Bộ trưởng Hải quân Mỹ cũng lên tiếng cảnh báo sự nhạy cảm về mặt quân sự khi nhà đầu tư Mỹ tài trợ vốn cho công ty Trung Quốc.
"Thử tưởng tượng một người lính nghỉ hưu sau khi phục vụ cả đời trong quân ngũ và rồi phát hiện ra rằng bao nhiêu tiền tiết kiệm của mình đều được dùng để tài trợ cho các hệ thống vũ khí tiên tiến của địch thủ của nước Mỹ", Bộ trưởng Spencer viết trong một bài xã luận trên tờ Wall Street Journal.
Phản ứng của các thượng nghị sĩ và quan chức chính phủ Mỹ cho thấy cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung không chỉ gói gọn trong vấn đề thương mại mà còn đang lan ra cả các lĩnh vực khác như đầu tư, quân sự, …