|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Một thành viên HĐQT của Sao Ta xin từ nhiệm

21:07 | 15/06/2024
Chia sẻ
Cổ đông lớn C.P Việt Nam đã đề cử một lãnh đạo vào HĐQT của Sao Ta thay thế người từ nhiệm.

Hội đồng quản trị (HĐQT) CTCP Thực phẩm Sao Ta (Mã: FMC) đã công bố nghị quyết thông qua việc chấp nhận đơn xin từ nhiệm vị trí thành viên HĐQT đối với ông Adisak Torsakul từ ngày 1/6. Ông Adisak Torsakul xin rút khỏi HĐQT vì lý do cá nhân. Ông chính thức tham gia HĐQT của Sao Ta từ 15/4/2022.

Đồng thời, HĐQT thông qua việc bổ sung thành viên HĐQT thay thế theo công văn của CTCP C.P Việt Nam là đề cử ông Boonlap Watcharawanitchakul (sinh năm 1972).

Trước khi làm thành viên HĐQT của Sao Ta, ông Boonlap Watcharawanitchakul là Phó Tổng Giám đốc 
Phụ trách ngành kinh doanh thuỷ sản của C.P Việt Nam.

Việc thay đổi nhân sự nêu trên sẽ được trình tại Đại hội đồng cổ đông gần nhất.

HĐQT của Sao Ta hiện gồm 6 người là: Ông Hồ Quốc Lực - Chủ tịch HĐQT, bà Nguyễn Thị Trà My - Phó Chủ tịch HĐQT cùng 4 thành viên gồm ông Phạm Hoàng Việt, ông Tô Minh Chẳng, ông Nguyễn Văn Khải và ông Boonlap Watcharawanitchakul vừa được đề cử. Trong đó, có hai thành viên HĐQT độc lập. 

Hiện CTCP Tập đoàn PAN (Mã: PAN) đang là cổ đông lớn nhất sở hữu 37,75% vốn của Sao Ta. Cổ đông lớn thứ hai là C.P Việt Nam với 24,9%. Tiếp đó là CTCP Xuất nhập khẩu Thuỷ sản Bến Tre (Mã: ABT) - công ty con của PAN, nắm 12,37% vốn tại đây. C.P Việt Nam bắt đầu làm cổ đông lớn của Sao Ta vào cuối năm 2021.

Với nội dung hợp tác trong phát triển chuỗi giá trị thuỷ sản bền vững, Tập đoàn PAN cùng công ty thành viên cam kết trong chuyển giao, chia sẻ kinh nghiệm, quy trình nuôi và chế biến tôm; ưu tiên sử dụng con giống, thức ăn, chế phẩm nuôi tôm của C.P Việt Nam.

Trái lại, với thế mạnh về sản xuất tôm giống và thức ăn cho tôm, C.P Việt Nam cam kết hỗ trợ kịp thời và đầy đủ các nguồn vật tư nuôi tôm như con giống, thức ăn, chế phẩm nuôi tôm… cho vùng nuôi của các công ty thành viên Tập đoàn PAN.

Chia sẻ ở báo cáo thường niên 2023, Sao Ta cho biết khả năng tự chủ nguồn nguyên liệu là một vấn đề nhức nhối mà nhiều doanh nghiệp thủy sản phải đối mặt, đặc biệt là trong lĩnh vực nuôi trồng tôm.

Nhờ chính sách liên kết với C.P Việt Nam, công ty thông tin đã đảm bảo sản lượng và chất lượng tôm giống và thức ăn chăn nuôi tại các vùng nuôi của công ty. Tuy vậy, khoảng 70% tôm nguyên liệu đầu vào cho quá trình chế biến vẫn phải thu mua phụ thuộc vào thị trường. 

Do hạn chế về kỹ thuật nuôi trồng cùng với con giống, thức ăn chưa tự chủ, môi trường nuôi chưa được hiệu quả, tỷ lệ nuôi thành công của các hộ nuôi trồng còn rất thấp, trung bình đạt 35%, dẫn đến không đảm bảo về sản lượng và chất lượng đầu vào cho Sao Ta.

HK