|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Một tập đoàn Đài Loan nhận thấy cơ hội nghìn năm có một trong thương chiến Mỹ - Trung

16:17 | 05/12/2019
Chia sẻ
Khi các nhà sản xuất thiết bị điện tử đua nhau rút khỏi Trung Quốc để né cuộc chiến thương mại, Tập đoàn New Kinpo của Đài Loan bỗng nhận thấy cơ hội tuyệt vời từ làn sóng này, Nikkei Asian Review đưa tin.
https---s3-ap-northeast-1

Nguồn: Nikkei Asian Review.

Được biết đến như nhà cung cấp cho công ty máy hút bụi Dyson Ltd và công ty máy in HP, Tập đoàn Đài Loan này cho hay, không những không làm gián đoạn hoạt động kinh doanh, cuộc chiến thương mại giữa Mỹ - Trung còn là cơ hội "một lần trong đời".

Trong nguy có cơ

"Cuộc chiến thương mại đã cho chúng tôi một cơ hội hiếm có để liên kết với các công ty quốc tế lớn mà chúng tôi không thể tiếp cận được trong quá khứ", Simon Shen, CEO của New Kinpo, nói. "Nếu không xảy ra sự chấn động lớn như thế này, chúng tôi còn lâu mới bắt được cơ hội tuyệt vời đến thế này".

Cảm thấy phấn khích về các khách hàng mới của năm nay, bao gồm một nhà sản xuất máy tính xách tay thuộc top 5 thế giới, ông Shen cho biết Kinpo đã xây dựng trước hai cơ sở mới ở Mahachai và Pethaburi ở Thái Lan, cũng như thâu tóm 500.000 m2 đất nhằm mục đích xây dựng thêm hai nhà máy vào năm tới.

Kinpo cũng đang lên kế hoạch nâng tổng năng lực sản xuất tại hai cơ sở ở tỉnh Batangas tại Philippines thêm 50%/năm trong hai năm tới. 

Trung tâm sản xuất của công ty tại Thái Lan hiện chiếm 60% tổng công suất sản xuất, còn Philippines đóng góp 20% và các hoạt động tại Trung Quốc của công ty góp thêm 20%.

Được thành lập vào năm 1973, một năm trước khi nhà sản xuất điện tử theo hợp đồng lớn nhất thế giới Foxconn ra đời, Kinpo vẫn chưa thể đạt được sự tăng trưởng vượt bậc như các công ty đối thủ, bao gồm cả Pegatron, Quanta Computer và nhà cung ứng thiết bị cho Apple - Compal Electronics.

Mặc dù lợi nhuận của Kinpo tăng 44% trong năm 2018 lên 550 triệu tân đài tệ (tương đương 16,2 triệu USD), nhưng vẫn còn khá bèo bọt so với Foxconn. 

Cụ thể, Foxconn ghi nhận lợi nhuận 129 tỉ tân đài tệ trong năm ngoái, Quanta Computer đã kiếm được lợi nhuận 15 tỉ tân đài tệ, với Compal Electronics có lợi nhuận hơn 9 tỉ tân đài tệ và Pegatron với 11 tỉ tân đài tệ.

Shen thừa nhận việc giành được các hợp đồng cung cấp mới là điều không hề dễ dàng.

Ông cho biết Kinpo lúc đầu đang đàm phán với 10 khách hàng tiềm năng, từ các nhà sản xuất máy tính xách tay và máy chơi game cho đến các nhà sản xuất thiết bị nhà thông minh - vốn đang muốn đa dạng hóa chuỗi cung ứng ra bên ngoài Trung Quốc khi thương chiến Mỹ - Trung tiếp tục leo thang.

https---s3-ap-northeast-1

Nguồn: Nikkei Asian Review.

"Nhiều khách hàng đã dành ra 9 tháng hoặc thậm chí lâu hơn để cân nhắc về tiến trình dễ thay đổi của cuộc đàm phán thương mại và theo dõi thái độ của Tổng thống Mỹ Donald Trump", Shen nói. 

"Xét cho cùng, ba công ty quyết định triển khai kế hoạch di chuyển hoạt động, vì thực tế không thể chối cãi là chi phí sản xuất ở Trung Quốc đang tăng lên".

Kinpo sẽ bắt đầu sản xuất và vận chuyển các sản phẩm của khách hàng mới từ các cơ sở mới được xây dựng ở Thái Lan từ quí I/2020.

"Khi chúng tôi nhận được đơn đặt hàng mới, điều đó có nghĩa là một số công ty cạnh tranh hiện tại đã đánh mất đơn đặt hàng này", Shen nói.

Hái quả ngọt với quyết định liều lĩnh

Nhờ rời khỏi Trung Quốc từ một thập kỷ trước trong khi các nhà cung cấp khác lại tăng cường hoạt động tại Trung Quốc, Shen cho biết quyết định đầu tư vào Đông Nam Á (nơi có chi phí lao động vẫn thấp hơn nhiều) của Kinpo, đã bắt đầu được tưởng thưởng xứng đáng.

Trước khi chính quyền Trump khởi đầu áp thuế quan đầu tiên lên 34 tỉ USD hàng hóa Trung Quốc vào tháng 7/2018, ít người tin rằng cuộc chiến này sẽ leo thang thành cuộc chiến thương mại toàn diện và gây chấn động đến nền kinh tế thế giới.

Mặc dù Bắc Kinh và Washington dường như tiến gần hơn đến việc kí kết thỏa thuận giai đoạn 1 nhằm giải quyết một phần xung đột về thương mại, nhiều công ty công nghệ đã âm thầm chuyển một phần hoạt động sản xuất ra khỏi Trung Quốc.

Các công ty Mỹ bao gồm Google, Facebook, Microsoft, HP và Dell đã yêu cầu các nhà cung cấp xem xét mở rộng sản xuất ở các quốc gia bao gồm Việt Nam, Thái Lan, Philippines và Đài Loan, Nikkei Asian Review đã ghi nhận trước đó.

Apple đã yêu cầu Luxshare Precision Industry và Goertek tăng cường sản xuất AirPods tại Việt Nam và họ cũng bắt đầu xuất khẩu iPhone sản xuất tại Ấn Độ.

Screen Shot 2019-12-05 at 11

Nguồn: Nikkei Asian Review. (Lâm Thiên việt hóa).

Dù rằng cuộc chiến thương mại đã mang đến cơ hội cho các công ty như Kinpo, nhưng họ cũng phải đối mặt với những thách thức như phải tìm hiểu về các sản phẩm mới, cũng như đáp ứng các tiêu chuẩn sản xuất chặt chẽ hơn.

Các nhà cung cấp đối thủ cũng đang bắt đầu đẩy nhanh hoạt động bên ngoài Trung Quốc. Pegatron đã khai trương cơ sở tại Indonesia, vốn đã đi vào hoạt động trong năm nay và công ty gần đây đã thuê một nhà máy tại Việt Nam, nhiều nguồn tin nói với Nikkei Asian Review. 

Quanta đã mua một nhà máy ở Thái Lan và đang trong quá trình chuẩn bị dây chuyền sản xuất. Foxconn cũng tăng đầu tư vào Việt Nam, Đài Loan và Ấn Độ.

"Những thách thức chính đối với các nhà cung cấp công nghệ - vốn đang bước vào khu vực Đông Nam Á - là chưa có khu vực phát triển cho các nhà cung cấp", Jessica Hsu, nhà phân tích công nghiệp cấp cao tại Market Intelligence & Consulting Institute, nói với Nikkei

"Vì vậy, họ sẽ phải đối mặt với chi phí dịch chuyển hoạt động sản xuất, cũng như thời gian cần thiết để tăng hiệu quả sản xuất".

Khi quá nhiều nhà sản xuất công nghệ đổ xô vào Đông Nam Á cùng một lúc, Hsu cho biết việc cơ sở hạ tầng của khu vực này có sẵn sàng để chào đón họ hay chưa cũng là một thách thức. 

"Điện, nước, nguồn lao động là những bài kiểm tra mà họ phải trải qua. Đó là chưa đề cập đến rào cản ngôn ngữ và sự khác biệt văn hóa", cô nói.

Lâm Thiên