Một ngành công nghiệp triệu USD đang được tạo ra nhờ YouTube
Đầu năm 2021, Farbod Mansorian tạm thời chuyển từ nhà ở Los Angeles đến Greenville, North Carolina để giới thiệu cho một trong những YouTuber nổi tiếng nhất thế giới về một ý tưởng: Chuyển đổi nội dung của anh sang tiếng Tây Ban Nha.
Jimmy Donaldson, được biết đến trên YouTube với cái tên MrBeast, điều hành kênh YouTube lớn thứ 5 thế giới, với hơn 130 triệu người đăng ký. Tất cả nội dung trên kênh YouTube của anh đều bằng tiếng Anh. Mục tiêu của Mansorian đối với MrBeast là mở rộng nội dung ra ngoài tiếng Anh thông qua hình thức lồng tiếng.
Giờ đây, dường như Mansorian đã đạt được thành công. Công ty của Mansorian, Unilingo, đã đưa MrBeast vào danh sách của mình vài tuần sau đó. Ngoài ra, họ cũng có các thỏa thuận tương tự với các kênh lớn như Dude Perfect, PewDiePie và Jubilee.
Unilingo thậm chí đã lấn sân sang cả TikTok. Mansorian ước tính Unilingo đã tạo ra gần 10 triệu USD cho những người sáng tạo bằng cách phát hành lại nội dung của họ, được lồng tiếng và lưu hành bằng các ngôn ngữ khác.
Theo YouTube, có tới 2/3 tổng thời gian xem kênh của một người sáng tạo nội dung đến từ bên ngoài lãnh thổ đất nước của họ. Đối với Mansorian, cơ hội kinh doanh là rất rõ ràng. “Nếu bạn lấy 10.000 video hàng đầu trên YouTube tính theo hiệu suất và lồng tiếng cho chúng bằng hơn 20 ngôn ngữ, bạn có thể dễ dàng đạt được cả vài trăm tỷ lượt xem trên toàn cầu mỗi năm”, anh chia sẻ với Rest of World.
Sự phát triển của ngành lồng tiếng trên YouTube
Mansorian và công ty của mình dẫn đầu một ngành công nghiệp lồng tiếng trên mạng xã hội đang phát triển tập trung hoàn toàn vào người sáng tạo nội dung. Tại Ấn Độ, YouTuber Harsha Sai đã có thêm 12 triệu người đăng ký bằng cách lồng tiếng cho các video từ tiếng Telugu bản địa bằng tiếng Tamil và tiếng Hindi.
Các kênh YouTube có trụ sở chính ở Nhật Bản như Pokémon Asia Official (Tiếng Hindi) và Pokémon Indonesia đã thu hút 15 triệu người đăng ký bằng cách tải lên các tập phim được lồng tiếng bằng tiếng Hindi và tiếng Bahasa Indonesia.
“Chúng tôi mới bắt đầu làm điều này cách đây 6 tháng và thật điên rồ khi thấy một số video đã lan truyền với tốc độ chóng mặt”, MrBeast nói trên một podcast vào tháng 3/2022, mô tả về kênh tiếng Tây Ban Nha của anh có tên là MrBeast en Español. Kênh này hiện có 23 triệu người đăng ký, với các video phổ biến nhất của nó đạt gần 100 triệu lượt xem.
Đối với MrBeast en Español, Mansorian đã thuê một trong những diễn viên lồng tiếng đã thực hiện việc lồng tiếng tiếng Tây Ban Nha cho phim Spider-Man. Unilingo cũng đã ký hợp đồng với Junko Takeuchi, người lồng tiếng cho nhân vật chính trong bộ anime Naruto, là người lồng tiếng Nhật cho MrBeast.
Một trong những YouTuber sớm nhất tạo nội dung lồng tiếng trên nền tảng này là Derek Muller. Anh điều hành một kênh nổi tiếng tập trung vào khoa học có tên Veritasium với hơn 13 triệu người theo dõi. Vào năm 2018, Muller đã thuê Unilingo lồng tiếng cho các video tiếng Anh của mình bằng tiếng Tây Ban Nha và ra mắt Veritasium en español, tách biệt với kênh chính.
Trong 5 năm kể từ đó, kênh tiếng Tây Ban Nha của Veritasium đã mang lại cho Muller doanh thu hơn 50.000 USD và đạt được hơn 200 triệu lượt xem. Unilingo hiện xử lý các hoạt động lồng tiếng và nội dung cho Veritasium bằng 7 ngôn ngữ khác nhau.
Mặt lợi và hại của việc lồng tiếng video
YouTube đã và đang phát triển các hệ thống hỗ trợ nội dung đa ngôn ngữ trong nhiều năm. Vào năm 2021, Google đã bắt đầu thử nghiệm một tính năng có tên là “audio tracks”, cho phép người xem chọn giữa nhiều tùy chọn lồng tiếng trên một video.
MrBeast là một phần của các thử nghiệm ban đầu bằng tiếng Tây Ban Nha và quá trình thử nghiệm đã dần được mở rộng. Tuần trước, YouTube thông báo rằng họ sẽ cung cấp tính năng này cho tất cả những người sáng tạo nội dung.
Hiện tại, nhiều người sáng tạo nội dung trên YouTube thường tải lên một video riêng — trên các kênh lồng tiếng chuyên dụng — cho mọi tùy chọn ngôn ngữ âm thanh. Việc phát hành rộng rãi các bản âm thanh có khả năng thay đổi tiền lệ này, mặc dù nhiều người vẫn có thể chọn lợi dụng các thuật toán đề xuất của YouTube bằng cách phát hành các bản lồng tiếng riêng lẻ.
Một số người sáng tạo nội dung nổi tiếng có thể bị nhiều người khác “lồng tiếng trái phép” khi họ không chấp nhận dịch hoặc lồng tiếng các video sang ngôn ngữ khác. Các bản dịch trái phép, được gọi là "fandub", thường được chia sẻ bằng ngôn ngữ địa phương mà người sáng tạo ban đầu không hề hay biết hoặc không tham gia.
Một trong những nhiệm vụ của Unilingo chính là thanh trừng những “bản lồng tiếng vi phạm bản quyền” này, đôi khi được tạo ra để kiếm tiền từ nội dung của các YouTuber bằng quảng cáo trên YouTube hay bán hàng hóa. Trước khi ra mắt kênh PewDiePie en Español, Mansorian đã đóng cửa một kênh fandub với 100.000 người đăng ký bằng cách gửi yêu cầu xóa bản quyền tới YouTube.
Fandub có thể vi phạm bản quyền khi được tạo ra vì mục đích kiếm lợi nhuận thay vì chỉ để giải trí. Tuy nhiên, fandubbing cũng có thể hoạt động như một chiến lược bản địa hóa không chính thức. Seryun Lee, giáo sư nghiên cứu chuyên về dịch thuật tại Đại học Ngoại ngữ Hankuk, nói với Rest of World: “Sự phổ biến của việc lồng tiếng dường như phản ánh nhu cầu của khán giả đối với việc lồng tiếng cho nội dung trên YouTube”.
Ông Lee chỉ ra rằng fandub không phải là không có lợi cho những người dùng YouTube nổi tiếng. Ngoài việc chứng minh nhu cầu về các ngôn ngữ khác nhau, một số người trong ngành giải trí thậm chí còn khuyến khích fandub để tận dụng sức lao động miễn phí.
Cơ hội mới
Thị trường dịch vụ dịch thuật đang phát triển nhanh chóng. Theo một ước tính, thị trường này có thể đạt 47,21 tỷ USD vào năm 2030, do nhu cầu mới từ các dịch vụ phát trực tuyến tăng cao. Tuy nhiên, các nhà cung cấp dịch vụ ngôn ngữ (LSP) vẫn đang phải vật lộn để theo kịp các đơn đặt hàng và giữ chân các dịch giả tài năng do tiền lương giảm.
Mansorian coi đây là cơ hội có thể nắm bắt. Chẳng hạn, Netflix cung cấp dịch vụ dịch thuật và lồng tiếng có giá 90 USD/15 phút nội dung. Tong khi đó, Mansorian cho biết: “Chúng tôi đang giảm giá lồng tiếng cho người sáng tạo nội dung”.
Trong khi đó, các nghệ sĩ lồng tiếng độc lập như Barath Raj cũng đang tận dụng cơ hội kiếm tiền từ việc lồng tiếng cho người dùng YouTube. Raj bắt đầu sự nghiệp của mình với tư cách là một nhà báo. Trong vài năm qua, anh đã lồng tiếng cho sách nói và sản xuất các chương trình âm thanh để thâm nhập vào ngành công nghiệp podcasting. Anh hiện là người lồng tiếng cho Anbudan Ashish Vidyarthi, kênh được lồng tiếng Tamil của YouTuber và diễn viên nổi tiếng Ashish Vidyarthi.
Các video được lồng tiếng được tải lên kênh chính của một người sáng tạo nổi tiếng hiếm khi thành công vì hầu hết người đăng ký đã xem video gốc. Ngoài ra, thuật toán của YouTube hiếm khi đề xuất nội dung vượt qua rào cản ngôn ngữ nên nhiều người sáng tạo không nhận thấy giá trị của việc đặt phụ đề.
“Để tiếp cận được nhiều khán giả hơn trên toàn cầu, tôi cảm thấy việc chỉ đặt phụ đề hoàn toàn không hiệu quả”, YouTuber người Telugu Harsha Sai chia sẻ với Rest of World.
Sai, người mới bắt đầu hoạt động vào cuối năm 2020, là một trong số ít YouTuber Ấn Độ đã lồng tiếng cho nội dung bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau tại Ấn Độ. Để tiếp cận khán giả nói tiếng Tamil và Hindi, anh đã tung ra hai kênh lồng tiếng riêng biệt.
Anh cũng thuê một người bạn điều hành một studio lồng tiếng để lồng tiếng cho các video. Ngày nay, tổng số lượng người đăng ký các kênh được lồng tiếng Tamil và Hindi của Sai là hơn 12 triệu, thậm chí còn lớn hơn so với kênh chính bằng tiếng Telugu có 8 triệu người đăng ký.