|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Một giao dịch khổng lồ của JPMorgan sắp làm xáo trộn toàn thị trường chứng khoán Mỹ?

13:56 | 29/06/2022
Chia sẻ
Giới phân tích cho biết việc thiết lập lại vị thế quyền chọn của quỹ JPMorgan Hedged Equity Fund đã làm xáo trộn thị trường chứng khoán Mỹ trong những giờ giao dịch cuối cùng của quý trước. Hành động tương tự vào ngày mai có khả năng sẽ một lần nữa làm lay chuyển thị trường.

Trụ sở của JPMorgan Chase tại New York. (Ảnh: EPA). 

Quỹ JPMorgan Hedged Equity Fund là gì?

Quỹ JPMorgan Hedged Equity Fund nắm giữ một rổ các cổ phiếu thuộc S&P 500 cùng với các quyền chọn gắn với chỉ số này và được điều chỉnh lại mỗi quý một lần. Tính đến ngày 27/6, quy mô của quỹ vào khoảng 16,7 tỷ USD. Mục tiêu của quỹ là kiếm lời cho nhà đầu tư khi thị trường đi lên, đồng thời hạn chế thiệt hại khi chứng khoán đi xuống.

Tính từ đầu năm đến ngày 27/6, giá chứng chỉ quỹ đã mất 9,6%, nhưng vẫn còn “nhẹ nhàng” hơn nhiều mức giảm 17,6% của chỉ số S&P Total Return, theo Reuters

Tổng tài sản của quỹ đã phình to trong những năm gần đây. Nhiều nhà đầu tư mong muốn được bảo vệ khỏi những biến động dữ dội từng làm rung chuyển thị trường sau khi đại dịch COVID-19 bùng phát hồi tháng 3/2020.

Danh mục của quỹ bao gồm một số cổ phiếu lớn nhất thị trường, ví dụ như cổ phiếu Apple, Microsoft và Amazon.

Quỹ sử dụng quyền chọn như thế nào?

Quỹ JPMorgan Hedged Equity Fund sử dụng chiến lược quyền chọn phức tạp, bao gồm mua các quyền chọn bán sẽ sinh lời nếu chỉ số S&P 500 giảm từ 5% trở lên so với đầu quý. Để hạn chế phí tổn từ những giao dịch này, quỹ cũng bán quyền chọn bán sẽ kiếm được tiền nếu chỉ số S&P 500 lao dốc hơn 20%.

Bên cạnh đó, quỹ cũng bán quyền chọn mua sẽ tạo ra lợi nhuận nếu S&P 500 tăng cao hơn phạm vi 3,5-5,5%, nhằm giúp tài trợ cho các giao dịch phòng hộ trên.

Tóm lại, quỹ được cấu trúc sao cho nhà đầu tư được bảo vệ nếu chứng khoán Mỹ giảm từ 5 đến 20%, và được lời nếu thị trường tăng trong phạm vi 3,5-5,5%.

Hồi tháng 3, việc thiết lập lại các vị thế này đã tác động đến khoảng 130.000 hợp đồng tương lai chỉ số S&P 500, trị giá khoảng 20 tỷ USD.

Thị trường bị tác động như thế nào?

Các nhà giao dịch quyền chọn - thường là những tổ chức tài chính lớn muốn giao dịch diễn ra nhưng nhắm đến vị thế trung lập trên thị trường - là người “bắt kèo” ngược lại với các động thái quyền chọn của quỹ JPMorganHedged Equity Fund.

Để giảm thiểu rủi ro, các nhà giao dịch quyền chọn thường mua hoặc bán hợp đồng tương lai chứng khoán, tùy theo hướng đi của thị trường. Các giao dịch kiểu này có khả năng tác động đến toàn bộ thị trường, đặc biệt là khi có quy mô lớn như trường hợp liên quan tới quỹ JPMorgan.

Trong giờ giao dịch cuối cùng ngày 31/3, chỉ số S&P 500 giảm 1,2% dù thị trường không đón nhận thông tin quan trọng nào. Một số nhà phân tích cho rằng nguyên nhân là các dòng phòng vệ quyền chọn.

Tới ngày 30/6, các vị thế trong quỹ JPMorgan sẽ được thiết lập lại lần nữa. Giới đầu tư nói rằng việc quỹ này chuyển các vị thế quyền chọn sang tháng đáo hạn xa hơn (roll over) và nhà giao dịch quyền chọn mua bán hợp đồng tương lai để phòng vệ cho bản thân có thể khuếch đại biến động của thị trường.

Nhưng điều này không có nghĩa là thị trường sẽ bình yên trở lại sau khi giao dịch của JPMorgan kết thúc. Ông Charlie McElligott, chuyên gia chứng khoán phái sinh của Nomura tin rằng chứng khoán Mỹ rất có thể sẽ phải nếm trải thêm biến động và suy yếu hơn nữa trong nửa cuối năm 2022.  

Giang

Vì sao số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường tăng cao trong khi các chỉ số vĩ mô tích cực?
Trong năm 2024, dù hầu hết chỉ số kinh tế vĩ mô đều tích cực nhưng số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường vẫn tăng cao. Điều này cho thấy, tính bền vững trong phục hồi của doanh nghiệp vẫn còn yếu và cần có dư địa chính sách hỗ trợ tốt hơn cho sự phục hồi này.