|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Một đất nước nhỏ bé đang hốt bạc giữa lúc châu Âu cuống cuồng tìm nguồn khí đốt mới

20:28 | 01/05/2022
Chia sẻ
Trong cuộc săn lùng khí đốt để thay thế nguồn cung của Nga, châu Âu có lẽ đã tìm thấy một người bạn mới: Qatar, một quốc gia Trung Đông nhỏ bé nhưng giàu khí đốt tự nhiên.

Trước khi quân đội của Tổng thống Vladimir Putin tấn công vào Ukraine, các nước châu Âu vẫn được hưởng dòng chảy khí đốt ổn định và tương đối lớn của Nga. Năm 2021, 40% lượng khí đốt tự nhiên của Liên minh châu Âu (EU) đến từ Nga.

Tuy nhiên, cuộc chiến giữa hai nước Liên Xô cũ đã khiến mối quan hệ mua bán giữa Nga và EU ngày càng khó hàn gắn. Giờ đây, châu Âu đang phải chật vật để tìm kiếm các nhà cung ứng mới.

Gần đây, căng thẳng giữa khối kinh tế chung và Moscow càng leo thang sau khi gã khổng lồ năng lượng Gazprom của Nga cắt đứt nguồn cung khí đốt của hai nước EU là Ba Lan và Bulgaria. Nguyên nhân là vì hai nước này không thanh toán hợp đồng bằng đồng ruble như yêu cầu của Nga.

Sắp tới, vấn đề nguồn cung năng lượng của EU sẽ càng thêm nóng, khi hạn thanh toán hợp đồng của nhiều nước sẽ đến trong tháng 5 và khối vẫn chưa đưa ra một đối sách cụ thể cho cuộc khủng hoảng.

Dù vậy, EU đã bắt đầu ký kết các thỏa thuận dài hạn để tăng nhập khẩu khí đốt từ Mỹ. Tuy nhiên, lượng khí đốt mà Mỹ cung ứng có thể không đủ để bù đắp cho sự mất mát nguồn cung từ Nga.

Ngay thời điểm hiện tại nổi lên một mắt xích khác: Qatar - nước xuất khẩu khí đốt tự nhiên lớn thứ 6 thế giới vào năm 2020. Đất nước nhỏ bé này gần đây đã đầu tư mạnh tay để tăng sản lượng khí đốt tự nhiên và hạ tầng, đồng thời sẵn sàng tận dụng nhu cầu năng lượng ngày càng lớn của EU.

(Ảnh minh họa: Getty Images).

Một tay chơi lớn mà EU có thể dựa dẫm

Cụ thể, trong nỗ lực loại bỏ khí đốt tự nhiên của Nga, châu Âu đang cố gắng tăng nhập khẩu khí LNG từ các nhà sản xuất khác, bao gồm Qatar. LNG là một dạng khí đốt hóa lỏng, tuy đắt hơn khí tự nhiên thông thường nhưng dễ dàng vận chuyển bằng tàu thuyền.

Xét về khí hóa lỏng LNG, Qatar là nhà xuất khẩu lớn nhất vào năm ngoái và quốc gia Trung Đông này đang có tham vọng phát triển hoạt động kinh doanh hơn nữa, theo Fortune.

Năm 2019, Qatar đã công bố kế hoạch tăng xuất khẩu LNG lên 64% vào năm 2027. Tháng này, công ty xăng dầu nhà nước lớn nhất của Qatar đã đạt được thỏa thuận mở rộng khai thác tại North Field - một trong những mỏ khí đốt tự nhiên lớn nhất thế giới.

Động thái trên sẽ cho phép Qatar nâng công suất khai thác LNG lên 110 triệu tấn/năm, từ mức 77 triệu tấn hồi năm 2021.

Các nước châu Âu đã đề nghị mua thêm LNG từ Qatar từ tháng 2 năm nay, ngay trước khi chiến sự giữa Nga và Ukraine nổ ra. Đức - quốc gia châu Âu phụ thuộc nhiều nhất vào khí đốt của Nga, là một trong số đó.

Một đường ống dẫn khí đốt mới của châu Âu sẽ mở ở biên giới giữa Hy Lạp và Bulgaria mùa hè này, qua đó giúp các chuyến hàng LNG của Qatar dễ dàng đến lục địa già hơn, Fortune thông tin.

Kế hoạch mở rộng việc sản xuất khí đốt của Qatar diễn ra trong bối cảnh nước này đang cố gắng cạnh tranh với các đối thủ lớn như Mỹ và Australia. Khoản đầu tư của Qatar đến ngay tại thời điểm thuận lợi, khi nhu cầu LNG bắt đầu tăng đột biến trên toàn cầu.

Ganh đua để mua khí đốt

Châu Âu rõ ràng rất cần khí đốt của Qatar, nhưng nhu cầu cũng đang tăng lên ở những nơi khác. Gần 80% lượng LNG xuất khẩu hiện tại của Qatar được vận chuyển sang châu Á, trong đó Hàn Quốc, Ấn Độ, Trung Quốc và Nhật Bản là những người mua lớn nhất.

Động thái tăng công suất của Qatar được thúc đẩy phần nào bởi thực tế là đất nước Trung Đông này đang tham vọng duy trì khả năng cạnh tranh với các sản phẩm LNG của Australia tại thị trường châu Á, trong bối cảnh nhu cầu tại đây đang đi lên.

Năm ngoái, Trung Quốc đã trở thành nhà nhập khẩu LNG lớn nhất thế giới khi ký thỏa thuận 15 năm với Qatar để mua 3,5 triệu tấn LNG/năm. Lô hàng khí đốt đầu tiên của Qatar đã đến Trung Quốc vào đầu tháng này.

Thị trường LNG toàn cầu được dự đoán sẽ đạt quy mô hơn 66 tỷ USD vào năm 2027. Giữa bối cảnh năng lực sản xuất được mở rộng, nhu cầu của châu Á ngày càng lớn và châu Âu thiếu hụt năng lượng trầm trọng, Qatar có thể hốt bác trong những năm tới.

Yên Khê