|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Một công ty lãi hàng trăm tỷ đồng trong 3 tháng nhờ lướt sóng cổ phiếu của các 'anh em' thuộc Tân Hoàng Minh

16:29 | 07/04/2022
Chia sẻ
Nhờ mua đi bán lại cổ phiếu trong hệ sinh thái của Tân Hoàng Minh và hưởng được thêm hơn 250 tỷ đồng cổ tức , Tổng Bách Hóa đã lãi gần 500 tỷ đồng từ hoạt động tài chính, trong khi việc kinh doanh chính có dấu hiệu đi xuống và thua lỗ trong thời gian dài.

Trong báo cáo tài chính đã kiểm toán năm 2021 của CTCP Tổng Bách Hóa (Mã: TBH), Công ty TNHH Kiểm toán và Kế toán Hà Nội - Chi nhánh Sài Gòn đã nhấn mạnh về khoản doanh thu tài chính tăng 791 tỷ đồng so với con số gần 7 triệu đồng của năm trước, trong khi chi phí tài chính giảm mạnh 97% về còn 1,4 tỷ đồng.

Theo thuyết minh, số tiền thu về chủ yếu có được từ cổ tức (257 tỷ đồng) và hơn 495 tỷ đồng lợi nhuận từ bán vốn, trong khi năm trước không có hoặc không ghi nhận.

Cụ thể hơn, vào tháng 7/2021, TBH đã mua lại gần 33,84 triệu cổ phiếu của CTCP Đầu tư Bất động sản Ngọc Viễn Đông từ hai cá nhân là bà Phùng Thị Mai và bà Lê Hồng Trang với giá 10.000 đồng/cp. Sau đó đến cuối tháng 10/2021, TBH bán lại số cổ phiếu này cho hai nhà đầu tư là Trần Thị Hà và Lưu Hoàng Anh với giá 22.000 đồng/cp. Như vậy ước tính, TBH thu về gần 745 tỷ đồng, lãi hơn 405 tỷ đồng từ trading cổ phiếu của Ngọc Viễn Đông.

Không những thế, TBH cũng làm điều tương tự khi mua hơn 20,58 triệu cổ phiếu của CTCP Cung Điện Mùa Đông với giá 18.165 đồng/cp rồi sau đó sang nhượng với giá cao hơn là 22.489 tỷ đồng/cp. Tổng số lãi gần 90 tỷ đồng.

Như vậy tổng số tiền mà TBH có được từ hoạt động chuyển nhượng vốn là 495 tỷ đồng.

Chưa kể trong năm, TBH còn nhận được tiền cổ tức 12.511 đồng/cp từ Cung Điện Mùa Đông, tương ứng số tiền hơn 257 tỷ đồng cổ tức.

Đáng chú ý, hai cái tên Cung Điện Mùa Đông và Ngọc Viễn Đông đều có liên quan đến Tập đoàn Tân Hoàng Minh - tập đoàn bất động sản có Chủ tịch Đỗ Anh Dũng bị bắt và bị khởi tố với cáo buộc lừa đảo chiếm đoạt tài sản đang gây bão thời gian qua. Chưa kể đến CTCP Đầu tư Xây dựng Phú Thanh, đơn vị sở hữu 96,65% vốn điều lệ của TBH cũng thuộc Tân Hoàng Minh.

  Nguồn: Báo cáo tài chính đã kiểm toán năm 2021 của TBH.

 Nguồn: Báo cáo tài chính đã kiểm toán năm 2021 của TBH.

Nói thêm về TBH, đây là công ty thành lập năm 2004 chuyên về kinh doanh thương mại và kinh doanh bất động sản với số vốn điều lệ hiện hơn 931 tỷ đồng.

Những năm gần đây, doanh thu của công ty này thụt lùi theo từng năm và loanh quanh dưới 30 tỷ đồng. Năm 2021, công ty này chỉ ghi nhận doanh thu chính là từ cung cấp dịch vụ đạt 4,51 tỷ đồng, giảm gần 80% so với năm 2020. Công ty lỗ gộp hơn 2 tỷ đồng, so với số lãi gộp 12 tỷ đồng cùng kỳ.

Nhờ hoạt động tài chính đột biến như đã nói ở trên cộng với chi phí lãi vay giảm từ 1.340 tỷ đồng của năm 2020 về 248 tỷ đồng nên cả năm TBH lãi sau thuế lên tới 709 tỷ, so với số lỗ hơn 40 tỷ đồng của năm 2020. Số lãi đột biến này đã kéo công ty từ thua lỗ lũy kế gần 500 tỷ đồng sang lãi lũy kế 257 tỷ.

 Nguồn: Tổng hợp từ báo cáo tài chính đã kiểm toán của TBH.

Về tình hình tài chính, tổng tài sản của TBH tăng thêm 500 tỷ so với đầu năm lên hơn 1.440 tỷ đồng, trong đó hết 1.300 tỷ là khoản phải thu ngắn và dài hạn, chủ yếu từ CTCP Đầu tư Bất động sản V.H - tổng thầu thi công dự án Khu nhà ở số 486 Ngọc Hồi, Văn Điển, Thanh Trì, Hà Nội. Còn lượng tiền nhàn rỗi có chưa tới 2 tỷ đồng, trong khi đầu năm gần 200 tỷ.

Ở phía nguồn vốn, công ty chỉ đi vay ngắn hạn với số tiền gần 4 tỷ, giảm 160 tỷ so với đầu năm, trong đó đã trả hết số tiền gần 130 tỷ cho một đơn vị thuộc Tập đoàn Tân Hoàng Minh.

Trên thị trường chứng khoán, sau khi được niêm yết trên UPCoM từ tháng 8/2021 với giá 7.000 đồng/cp, cổ phiếu TBH đã tăng vọt lên vùng 110.000 đồng/cp trong vòng 4 tháng. Hiện cổ phiếu này đã điều chỉnh về 85.500 đồng/cp với lượng thanh khoản rất thấp.

 Nguồn: TradingView.

Minh Hằng

Đại biểu đề nghị lùi thời gian tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với bia, rượu thêm một năm
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường cho rằng nên ban hành Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt vào năm tới nhưng thời gian áp dụng thì lùi lại một năm để cả người tiêu dùng và doanh nghiệp có thời gian chuyển đổi hành vi, chuyển đổi sản xuất.