|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Một chu kỳ lạm phát mới đang quay trở lại?

13:13 | 12/02/2024
Chia sẻ
Vào tháng 12/2023, chỉ số giá tiêu dùng toàn phần (bao gồm cả hàng thực phẩm) ở Mỹ và chỉ số giá tiêu dùng đã được điều chỉnh (HICP) tại Eurozone đều quay đầu tăng nhẹ.
 

(Ảnh minh hoạ: Getty Images).

Sau khi leo lên mức cao nhất trong nhiều thập kỷ vào giữa năm 2022, lạm phát tại Mỹ và Khu vực đồng euro (Eurozone) đã giảm mạnh trong nửa cuối năm 2023.

Tuy nhiên, vào tháng 12/2023, chỉ số giá tiêu dùng toàn phần (bao gồm cả hàng thực phẩm) ở Mỹ và chỉ số giá tiêu dùng đã được điều chỉnh (HICP) tại Eurozone đã quay đầu tăng nhẹ.

Diễn biến này là dư chấn hay tiền chấn của chu kỳ lạm phát cao trong các năm gần đây? Trong bài viết đăng tải trên trang mạng Project Syndicate, Giáo sư kinh tế tại Trường Kinh doanh London, cựu Giám đốc nghiên cứu của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), Lucrezia Reichlin, đã trả lời cho câu hỏi này như sau:

Tốc độ giảm lạm phát trong nửa cuối năm 2023 đã gây ngạc nhiên cho các ngân hàng trung ương, vốn đã khẳng định rằng còn quá sớm để tuyên bố “chiến thắng”.

Tuy nhiên, ngay cả trong bối cảnh lạm phát giảm, các nhà hoạch định chính sách tiền tệ vẫn kêu gọi thận trọng, với lý do còn tồn tại áp lực lạm phát dai dẳng. Điều này có thể giải thích cho sự gia tăng CPI gần đây.

Tuy vậy, một số ý kiến cho rằng những lo lắng đó chỉ đơn giản là việc các nhà điều hành chính sách đang thừa nhận sự không chắc chắn.

Các thị trường đã tỏ ra lạc quan và dường như muốn tin vào lời giải thích về sự không chắc chắn. Phần lớn nhà đầu tư nghiên về dự đoán rằng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất từ mùa Xuân năm nay.

Tâm lý này không phải là không có cơ sở. Tác giả phân tích nếu chúng ta xem xét sự thay đổi tỷ lệ phần trăm của lạm phát cơ bản trong sáu tháng cuối năm 2023, thì có thể thấy rằng cả Mỹ và Eurozone đều đã thành công đưa lạm phát trở về mức mục tiêu 2%. Quan trọng hơn, tiến trình lãi suất giảm có xu hướng ổn định, bất chấp sự gia tăng (nhỏ) gần đây của CPI toàn phần.

Điều đó có nghĩa là sự ổn định về giá có thể đã được thiết lập lại trong vòng ba năm gần đây. Nó giải thích cho lý do vì sao các thị trường tin rằng đợt lạm phát mới nhất gần đây chỉ là tạm thời.

Tác giả nhấn mạnh chính sách tiền tệ là một công cụ đắc lực. Thực thi tốt công cụ này có thể giúp “hạ nhiệt” lạm phát. Các ngân hàng trung ương thường được khuyến khích cần bắt tay vào điều chỉnh công cụ hiệu quả này một cách nhanh chóng và chắc chắn nhất, để ngăn chặn lạm phát trở nên “không kiểm soát được”, có thể thúc đẩy vòng xoáy giá cả-tiền lương, dẫn đến mất việc làm.

Tuy nhiên, việc “mạnh tay” với lạm phát có thể gây ra chi phí và kiềm chế lạm phát quá mức sẽ dẫn đến nguy cơ làm suy yếu tăng trưởng kinh tế và giảm hiệu quả hoạt động của lĩnh vực tài chính. Do đó, điều quan trọng là xem xét kỹ các yếu tố gây ra lạm phát để có những bước đi đúng đắn.

Nếu “thủ phạm” là cú sốc từ phía nguồn cung không ổn định (kèm theo sự thay đổi lớn về giá cả), thì việc sử dụng công cụ chính sách tiền tệ để đối phó với lạm phát sẽ dễ dàng hơn. Nhưng nếu nguyên nhân là do tổng cầu tăng đột biến, chi phí giảm phát có thể sẽ cao hơn, do đó cần có sự cân nhắc cẩn trọng hơn.

Quay trở lại với vấn đề lạm phát tăng trong tháng 12/2023. Tại Eurozone, lạm phát chủ yếu được thúc đẩy bởi những cú sốc về năng lượng và nguồn cung không ổn định. Tác động của chúng lan truyền dần dần qua các khu vực khác nhau của nền kinh tế, bắt đầu từ sản xuất và sau đó chuyển sang dịch vụ. Điều này cũng có thể đã xảy ra tương tự ở Mỹ, nhưng với mức độ thấp hơn.

Tại cả hai nền kinh tế, áp lực về việc tiền lương phải “bắt kịp” lạm phát là rất khiêm tốn, không có dấu hiệu nào cho thấy đã xuất hiện vòng xoáy tiền lương-giá cả. Và, trong giai đoạn giảm phát, thị trường lao động cũng không suy yếu đáng kể, kể cả ở cả Mỹ và châu Âu. Nói cách khác, cả lạm phát và giảm phát đều diễn ra trên thị trường hàng hóa chứ không phải thị trường lao động.

Cách giải thích này được hỗ trợ bởi thực tế là mặc dù mức suy giảm của lạm phát lõi (đã loại bỏ giá thực phẩm và năng lượng) đã chậm hơn so với mức giảm của lạm phát cơ bản, nhưng lạm phát lõi hiện đang hội tụ về mục tiêu 2%. Sự sụt giảm mạnh đáng ngạc nhiên này xảy ra trước khi hoạt động kinh tế bắt đầu chậm lại (có thể là do độ trễ của chính sách thắt chặt tiền tệ).

Theo cơ quan thống kê Eurostat, tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) hàng quý của Đức, trong quý II và III/2023, bằng 0 và đã rơi xuống mức -0,3% trong quý IV/2023. Mức tăng trưởng trung bình của cả khu vực Eurozone tốt hơn một chút so, với tăng trưởng quý IV/2023 bằng 0, sau khi giảm nhẹ xuống -0,1% vào quý trước đó.

Có lý do chính đáng để tin rằng lạm phát hiện tại chỉ gia tăng nhất thời, do sự biến động lớn về giá tương đối, và sẽ dần trở nên phổ biến hơn.

Đầu tiên, quá trình chuyển đổi năng lượng đang diễn ra, do đó nhu cầu năng lượng đã tăng lên đáng kể, đi kèm với những hạn chế về nguồn cung. Điều này xảy ra trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị gia tăng, các cuộc tấn công gần đây của lực lượng Houthi vào các con tàu container ở Biển Đỏ, dự báo tạo ra những đứt gãy đối với chuỗi cung ứng.

Trong bối cảnh đó, việc coi lạm phát là mục tiêu của các tác động dường như không thỏa đáng. Các ngân hàng trung ương nên cân nhắc xem khi đối diện với những cú sốc về nguồn cung không ổn định, họ có nên cho mình thêm thời gian để mang lạm phát trở lại ngưỡng mục tiêu hay không.

Xét cho cùng, quy định tiêu chuẩn về thắt chặt chính sách tiền tệ - hoạt động bằng cách làm giảm tổng cầu - sẽ tỏ ra kém hiệu quả hơn trong việc kiềm chế lạm phát do những cú sốc từ phía nguồn cung không ổn định gây ra. Và nó sẽ mang lại chi phí cao hơn. Ngoài việc làm suy yếu sự ổn định tài chính và việc làm, việc thắt chặt quá mức còn cản trở hành động điều chỉnh giá tương đối, do đó làm giảm hiệu quả phân bổ nguồn lực.

Nếu điều kiện tiền tệ vẫn bị thắt chặt trong thời gian dài, các nhà đầu tư có thể nản lòng khi theo đuổi các khoản đầu tư dài hạn hơn, chẳng hạn như vào công nghệ xanh.

Nói tóm lại, khi lạm phát bị thúc đẩy bởi những hạn chế về nguồn cung thì việc duy trì chính sách thắt chặt tiền tệ sẽ không phải là một câu hỏi cần có lời giải đáp. Hành động về chính sách tài khóa – và sự phối hợp về tiền tệ và tài chính – là cần thiết.

Tuy nhiên, thế giới hiện đã thay đổi rất nhiều so với thập niên 70 và 90. Khi các mà các ngân hàng trung ương nghĩ về lạm phát, họ cần phải liên hệ đến các bài học kinh nghiệm trong quá khứ (kể cả từ quá khứ gần đây), đánh giá đầy đủ điều kiện giá cả hiện tại, trên cơ sở đó, cố gắng dự đoán những gì có thể xảy ra trong tương lai.

 

Diệu Linh