Mong manh phá sản vì COVID-19: 'Tôi chỉ mong đừng có ngày mai'
Ở Việt Nam, sự đoàn kết trong công tác phòng, chống dịch vẫn hiện hữu từng ngày, từng giờ, ở bất cứ đâu, nhưng đâu đó có những người đang như muốn chạy trốn. Mong manh bờ vực phá sản khiến cho họ không còn muốn thấy ngày mai...
Chiều Hà Nội lạnh tê tái. Phố xá vắng vẻ, thưa thớt và ảm đạm sau những ngày “cách ly xã hội” vì COVID-19. Những con đường, góc phố, hàng quán... im lìm. Những người vì cần thiết lắm nên mới phải ra đường thì vội vã thật nhanh để mau chóng trở về nơi “trú ẩn”, cũng bởi COVID-19. Cái tên COVID-19 hiện hữu rõ rệt qua từng câu chuyện, từng dãy phố buôn bán tấp nập bỗng trở nên lạnh lẽo, từng bản tin trải dài khắp các mặt báo từ ta đến Tây, và từ gương mặt mệt mỏi của những người đang lo lắng vì các khoản nợ ngập đầu…
Xông pha gây dựng sự nghiệp
Anh Vũ Minh Chính, 31 tuổi, trú tại huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình, là một trong những người trẻ tuổi dám làm, dám chịu, dám chấp nhận những rủi ro. Nhưng có lẽ với anh, rủi ro này quá lớn, đến mức anh đang đứng trước những nguy cơ phá sản vì đại dịch COVID-19.
Tốt nghiệp đại học, anh Chính xin được một công việc ổn định với mức lương khá tốt. Sau 5 năm tích cóp, cùng sự giúp đỡ của hai bên gia đình nội, ngoại, và sự ủng hộ của vợ, anh Chính thành lập công ty riêng, chuyên thầu các công trình cho thuê chung cư trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Theo chia sẻ của anh Chính, hiện anh đang quản lý 15 chung cư mini cho thuê trên địa bàn quận Cầu Giấy và Nam Từ Liêm, Hà Nội với khoảng 300 phòng.
“Để đầu tư vào đây, tôi cùng anh em làm chung bỏ tiền túi, còn lại hiện đang vay ngân hàng số tiền hơn 3 tỷ đồng” – Anh Chính cho biết.
Các tòa nhà này được anh Chính thầu lại của các hộ kinh doanh tư nhân. “Họ có tiền, có đất, thức thời vì nhu cầu thuê nhà của người dân ngày càng tăng, nên họ xây nhà chung cư mini cho thuê. Nhưng công ty chúng tôi đã tái thiết lại toàn bộ, để khách hàng chỉ cần xách túi quần áo đến là ở được ngay với đầy đủ nội thất phù hợp cho cuộc sống của một gia đình nhỏ. Tuy nhiên, tôi cũng chỉ là người thuê lại rồi lại đi cho thuê chứ tôi không phải là chủ của tòa nhà, nên cũng phải tính toán nhiều để làm sao vừa không để khách hàng kêu ca về giá cả, vừa có tiền trả cho nhân viên công ty và có tiền nuôi sống gia đình nữa” – Người đàn ông này chia sẻ.
Những tưởng kinh doanh suôn sẻ, nhưng rồi đại dịch COVID-19 xuất hiện khiến mọi thứ thay đổi đến không ngờ…
Đầu tư tiền tỷ và nỗi lo nợ ngập đầu
Theo như anh Chính cung cấp, mỗi tháng anh phải đóng cho những chủ nhà của 15 tòa nhà này tổng số tiền khoảng 800 triệu đồng, và phải đóng 3 tháng một. Như vậy, mỗi lần đóng tiền thầu lại là khoảng 2,4 tỷ đồng. Trong khi đó, anh phải đặt cọc trước 2 tháng tiền thuê, tương đương với 1,6 tỷ đồng “chết cứng”, và chỉ được lấy lại sau khi hết hợp đồng mà không vi phạm điều khoản gì đã thỏa thuận.
Chưa hết, công ty của anh Chính còn đầu tư nội thất cho 300 căn phòng đủ tiện nghi như: giường, tủ, tivi, tủ lạnh, điều hòa, máy giặt… Mỗi phòng như vậy sẽ mất khoảng 22 triệu đồng. 15 tòa nhà 300 phòng sẽ rơi vào khoảng gần 7 tỷ đồng, chưa kể tiền nhân viên bảo trì, vệ sinh hàng tháng phải trả mất 70 triệu đồng. Thậm chí, có những tòa nhà thông qua môi giới, anh Chính lại phải mất 50% hoa hồng của 1 tháng tiền thuê nhà cho người “hoa tiêu”, tức từ 20 triệu đồng đến 50 triệu đồng.
Những con số tiền tỷ khiến người nghe chóng mặt. Vậy mà người đàn ông trẻ tuổi này vẫn quyết tâm xây dựng sự nghiệp riêng như vậy. Và cũng chỉ vì COVID-19…
“Không phải cả 15 tòa nhà đều có người đến thuê kín phòng, có tòa kín, có tòa còn nhiều phòng trống. Những người đến thuê phòng chỗ chúng tôi đa phần là người tỉnh lẻ, người có thu nhập bình thường chưa có điều kiện mua nhà hoặc là những sinh viên nghèo ở ghép 3 đến 4 em. Mà 1/3 trong số này đã là sinh viên rồi…” – Anh Chính nói thêm.
Từ ngày Hà Nội xuất hiện ca dương tính với SARS-CoV-2 đầu tiên, liên tiếp sau đó là những chuỗi ngày dài học sinh, sinh viên được nghỉ học. Người thuê trọ của anh Chính cũng khăn gói về quê, khóa cửa phòng trọ. Những tưởng chỉ 1-2 tuần, nhưng nay đã là hơn 2 tháng kể từ ngày nghỉ dịch nên không ít người trả lại phòng thuê, một số khác lại nhắn tin xin giảm tiền thuê phòng trọ.
“Tôi không thể làm ngơ trước những dòng tin nhắn ấy. Các em ấy đa phần là sinh viên nghèo. Nếu tôi không giảm thì họ chuyển đi, phòng trống cũng chết. Nhưng mình giảm, thì có ai giảm cho mình không?!”. Câu hỏi đầy cảm thán của anh Chính khiến người nghe phải bừng tỉnh thực sự.
Anh Chính nhắc lại: “Tôi cũng chỉ là người đi thuê, không phải chủ của những tòa nhà này, và vì thế, dịch COVID-19 khiến những khoản nợ của tôi cứ dần tăng lên. Ngân hàng không giảm lãi, còn chủ nhà thì…”
Chủ nhà ngoảnh mặt làm ngơ
Những ngày vừa qua, anh Chính cùng anh em làm cùng hết đi xin ngân hàng giảm lãi suất, hoặc giãn thời hạn đóng lãi lại đi xin chủ các tòa nhà giảm tiền thuê. Lo lắng về dịch bệnh hoành hành, nay lại thêm những mệt mỏi chuyện tiền bạc khiến người thanh niên trẻ bỗng như già hơn.
Kêu trời trời chẳng thấu, vậy đi kêu chủ nhà thì sao?
Nhiều chủ nhà từ chối không gặp, đơn giản họ đã nhét túi vài tháng tiền thuê nhà rồi thì họ cần gì quan tâm đến ai. Có chủ nhà thì đồng ý gặp, nhưng cũng nói thẳng: “Nhiều khi cô chú cũng phải chịu phòng trống vì không có người thuê. Dịch này có phải do cô chú đâu. Cô chú ở nhà chỉ trông vào tiền cho thuê nhà, cháu thông cảm” – anh Chính cười buồn kể lại.
Trong khi đó, theo như lời anh Chính chia sẻ, khi chủ nhà cần sửa chữa cái gì, công ty lại cử người đến giúp đỡ, bảo trì, bảo dưỡng, sửa sang. Ấy vậy mà khi công ty khó khăn giữa mùa dịch, thì chủ nhà lại ngoảnh mặt làm ngơ.
“Tôi mong ngày mai đừng đến”
Tiền lãi ngân hàng vẫn phải đóng đủ, tiền thuê nhà vẫn phải không thiếu một xu, lương nhân viên không thể không trả, và với lương tâm của mình, anh Chính cũng không thể không bớt cho người thuê trọ, vì bản thân họ cũng đang rơi vào hoàn cảnh khó khăn vì nghỉ việc do dịch bệnh kéo dài, công ty cắt giảm nhân sự. Khó khăn chồng chất khó khăn, người đàn ông này có thể nói đang trên bờ vực phá sản.
Anh Chính cho biết: “Nếu dịch sớm được dập để cuộc sống trở lại bình thường thì tôi cầm cự được. Nhưng nếu cứ thế này kéo dài tới tháng 5, tháng 6 có lẽ tôi cũng phải phá hợp đồng thôi, chứ không thể “cõng” lãi trên đầu mà không có tiền chi trả được”.
“Có đêm nằm nghĩ mà tôi mong đừng có ngày mai. Bởi mỗi khi thức dậy, tôi lại nghĩ đến khoản nợ, đến những khó khăn mà tôi đang phải gánh, cùng với cuộc sống gia đình mà trên vai tôi là hai chữ trách nhiệm…” – anh Chính chia sẻ thêm.
Không chỉ riêng anh Chính, mà hàng nghìn hộ kinh doanh, doanh nghiệp tư nhân, các công ty lớn, nhỏ… đang phải chịu cảnh khốn đốn, lao đao kinh tế vì COVID-19. Bài viết này gửi tới độc giả, và mong sẽ gửi tới những chủ nhà cho thuê của anh Chính hay tất cả những người cho thuê mặt bằng hãy cùng nhìn lại, bớt chút quyền lợi của bản thân để chia sẻ khó khăn với những người xung quanh. Và hy vọng các ngân hàng cũng chung tay với doanh nghiệp để cùng vượt qua đại dịch.
Khẩu hiệu “Không ai bị bỏ lại” giờ không còn đơn thuần chỉ là nói về những người có mong muốn trở về Việt Nam từ vùng dịch nữa, mà nên mở rộng hơn. Chính phủ đã kêu gọi đồng bào cả nước cùng chia sẻ khó khăn với người nghèo, hỗ trợ họ bữa cơm ăn, một chút tiền động viên, vậy thì “Không ai bị bỏ lại” cũng có thể hướng đến các hộ kinh doanh, các doanh nghiệp trước rủi ro kinh tế vì đại dịch COVID-19 này.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/