|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Mông Cổ tạm dừng xuất khẩu than do bùng phát virus corona

16:07 | 13/02/2020
Chia sẻ
Mông Cổ tạm dừng xuất khẩu than đến hết ngày 2/3 vì virus corona. Tại Mỹ, việc xuất khẩu than cốc năm 2019 cũng suy giảm tại các thị trường chính như Trung Quốc, Brazil, châu Âu.

Mông Cổ tạm dừng xuất khẩu than

Chính phủ Mông Cổ đã tạm dừng việc xuất khẩu than nhằm tránh lây lan do dịch virus corona. Quyết định có hiệu lực từ ngày 10/2 đến ngày 2/3.

Với hai trường hợp nhiễm virus corona được xác nhận gần biên giới ngày 8/2, các quan chức chính phủ và chính quyền tỉnh Nam Gobi ở Mông Cổ đã tạm dừng xuất khẩu để ngăn chặn sự lây lan dịch bệnh.

Trung Quốc nhập khẩu gần 34 triệu tấn than cốc từ Mông Cổ trong năm 2019, trong khi nhập từ Australia khoảng 31 triệu tấn, tăng trưởng lần lượt tăng 21% và 10% so với năm 2018.

Xuất khẩu than cốc của Mỹ suy giảm tại các thị trường chính trong năm 2019

Tại thị trường Mỹ năm 2019, xuất khẩu than cốc của quốc gia này giảm 11,3% so với năm 2018 còn 50 triệu tấn, trong bối cảnh nhu cầu Trung Quốc, châu Âu suy yếu và các nhà máy Brazil cũng cắt giảm nguyên liệu.

Ngược lại, nhu cầu tại Nhật Bản và Ấn Độ tăng lên trong nửa cuối năm 2019.

Xuất khẩu sang Trung Quốc giảm xuống còn 1,06 triệu tấn trong năm 2019, giảm 45,6% so với năm 2018 và 60% so với năm 2017 là 2,7 triệu tấn. Lượng hàng đến Trung Quốc đã giảm 930.000 tấn trong nửa đầu năm 2019 từ mức 1,6 triệu tấn trong nửa đầu năm 2018, chiếm gần 40% mức giảm xuất khẩu than luyện cốc của Mỹ.

Sự sụt giảm về khối lượng từ Mỹ tạo cơ hội cho xuất khẩu than luyện cốc của Australia sang Trung Quốc tăng 7,5% lên 42,6 triệu tấn vào năm 2019. Tuy nhiên, sự lạc quan về tình hình thương mại Mỹ - Trung đã đẩy xuất khẩu than cốc của Mỹ tăng trở lại trong quí cuối năm.

Nhật Bản là một ngoại lệ trong số các nhà nhập khẩu than cốc lớn của Mỹ. Khối lượng nhập khẩu năm 2019 đạt trên 6 triệu tấn, tăng 8,6% so với năm trước đó.

Trong khi đó, việc xuất khẩu sang Brazil tính riêng tháng 12/2019 cũng giảm 30% so với cùng kì năm 2018. Ba lò cao chính ở Brazil tiến hành bảo trì vào năm 2019, điều này hạn chế nhu cầu than luyện cốc. 

Nhưng gần đây, việc mua hàng giao ngay của một số nhà máy được chuyển sang các hợp đồng dài hạn dẫn đến kì vọng về nhu cầu Brazil sẽ gia tăng vào năm 2020.

Cùng với việc giảm công suất thép trên khắp châu Âu, các chuyến hàng than luyện cốc từ Mỹ sang EU đã giảm 12,2% so với năm 2018 xuống còn 16,1 triệu tấn vào năm 2019.

Tuy nhiên, thị trường vẫn kì vọng nhu cầu sẽ tăng từ quí II/2020 khi một số nhà máy châu Âu trì hoãn các lô hàng trong quí đầu tiên.

Xuất khẩu than cốc từ Mỹ sang Ấn Độ giảm 23,7% trong năm 2019 nhưng vẫn ở trên mức 2017 (đạt 4,3 triệu tấn). Nhập khẩu trong nửa cuối năm 2019 tăng 7,8% so với năm trước lên 1,9 triệu tấn, và có khả năng tăng khi chính phủ Ấn Độ có kế hoạch tăng gấp ba sản lượng thép lên 300 triệu tấn/năm vào 2031.

Theo số liệu từ Hiệp hội cảng Ấn Độ (IPA), Ấn Độ nhập khẩu khoảng 47 triệu tấn than cốc trong 10 tháng đầu năm tài chính 2019 - 2020 (bắt đầu từ tháng 4/2019 và kết thúc vào tháng 3/2020), tăng 1% so với cùng kì năm 2018 - 2019.

Cảng Kolkata ghi nhận lượng than luyện cốc gần 15 triệu tấn, giảm 12% so với năm trước; gồm 12,7 triệu tấn từ Haldia và 1,8 triệu tấn từ bến tàu Kolkata.

Nhập khẩu than cốc tại Paradip là 10 triệu tấn, giảm 5,6% so với năm 2018-2019. Nhập khẩu tại Mormugao ở bang Goa tăng 29% lên 6,7 triệu tấn, trong khi khối lượng tại cảng VO Visakhapatnam tăng 16% lên 6,2 triệu tấn.

Bên cạnh đó, cảng Chidambaranar, Tamil Nadu nhập khẩu 5 triệu tấn, Mumbai và New Mangeling lần lượt ghi nhận 2,4 triệu tấn và 557.000 tấn.

Đan Thanh