Giá than cốc Trung Quốc và than nhiệt dự báo trái chiều trong tháng 2
Theo dữ liệu từ Steel Home, giá than cốc Trung Quốc tăng nhẹ đầu tháng 1 sau đó duy trì sự ổn định. Ngoại trừ than luyện cốc (khô) tăng 30 - 50 nhân dân tệ/tấn thì than luyện cốc (ướt) vẫn không thay đổi.
Tổng lượng tồn kho than cốc tại 4 cảng chính ở Trung Quốc (Tianjin, Lianyungang, Rizhao, Qingdao) giảm đáng kể. Giá xuất khẩu than cốc tăng 3 USD/tấn trong tháng 1.
Trong khi đó, giá than luyện cốc cứng nhập khẩu từ mỏ Peak Downs (Australia) tăng 13,5 USD/tấn so với thời điểm cuối năm 2019, đạt 164 USD/tấn.
Năm 2019, sản lượng than cốc của Trung Quốc đạt gần 471,2 triệu tấn, tăng 5,2% so với năm 2018.
Trung Quốc đã xuất khẩu hơn 6,5 triệu tấn than cốc, tương ứng giá trị 1,7 tỉ USD, giảm lần lượt 33% và 39% so với năm 2018.
SteelHome dự báo sản lượng than cốc giảm trong tháng 2 do ảnh hưởng từ dịch virus corona, đồng thời, giá có thể đi xuống từ giữa tháng.
Thị trường than nhiệt quốc tế biến động nhẹ.
Giá than nhiệt tại cảng Newcastle (Australia) đạt gần 70 USD/tấn vào ngày 22/1, tăng 3,55 USD/tấn so với cuối tháng 12/2019. Giá tại cảng Richards (Nam Phi) hơn 86 USD/tấn, tăng 4 USD/tấn. Trong khi đó, giá than nhiệt tại cảng Rotterdam (Hà Lan) ghi nhận 49,7 USD/tấn, giảm 3,7 USD/tấn.
Tại ngày 17/1, lượng tồn kho than nhiệt tại 6 cảng (Qinhuangdao, Guangzhou, Jinzhou, SDIC Jingtang, Caofeidian, Huanghua) đạt hơn 17,3 triệu tấn, giảm 1,7 triệu tấn so với dữ liệu ngày 27/12/2019. Tại các cảng phía Bắc, nguồn cung giảm mạnh hơn do nhu cầu tiêu thụ điện cao.
Trong khi đó, lượng tồn kho tại 5 cảng (Jingtang, Rizhao, Qingdao, Lianyungang, Zhanjiang) đạt hơn 5,3 triệu tấn, giảm gần 1 triệu tấn so với cuối tháng 12/2019.
Tuy nhiên, nguồn cung than nhiệt được dự báo vẫn đáp ứng đủ nhu cầu và giá sẽ tăng mạnh trong tháng 2.