|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Mỗi ngày người dùng iPhone chi 230 triệu USD mua ứng dụng trên App Store: Dưới thời Tim Cook Apple đã không còn giống như những gì Steve Jobs kiến tạo

19:52 | 05/07/2021
Chia sẻ
Nửa đầu năm 2021, Apple Store đã tạo ra 41,5 tỷ USD doanh thu trên toàn cầu, tăng 22,1% so với cùng kỳ năm ngoái.
Mỗi ngày người dùng iPhone chi 230 triệu USD mua ứng dụng trên App Store: Dưới thời Tim Cook Apple đã không còn giống như những gì Steve Jobs kiến tạo - Ảnh 1.

Tim Cook và Steve Jobs. (Đồ hoạ: USA Today).

Apple thu về gần 42 tỷ USD từ các ứng dụng có trên App Store

Công ty nghiên cứu thị trường Sensor Tower cho biết nửa đầu năm 2021, doanh thu từ App Store 41,5 tỷ USD, tăng 22% so với cùng kỳ năm ngoái và gấp 1,8 lần so với Google Play với 23,4 tỷ USD, trang Macrumors đưa tin.

Mặc dù có doanh thu thấp hơn, song theo Sensor Tower, Google Play lại là cửa hàng ứng dụng ghi nhận mức tăng trưởng cao hơn, tăng 30% so với 6 nửa đầu năm ngoái. Trong khi đó, mức tăng trưởng của App Store là 22%, thấp hơn so với mức tăng 29,3% cùng kỳ.

Mức tăng trưởng của Google đang được thúc đẩy tại các thị trường như Philippines, nơi tiếp tục xuất hiện làn sóng COVID-19 khiến chính phủ phải áp dụng các biện pháp đóng cửa để phòng chống dịch.

TikTok là ứng dụng di động có tổng doanh thu cao nhất trên toàn thế giới trong 6 tháng đầu năm 2021. Người tiêu dùng được cho là đã rót hơn 920 triệu USD cho TikTok trong giai đoạn này, tăng 74% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong khi đó, YouTube giữ vững vị trí là ứng dụng không phải trò chơi có doanh thu cao thứ hai, mức chi tiêu ước tính 564,7 triệu USD. Tinder đứng thứ ba đạt 520,3 triệu USD.

Ước tính có khoảng 72,5 tỷ lượt tải xuống ứng dụng trên cả hai cửa hàng trong nửa đầu năm nay, tăng 1,7% so với 71,3 tỷ cùng kỳ năm trước. Tổng chi tiêu cho ứng dụng toàn cầu đạt gần 65 tỷ USD trên cả iOS và Android, phần lớn doanh thu đến từ các trò chơi trực tuyến.

Chiến lược mới của Apple

Năm nay Apple gần như không bị ảnh hưởng gì trước việc các cơ quan quản lý và một số công ty phát triển phần mềm phàn nàn những mặt trái của hệ thống kho ứng dụng mà hãng đã tạo ra hơn một thập kỷ trước, theo The New York Times.

Apple bị cáo buộc đã lạm dụng quyền kiểm soát của mình đối với các ứng dụng iPhone để áp đặt các khoản phí không công bằng và gây ra sự phức tạp cho các nhà phát triển. Đây là tuyên bố trong vụ kiện mà Epic Games, đơn vị phát triển trò chơi điện tử Fortnite, đang theo đuổi nhằm chống lại Apple.

Apple nói rằng việc thực hiện quyền kiểm soát các ứng dụng và thu tiền hoa hồng cho một số dịch vụ người dùng trên iPhone là đúng đắn. Tuy nhiên, đó chỉ là một phần trong chiến lượng hướng vào nguồn thu từ dịch vụ phần mềm. Còn có một thứ khác trong quyết định này của Apple: nỗi sợ hãi.

Tại sao vậy? Để trả lời cho câu hỏi này, chúng ta cần liên kết tình hình kinh doanh khó khăn của Apple và các lựa chọn mà hãng có để hiểu tại sao Apple lại thực hiện những điều này và không chịu lùi bước.

Trong những năm qua, Apple đã cực kỳ thành công nhưng thực tế doanh số bán iPhone sẽ không bao giờ có được sự tăng trưởng đột biến như những năm 2010 - dấu mốc đã đưa nó trở thành một siêu sao trong làng công nghệ thế giới.

Smartphone đã trở thành nhu cầu thiết yếu trong cuộc sống hiện đại thường ngày ở nhiều quốc gia, tương tự như tủ lạnh. Và không phải ai cũng thay mới điện thoại mỗi năm, người dùng đang có xu hướng chờ đợi lâu hơn để đổi điện thoại mới.

Do đó, công ty đã thay đổi chiến lược để kiếm tiền nhiều hơn từ chính những tiện ích sẵn có và túi tiền của người dùng - dưới các hình thức tải xuống và đăng ký ứng dụng như Apple Music, Apple TV, Apple News, tai nghe AirPods hay các thiết bị khác được kết nối trong hệ sinh thái công ty.

Đó là một chiến lược thông minh và đang hoạt động rất nhiệu quả. Tuy nhiên, đó cũng là chiến lược được sinh ra bởi sự cần thiết khi thời đại smartphone đỉnh cao dường như đã bão hoà. Mặc dù vậy, vẫn còn nhiều thách thức phía trước để Apple trở thành một cái gì đó lớn hơn là một công ty chuyên sản xuất iPhone.

Cây viết Peter Kafka của tờ Vox gần đây đã nói rằng Facebook quyết định bắt đầu đăng các bản tin bên ngoài ứng dụng để tránh phải trả các khoản phí mà Apple yêu cầu. Các công ty khác cũng cho rằng họ cảm thấy buộc phải tính phí người dùng dù không hề muốn vì các quy định của Apple.

Đơn cử, nhà phát triển ứng dụng email mã hoá ProtonMail cho biết Apple đã yêu cầu họ phải thêm tuỳ chọn mua hàng trong ứng dụng và đe doạ rằng nếu nhà phát triển thông báo cho khách hàng về sự thay đổi này, Apple sẽ gỡ bỏ ứng dụng cũng như chặn bản cập nhật.

Không có gì lạ khi thế giới xung quanh chúng ta được định hình bởi các mô hình kinh doanh và tài chính của các công ty. Và đôi khi nó hoạt động có lợi cho người dùng. Đơn cử Microsoft đang cho phép người dùng máy tính Windows truy cập vào nhiều ứng dụng hơn vì một phần nó - không giống như Apple, không cần kiếm tiền từ phí ứng dụng, và ông lớn Windows đang muốn chĩa mũi dùi vào đối thủ lớn nhất của họ, The New York Times bình luận.

Thiên Trường