|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Mở thị trường xuất khẩu thủy sản - Bài 2: Thách thức không nhỏ

08:08 | 23/02/2019
Chia sẻ
Mặc dù sản xuất, xuất khẩu thủy sản liên tục tăng trưởng trong những năm gần đây nhưng ngành thủy sản cũng đang phải đối mặt với không ít khó khăn trong việc xây dựng chuỗi liên kết và đáp ứng các yêu cầu ngày càng khắt khe của thị trường.
mo thi truong xuat khau thuy san bai 2 thach thuc khong nho
Hoạt động mua bán cá của tiểu thương tại Cảng cá Thọ Quang (thành phố Đà Nẵng). Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN

Nội lực chưa vững

Việt Nam nằm trong top 5 nước sản xuất và xuất khẩu thủy sản lớn nhất thế giới nhưng khả năng duy trì sự phát triển còn hạn chế. Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) nhận định, thách thức tổng thể của ngành nuôi trồng thủy sản Việt Nam là quy hoạch và kiểm soát quy hoạch trong cả chuỗi còn thiếu đồng bộ, ảnh hưởng lớn đến chất lượng tăng trưởng cũng như khả năng cạnh tranh.

mo thi truong xuat khau thuy san bai 2 thach thuc khong nho
Ngư dân Bình Định đưa cá ngừ đại dương từ khoang tàu lên bờ ở cảng Tam Quan. Ảnh: Nguyên Linh/TTXVN

Chất lượng con giống và nguồn cung con giống không ổn định, cụ thể là tỷ lệ sống thấp, trại ương giống quy mô nhỏ, khó quản lý. Chi phí con giống, thức ăn, hóa chất, nhiên liệu đều cao nên giá thành sản phẩm cao. Hầu hết doanh nghiệp Việt Nam hiện nay chưa đủ khả năng kiểm soát toàn bộ quá trình sản xuất nguyên liệu từ con giống cho tới quy trình sản xuất, thu hoạch và chế biến.

Xét riêng trong ngành hàng cá tra, Việt Nam đang nổi lên là nước nuôi và xuất khẩu sản phẩm cá tra hàng đầu thế giới nhưng lại thiếu các yếu tố đảm bảo duy trì sự phát triển bền vững. Ông Ong Hàng Văn, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Thủy sản Trường Giang chia sẻ, thách thức lớn nhất của ngành cá tra Việt Nam chính là con giống. Việc sản xuất cá giống theo hình thức nhỏ lẻ, thiếu quy hoạch tập trung là nguyên nhân dẫn đến chất lượng con giống kém, tỷ lệ nuôi sống thành cá thương phẩm rất thấp.

Theo ông Ong Hàng Văn, với những ảnh hưởng tiêu cực của thời tiết, biến đổi khí hậu như hiện nay, tỷ lệ hao hụt trong nuôi cá tra có nguy cơ sẽ tiếp tục tăng. Nếu không có giải pháp cải thiện sẽ gây lãng phí lớn về kinh tế làm giảm sức cạnh tranh. Trong khi đó, chương trình nuôi cá tra 3 cấp của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã triển khai từ 3 năm nhằm khắc phục chất lượng con cá giống nhưng hiện tại chỉ mới thực hiện được ở một vài hợp tác xã, một vài công ty mà chưa lan tỏa trong cộng đồng người nuôi cá tra. Hơn nữa, việc liên kết giữa 3 nhà, nhà chế biến, nhà nuôi và nhà cung cấp giống vẫn đang rời rạc; không có sự kiểm soát nên đầu vào cá giống rất bấp bênh, tạo thành “vùng lõm” trong ngành cá tra.

Khác với cá tra, vấn đề của ngành tôm hiện nay chính là khả năng cạnh tranh về giá do chi phí con giống, thức ăn liên tục tăng. Theo đó, xuất khẩu tôm vào thị trường Mỹ đang phải đối mặt với sự cạnh tranh về giá của Ấn Độ cùng với thuế bán phá giá. Tại thị trường Hàn Quốc, tôm Việt Nam cũng chịu sức ép cạnh tranh giá với tôm Trung Quốc và Ấn Độ.

Một nguyên nhân khác làm giảm khả năng cạnh tranh về giá thành và giá trị gia tăng của thủy sản Việt Nam là hiệu quả chế biến còn thấp, phần lớn phụ phẩm thủy sản đang bị lãng phí. Theo Tổng cục Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tổng sản lượng thủy sản của Việt Nam đã đạt trên 7 triệu tấn/năm. Trừ sản lượng phi lê chế biến xuất khẩu thì còn lại từ 15-20% là phụ phẩm. Đây là nguồn nguyên liệu để chế biến các sản phẩm có giá trị gia tăng phục vụ cho các ngành công nghiệp thức ăn chăn nuôi, thực phẩm cho con người và mang lại hiệu quả kinh tế rất lớn nhưng thời gian qua chưa được quan tâm khai thác.

Ông Phan Thanh Lộc, Giám đốc Công ty Vietnamfood cho biết, chỉ tính riêng ngành chế biến tôm xuất khẩu, mỗi năm có khoảng 320 triệu tấn phụ phẩm tôm nhưng mới chỉ chế biến được một phần rất nhỏ. Phần phụ phẩm được sử dụng cũng thiếu các công nghệ để chiết xuất ra sản phẩm có giá trị cao. Tại Việt Nam mới có 5 công ty tham gia chế biến phụ phẩm tôm và một số dự án đang tập trung vào nghiên cứu ở quy mô phòng thí nghiệm, thực nghiệm.

Tương tự, việc chế biến sâu các phụ phẩm cá tra có thể gia tăng từ 15 -25% giá trị cho toàn bộ chuỗi nuôi – chế biến cá tra. Tuy nhiên, số doanh nghiệp có đủ năng lực đầu tư kinh phí, kỹ thuật vào chế biến sâu phụ phẩm hiện chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Nhiều rào cản thị trường

Mặc dù mức thuế nhập khẩu thủy sản đã được nhiều thị trường cắt giảm đáng kể, áp lực về thuế chống bán phá giá với tôm, cá tra vào Mỹ cũng được hạ nhưng mặt hàng thủy sản vẫn là một trong những nhóm sản phẩm phải đối mặt với nhiều rào cản nhất hiện nay.

Điển hình là chương trình giám sát nhập khẩu thủy sản (SIMP) của Hoa Kỳ áp dụng với 13 loài thủy sản tạo nên sức ép lớn cho các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản vào thị trường này. Theo đó, sản phẩm thủy sản xuất khẩu sang Mỹ phải tuân thủ theo bộ quy tắc mới về truy xuất nguồn gốc. Dữ liệu về quy trình từ nuôi trồng, đánh bắt đến khi nhập khẩu phải được khai báo và lưu trữ trong cơ sở dữ liệu của Cục Quản lý Đại dương và Khí quyển quốc gia Mỹ (NOAA). Yêu cầu này khiến việc thu mua nguyên liệu của các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu vào Mỹ trở nên khó khăn hơn.

Trung Quốc là một trong những thị trường xuất khẩu thủy sản lớn của Việt Nam những năm gần đây cũng đang siết chặt kiểm soát an toàn thực phẩm. Các doanh nghiệp xuất khẩu sang Trung Quốc lại gặp khó khăn trong việc đăng ký bổ sung các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam vào danh sách sản phẩm được chấp thuận nhập khẩu vào quốc gia này. Ảnh hưởng từ cuộc chiến thương mại với Mỹ cũng khiến nhu cầu nhập khẩu tôm nguyên liệu từ Việt Nam của Trung Quốc giảm sút. Ngoài ra, cả Trung Quốc và Mỹ đều có xu hướng dựng lên các hàng rào kỹ thuật gắt gao với thủy sản Việt Nam để ngăn chặn gian lận thương mại.

Với mặt hàng hải sản, bà Nguyễn Thị Thu Sắc, Chủ tịch Ủy ban Hải sản của VASEP cho biết, việc bị EU cảnh báo thẻ vàng IUU từ tháng 10/2017 đã khiến xuất khẩu nhiều mặt hàng thủy sản sang EU giảm từ 4 -20% trong năm 2018; tăng trưởng xuất khẩu chung mặt hàng hải sản của Việt Nam bị chững lại.

Theo bà Nguyễn Thị Thu Sắc, mặc dù phía EU ghi nhận những nỗ lực và tiến bộ của Việt Nam trong việc thực hiện các cảnh báo khai thác IUU nhưng việc khắc phục các tồn tại vẫn chưa đạt yêu cầu. Cụ thể, quy trình thực hiện xác nhận, chứng nhận thủy sản khai thác theo quy định IUU, doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu hải sản vẫn bị vướng vì những bất cập cũng như sự thiếu đồng bộ giữa quy định, cơ hạ tầng, kỹ thuật tại các đơn vị thực hiện, đặc biệt là cảng cá. Do đó, cảnh báo thẻ vàng IUU với thủy sản Việt Nam đang được tiếp tục gia hạn. Như vậy, mục tiêu xuất khẩu 3,5 tỷ USD trong năm 2019 sẽ không dễ dàng.

Xuân Anh