Mở đường cho dòng vốn ngoại đầu tư vào trung tâm dữ liệu tại Việt Nam
Theo Nikkei Asia, Việt Nam vừa có quyết định quan trọng cho phép nhà đầu tư nước ngoài sở hữu hoàn toàn các trung tâm dữ liệu trong nước. Đây là động thái mới sau khi các quy định lưu trữ dữ liệu gây tranh cãi bị các ông lớn công nghệ phản đối, dẫn đến nhu cầu tăng đột biến mà thị trường nội địa không thể đáp ứng.
Luật Viễn thông mới có hiệu lực từ tuần trước quy định không giới hạn tỷ lệ sở hữu nước ngoài đối với các nhà cung cấp dữ liệu và đám mây. Trong khi đó, nhiều ngành khác vẫn bị giới hạn ở mức 49%. Luật này cũng tạo điều kiện thuận lợi chưa từng có cho các nhà cung cấp bằng việc miễn thủ tục cấp phép và các ràng buộc gia nhập thị trường thông thường.
Việc nới lỏng các hạn chế này được xem là kết quả trực tiếp từ các quy định khác, đặc biệt là Luật An ninh mạng, yêu cầu các công ty phải lưu trữ dữ liệu tại Việt Nam. Trước đây, Facebook, Google và nhiều quốc gia khác đã lên tiếng phản đối quy định này.
Luật sư Leif Schneider từ công ty luật Luther chia sẻ với Nikkei Asia: "Yêu cầu lưu trữ dữ liệu cục bộ có thể làm tăng chi phí hoạt động cho các công ty. Ngoài ra, còn có thách thức là đảm bảo các trung tâm dữ liệu trong nước tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế về bảo mật và quyền riêng tư dữ liệu."
Tuy nhiên, giới chuyên gia nhận định luật mới là một bước ngoặt quan trọng, mở đường cho các "ông lớn" quốc tế đầu tư vào lĩnh vực điện toán đám mây và trung tâm dữ liệu tại Việt Nam, từ đó thúc đẩy chuyển giao công nghệ và mang lại nhiều lợi ích khác.
Theo Nikkei Asia, Amazon Web Services, Keppel và nhiều doanh nghiệp khác đã bày tỏ sự quan tâm đến việc đầu tư vào máy chủ dữ liệu tại Việt Nam.
Luật Viễn thông cũng quy định rõ trách nhiệm của các nhà cung cấp dịch vụ đám mây và trung tâm dữ liệu. Họ "không chịu trách nhiệm về nội dung" được lưu trữ thay mặt khách hàng nhưng phải chặn nội dung theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, đồng thời không được phép giám sát thông tin người dùng trừ khi có yêu cầu từ phía Nhà nước.
Ông Trần Bảo Trung, Giám đốc KPMG Law, nhận định: "Chúng ta có thể nghĩ rằng chỉ các nền tảng phải gỡ bỏ nội dung, nhưng đó không phải là trường hợp ở Việt Nam. Ở Việt Nam, các trung tâm dữ liệu cũng phải làm điều đó."
Dù vậy, các nhà đầu tư vẫn còn nhiều e ngại về chi phí đầu tư cao (thời gian hoàn vốn có thể lên đến 5-8 năm), quy trình phê duyệt phức tạp, thiếu quy hoạch chi tiết và hạ tầng năng lượng xanh.
Bà Meir Tlebalde, CEO Sunwah Kirin Consulting Vietnam, chia sẻ với Nikkei Asia rằng có "những thách thức điển hình được thấy ở nhiều thị trường mới nổi, chẳng hạn như quy trình phê duyệt không đồng bộ, thiếu quy hoạch tổng thể chi tiết, khan hiếm giải pháp năng lượng xanh và quy trình đấu thầu không thể đoán trước."
Tuy nhiên, với việc Chính phủ đang thúc đẩy các thỏa thuận mua bán điện trực tiếp (DPPA) và lần đầu tiên có quy định rõ ràng về dữ liệu và điện toán đám mây, các khó khăn này được kỳ vọng sẽ dần được tháo gỡ.
Bà Tlebalde lạc quan: "Với việc giới thiệu luật viễn thông mới và DPPA sắp tới, những khó khăn này dự kiến sẽ giảm bớt.”
Theo Savills, tính đến quý I, Việt Nam có 33 trung tâm dữ liệu do 48 nhà cung cấp dịch vụ vận hành, với tổng công suất ước tính khoảng 80 MW. Các cụm trung tâm dữ liệu chính tập trung tại Hà Nội và TP HCM, tương ứng có 16 và 13 cơ sở đang hoạt động. Về mặt địa lý, phần lớn công suất (94%) nằm ở miền Bắc và miền Nam, trong khi khu vực miền Trung chỉ chiếm 6%.
Theo Research and Markets, thị trường trung tâm dữ liệu của Việt Nam đã tạo ra doanh thu 685 triệu USD vào năm 2023 và dự kiến sẽ tăng lên 1,44 tỷ USD vào năm 2029 - với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) là 13,1%. Các công ty trong nước như Viettel IDC, NTT Global Data Centers, FPT Telecom, CMC Telecom, HTC Telecom International (ECODC) và VNPT hiện đang thống trị thị trường.