|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Cuộc khủng hoảng trung tâm dữ liệu tại Singapore

10:32 | 09/07/2024
Chia sẻ
Singapore đối mặt với tình trạng quá tải trung tâm dữ liệu, điều này có thể thúc đẩy các ông lớn trong ngành chuyển hướng sang các hoạt động hỗ trợ AI.

Theo Tech in Asia, việc thiếu hụt công suất tại các trung tâm dữ liệu có khả năng sẽ khiến ngành công nghiệp trung tâm dữ liệu tại Singapore chuyển hướng sang các ứng dụng AI giá trị cao hơn. Ông Kiran Karunakaran, đối tác tại Bain & Company, dự đoán rằng quốc đảo này sẽ tiên phong trong khu vực, chuyển đổi công suất trung tâm dữ liệu hiện có thành các cơ sở hỗ trợ AI.

Ông ước tính rằng các "ông lớn" như Google và Amazon, chiếm tới 70% lượng sử dụng trung tâm dữ liệu tại Singapore. Các công ty này có thể sẽ tận dụng lợi thế của mình tại đây để tập trung vào các tác vụ AI, đồng thời chuyển các tác vụ truyền thống sang Malaysia và Indonesia.

 Một trung tâm dữ liệu của Google tại Singapore. (Ảnh: Google).

"Nhiều trung tâm dữ liệu ở Singapore đã bắt đầu tính đến chuyện xử lý các tác vụ AI”, ông Karunakaran nói. Ông cho biết thêm rằng về mặt sẵn sàng, họ "đã đi trước một bước" khi nói đến tính khả dụng của các đơn vị xử lý đồ họa (GPU) - loại chip bán dẫn được sử dụng để huấn luyện và chạy các mô hình AI - cũng như việc chuyển đổi các trung tâm dữ liệu Tier 4 (cấp 4) hiện có thành các trung tâm hỗ trợ AI.

Tuy nhiên, ngay cả khi Singapore đã có động thái tăng cường công suất, lĩnh vực này vẫn phải đối mặt với những hạn chế về năng lượng và nước. Vào tháng 5, Singapore tuyên bố sẽ cung cấp thêm ít nhất 300 megawatt (MW) công suất cho các trung tâm dữ liệu trong thời gian tới.

Ông Janil Puthucheary, Bộ trưởng Bộ Truyền thông và Thông tin, cho biết trong một bài phát biểu vào tháng 5 rằng 200 MW hoặc hơn nữa có thể được cung cấp cho các nhà khai thác sử dụng năng lượng xanh. Singapore hiện có hơn 70 trung tâm dữ liệu, với tổng công suất 1,4 gigawatt.

Mặc dù xu hướng chuyển dịch sang các cơ sở hỗ trợ AI là điều tất yếu, ông Niccolo Lombatti, nhà phân tích tại BMI Technology, cho rằng loại hình tác vụ AI được thực hiện ở Singapore cũng rất quan trọng.

Hiện tại, trọng tâm đang được đặt vào việc huấn luyện và cải thiện các mô hình AI, chẳng hạn như ChatGPT của OpenAI và mô hình ngôn ngữ lớn Sea-Lion của AI Singapore. Tuy nhiên, ông Lombatti nói quốc gia này sẽ không đủ năng lực để huấn luyện những mô hình lớn như vậy, bởi một trung tâm dữ liệu trung bình ở Mỹ cũng đã tiêu tốn tới 200 MW.

"Tôi nghĩ rằng 300 MW có thể được sử dụng hiệu quả hơn nếu tập trung vào lĩnh vực suy luận AI, một quá trình đòi hỏi mật độ năng lượng thấp hơn nhưng lại cần phải gần người dùng hơn", ông nói thêm. Suy luận AI là quá trình các mô hình AI tự tạo ra kết quả sau khi được huấn luyện trên các bộ dữ liệu. Ví dụ, suy luận AI cho xe tự lái có thể được thực hiện ngay tại Singapore để tối ưu hóa hiệu suất và độ an toàn.

Một yếu tố khác hỗ trợ sự phát triển của AI tại quốc đảo này là khả năng kết nối, theo bà Serene Nah, Giám đốc điều hành và là người đứng đầu khu vực châu Á Thái Bình Dương tại Digital Realty. Bà tin rằng Singapore có thể duy trì các khối lượng công việc quan trọng và vẫn là một trung tâm kết nối then chốt trong khu vực bằng cách cung cấp đa dạng các tùy chọn kết nối.

"Khả năng kết nối của Singapore biến nơi đây thành một địa điểm lý tưởng để triển khai AI tiên tiến. Việc đặt AI cùng với các mạng lưới toàn cầu tại Singapore cho phép xử lý dữ liệu liền mạch trên khoảng cách rộng lớn và tiếp cận nhiều đối tượng khách hàng hơn”, bà Nah giải thích. Bà cho biết thêm rằng có một số sáng kiến đang được triển khai để nhập khẩu năng lượng tái tạo và phát triển các công nghệ năng lượng carbon thấp tại địa phương.

Ông Bill Chang, CEO Nxera, chi nhánh trung tâm dữ liệu của Singtel, cho biết công ty viễn thông này đang loại bỏ dần các trung tâm dữ liệu cũ, kém hiệu quả và xây dựng các cơ sở bền vững hơn để thay thế.

"Điều này liên quan đến việc xây dựng các trung tâm dữ liệu hiệu quả cao, tối ưu hóa việc sử dụng đất, điện và nước thông qua các công nghệ tiên tiến, như làm mát bằng chất lỏng và vận hành thông minh, để đạt được hiệu quả năng lượng tổng thể tốt hơn và khả năng phục hồi hoạt động, đồng thời chuyển đổi hoàn toàn sang sử dụng năng lượng tái tạo từ lưới điện cho các hoạt động nội bộ và tiện ích chung của chúng tôi", ông giải thích.

Dự án Tuas 58 MW của Singtel sẽ tăng gấp đôi công suất hoạt động của công ty tại Singapore lên 120 MW khi hoàn thành vào cuối năm 2025. Tuy nhiên, với sự chuyển dịch sang AI, các khối lượng công việc này sẽ tiêu thụ nhiều năng lượng hơn. Do đó, các chuyên gia lưu ý rằng cần có những công nghệ mới được áp dụng để tăng hiệu quả làm mát.

Vấn đề khác, trung tâm dữ liệu tại Singapore cũng sẽ vấp phải cạnh tranh từ các nước láng giềng. Theo ông Lombatti tại BMI, do Singapore khan hiếm năng lượng và điện, các doanh nghiệp đã chuyển hướng đầu tư sang Johor Bahru (Malaysia) và Batam (Indonesia), dù thị trường ở đây chưa phát triển mạnh về công nghệ số.

Tuy nhiên, ông cũng cảnh báo rằng sự tăng trưởng bùng nổ ở những thị trường này có thể dẫn đến tình trạng thiếu hụt tài nguyên. Hồi tháng 5, ông Noorazam Osman, thị trưởng Johor Bahru, đã nhấn mạnh rằng các khoản đầu tư vào trung tâm dữ liệu không được gây ảnh hưởng đến nhu cầu điện và nước của người dân địa phương.

Theo ông Lombatti, chính quyền các nước có thể sẽ chỉ nhận ra mức độ tiêu thụ nước và năng lượng khổng lồ của các trung tâm dữ liệu sau khi chúng đã được xây dựng, và rồi đưa ra những quy định gây bất lợi cho các nhà khai thác. "Họ có thể ban hành lệnh cấm tại một số địa phương, thậm chí trên toàn quốc, khiến mọi hoạt động xây dựng mới đều bị đình trệ", ông nói thêm.

Ông Karunakaran từ Bain chỉ ra một lợi thế của Singapore là môi trường kinh doanh ổn định. Điều này có thể giải thích phần nào mức phí dịch vụ cao hơn 20% mà các trung tâm dữ liệu ở đây thường áp dụng. Ông nói thêm các nhà điều hành trung tâm dữ liệu ở Indonesia gặp phải nhiều khó khăn như giới hạn tỷ lệ sở hữu nước ngoài, rủi ro tỷ giá đáng kể, và trở ngại trong việc chuyển lợi nhuận về cho cổ đông dưới dạng cổ tức.

Dù tỷ trọng công suất của các trung tâm dữ liệu Đông Nam Á đặt tại Singapore có thể giảm, ông Karunakaran không cho rằng tỷ lệ doanh thu mà các trung tâm này tạo ra so với khu vực sẽ suy giảm trong ba năm tới.

Đức Huy