|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Hà Nội và TP HCM là điểm đến mới cho làn sóng đầu tư trung tâm dữ liệu

08:04 | 27/06/2024
Chia sẻ
Sự phát triển nhanh chóng của công nghệ, đặc biệt là AI, đã mang lại nhiều cơ hội cho dịch vụ trung tâm dữ liệu tại thị trường Việt Nam.

Chia sẻ tại Hội nghị Data Center & Cloud Infrastructure Summit 2024, diễn ra sáng 26/6 tại TP HCM, ông Hoàng Văn Ngọc, CEO Viettel IDC, nói sự phát triển nhanh chóng của công nghệ, đặc biệt là AI, đã mang lại nhiều cơ hội cho dịch vụ trung tâm dữ liệu. Ngành công nghiệp trung tâm dữ liệu không chỉ thúc đẩy mạnh mẽ nền kinh tế mà còn được xem như một khoản đầu tư nhỏ mang lại giá trị lớn.

Nghiên cứu của PwC năm 2022 về tác động của trung tâm dữ liệu tới kinh tế, môi trường và xã hội Mỹ giai đoạn 2017-2021 cho thấy ngành này đã tạo ra nhiều việc làm hơn, từ 2,9 triệu (năm 2017) lên 3,5 triệu (năm 2021), và đóng góp hơn 40% thu nhập lao động cùng 36% giá trị GDP (tăng gấp đôi so với tốc độ tăng GDP của toàn nước Mỹ trong giai đoạn này).

 Ông Hoàng Văn Ngọc, CEO Viettel IDC. (Ảnh: Thành Vũ).

Đối với thị trường điện toán đám mây, phân tích tác động kinh tế tại 11 quốc gia có thu nhập cao và trung bình khu vực châu Á - Thái Bình Dương cho thấy mức độ chuyển đổi đám mây có mối quan hệ tương quan với sự phát triển kinh tế mỗi quốc gia.

Trung bình, tại khu vực này, mỗi 1% tăng trưởng trong việc chuyển đổi đám mây sẽ đóng góp 0,07% tăng trưởng GDP. Ở Việt Nam, mỗi 6 triệu USD chi phí tiêu dùng đám mây tăng thêm sẽ mang lại 134 triệu USD tăng trưởng GDP.

Ông Ngọc khẳng định rằng AI sẽ thay đổi cuộc chơi trong phát triển trung tâm dữ liệu. "AI đang ở đỉnh cao của sự kỳ vọng. Theo dự báo của Gartner, các giải pháp AI sẽ tiếp tục bùng nổ và phát triển trong 2-5 năm tới đối với AI tạo sinh, và 10-20 năm tới với Cloud AI. Như vậy, tương lai của ngành này có thể phát triển trong 20-30 năm tới, đặt ra các bài toán về hiệu năng và làm mát," ông Ngọc cho biết.

Hiện tại, công suất trung bình của các tủ rack trong DC đã tăng mạnh, từ mức 10% trước đây lên 60%. AI đã thay đổi toàn bộ tư duy thiết kế, vận hành và khai thác các trung tâm dữ liệu. Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp nào cũng có khả năng xây dựng hạ tầng dữ liệu lớn, điều này thúc đẩy xu hướng mua dịch vụ hạ tầng từ các nhà cung cấp.

Trong lĩnh vực Data Center (trung tâm dữ liệu), "rack" là thuật ngữ chỉ một khung hoặc tủ chứa các thiết bị máy tính và thiết bị mạng như máy chủ (servers), bộ chuyển mạch (switches), bộ định tuyến (routers), và các thiết bị lưu trữ (storage devices). Đây là một thành phần quan trọng trong việc tổ chức, quản lý và tối ưu hóa không gian trong trung tâm dữ liệu.

Bên cạnh AI, điện toán biên (Edge Computing) cũng là một lĩnh vực thúc đẩy sự phát triển của dịch vụ trung tâm dữ liệu. Để phục vụ thị trường 100 triệu dân của Việt Nam, cần đến 10 trung tâm dữ liệu ở mức Hyper Scale (trên 5.000 rack) trong tương lai, tương đương với 1.000 DC ở quy mô 500 rack.

"Hiện nay, DC lớn nhất của chúng tôi chỉ đạt 2400 rack, vì vậy quy mô DC của Việt Nam cần phải tăng đến 15 lần mới đáp ứng được nhu cầu tăng trưởng," ông Ngọc nhận định.

Nói về xu hướng đầu tư vào các trung tâm dữ liệu, ông Ngọc cho biết sau đại dịch, dòng vốn đầu tư vào các trung tâm dữ liệu tiếp tục tăng trưởng bất chấp sự khó khăn của các lĩnh vực khác. Ví dụ, Microsoft đã đầu tư hơn 6 tỷ USD vào Indonesia, Amazon Cloud Service dành gần 9 tỷ USD đầu tư vào Malaysia, Philippines...

 Dòng vốn đầu tư dành cho lĩnh vực Trung tâm dữ liệu đang tiếp tục chảy về khu vực Đông Nam Á. (Ảnh: Thành Vũ).

Một điểm nổi bật là làn sóng M&A các công ty trong lĩnh vực trung tâm dữ liệu, điện toán đám mây và đầu tư cho AI khi các nhà cung cấp lớn dành khoảng 12-13% ngân sách cho hạ tầng AI. Dòng vốn M&A vào lĩnh vực trung tâm dữ liệu tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương đã chạm ngưỡng 1,7 tỷ USD trong quý I/2024, tăng 81% so với quý IV/2023 và gấp ba lần so với cùng kỳ năm 2023.

Theo lãnh đạo Viettel IDC, xu hướng M&A có sự chuyển dịch từ các thị trường như Trung Quốc, Australia, Ấn Độ sang khu vực Đông Nam Á, đặc biệt là Hà Nội và TP HCM được dự báo là những điểm đến mới cho làn sóng đầu tư này.

"Mặc dù thị trường Việt Nam còn khá nhỏ và đi sau các thị trường khác, nhưng chúng ta có đầy đủ tiềm năng và dư địa để tăng trưởng. Việt Nam nằm trong 10 nước mới nổi trên bản đồ trung tâm dữ liệu toàn cầu với những lợi thế như quỹ đất, khoảng trống thị trường, nhu cầu nội địa, chi phí tối ưu hơn đi cùng các hành động của chính phủ," ông Ngọc nói.

Theo TechSCI, tốc độ tăng trưởng của lĩnh vực trung tâm dữ liệu tại Việt Nam được dự báo ở mức gần 19% trong giai đoạn 2025-2026, và quy mô thị trường sẽ đạt 1,2 tỷ USD vào năm 2030.

Không đứng ngoài xu thế đầu tư này, ông Ngọc cho biết đến năm 2030, Viettel IDC đặt mục tiêu xây dựng từ 350-400MW công suất trung tâm dữ liệu với 4 dự án gồm An Khánh (Hà Nội, 160MW), Liên Chiểu (Đà Nẵng, 20MW), Tân Bình và Củ Chi (TP HCM, lần lượt là 20 và 160 MW).

Thành Vũ